Châu Á Thái Bình Dương sẽ thống trị thị trường tôm toàn cầu
Theo báo cáo mới nhất từ Future Market Insights, thị trường tôm toàn cầu được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm rất mạnh trong thập kỷ tới, với khu vực châu Á Thái Bình Dương – ngoại trừ Nhật Bản, có thể thống trị thị trường toàn cầu với thị phần lên tới 35%.
Báo cáo “Thị trường tôm: Phân tích toàn cầu (2012 – 2016) và đánh giá cơ hội (2017 – 2027)”, ước tính rằng giá trị thị trường tôm toàn cầu hiện tại vào khoảng 39,1 tỷ USD và sẽ tăng lên 67,5 tỷ USD đến cuối năm 2027. Trong giai đoạn 2017 – 2027, doanh thu thị trường tôm dự báo tăng trưởng với tốc độ 5,6%/năm.
Tôm đã trở thành ngành kinh doanh rất lớn trên thị trường thế giới và rất cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Thị trường tôm đặc trưng bởi các công ty tập trung tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhắm tới các nhóm khách hàng tìm kiếm các sản phẩm thủy sản chất lượng cao, tốt cho sức khỏe và bởi các công ty đa quốc gia vận hành trên thị trường quốc tế. Bắc Mỹ và Tây Âu là các thị trường mục tiêu chính của các công ty đa quốc gia, vốn tận dụng được tiêu dùng trên đầu người ngày càng tăng tại hai khu vực này. Tiêu dùng tôm sú được dự báo tăng mạnh, chủ yếu do người tiêu dùng phương Tây ưa chuộng hình thức và vị ngọt của tôm sú, theo báo cáo cho hay.
Nhu cầu từ người tiêu dùng Mỹ đối với tôm thưởng thức tại nhà hoặc nhà hàng đều tăng, do giá thấp và hàm lượng dinh dưỡng cao. Diễn biến này ngược với tình hình trên các thị trường khác như cá hồi, cá ngừ, cua và tôm hùm, vốn đang chật vật duy trì thị phần cao do giá tăng và nguồn cung giảm.
Trên toàn cầu, tiêu dùng tôm gián tiếp được dự báo có thị phần 50,8% đến cuối năm 2017, nhưng tiêu dùng tôm cao thông qua các kênh trực tiếp được dự báo sẽ là động lực tăng trưởng cho phân khúc này trong giai đoạn 2017 – 2027. Các sản phẩm đông lạnh được dự báo tiếp tục dẫn đầu thị trường, với thị phần chiếm 40% đến cuối năm 2027.
Các loài tôm thẻ nuôi hiện đang là các loại tôm phổ biến nhất, với dự báo 35% thị phần đến cuối năm 2017. Tôm thẻ được cho là vẫn duy trì được vị thế vững chắc trên thị trường. Thị trường tôm thẻ được dự báo trị giá 25 tỷ USD đến cuối năm 2027, tăng từ 11,7 tỷ USD vào cuối năm 2017.
Báo cáo cũng rà soát các chiến lược chính mà các công ty lớn đang áp dụng, cho thấy các công ty sử dụng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng thực phẩm như các chứng nhận ACC, EFSIS/BRC Global Standard, GMP, HACCP, HALAL, ISO 9001, và ISO 17025 để làm động lực tăng thị phần.
Các công ty cũng ngày càng tập trung vào các thị trường còn chưa được khai phá mạnh như Nga và Philippines và nhiều công ty đang có kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại thị trường châu Phi.
Đổi mới sản phẩm và bao bì là các chiến lược chính, khi các công ty đưa ra các chiến lược như phát triển các sản phẩm không gluten để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng tại châu Âu, đặc biệt là tại Ba Lan. Bao bì sáng tạo được sử dụng để vượt qua các thương hiệu đối thủ trên thị trường thủy sản, cùng với cải thiện quản lý phân phối chuỗi đông lạnh.
Các tiêu chuẩn chứng nhận và quy định nhập khẩu cũng được đề cập trong báo cáo.
Một yếu tố không được tính đến trong các kết quả nghiên cứu và có khả năng tác động lớn tới thương mại toàn cầu, là khả năng EU ban lệnh cấm nhập khẩu tôm Ấn Độ. Ấn Độ là nước sản xuất tôm lớn thứ 2 thế giới và là nguồn cung cấp lớn nhất cho Hà Lan và Anh.
Một đợt thanh tra quy trình kiểm soát tiền xuất khẩu của Ấn Độ sẽ hoàn tất vào tháng 11, sau khi các vấn đề liên quan đến kháng sinh trong tôm tồn tại dai dẳng 10 năm. Tất cả các lô hàng xuất sang EU phải được kiểm tra trước khi xuất bán và năm 2016, Ủy ban châu Âu đã nâng mức kiểm tra bắt buộc đối với các lô hàng từ Ấn Độ từ 10% lên 50%.
Bất chấp những cam kết mà các nhà chức trách Ấn Độ đưa ra, 11 trường hợp không tuân thủ quy định đã được ghi nhận kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt là đối với nitrofurans. EU có thể sắp mất kiên nhẫn và nếu kết quả thanh tra cho thấy có sai phạm trong hệ thống, một lệnh cấm là vấn đề nhãn tiền đối với ngành tôm Ấn Độ.
Để cải thiện vấn đề, Ấn Độ đang tăng cường thể chế kiểm tra dư lượng chloramphenicol, tetracycline, oxytetracycline, chlortetracycline và các chất chuyển hóa của nitrofurans. Các hoạt động kiểm tra cũng được tăng cường tại các phòng thí nghiệm, các cơ sở chế biến, trại nuôi và các nhà máy sản xuất TACN, khi các nhà chức trách Ấn Độ nỗ lực tìm kiếm khâu không tuân thủ quy định. Tuy nhiên họ thừa nhận rằng quá trình kiểm tra rất khó khăn, xét đến Ấn Độ có hơn 50.000 trang trại nuôi tôm cần kiểm tra và kiểm soát.
EU đang xem xét nâng mức kiểm tra bắt buộc lên 100% lô hàng tôm từ Ấn Độ nhưng động thái này cũng đặt ra gánh nặng tài chính cao hơn cho chính nhà nhập khẩu, và hệ quả có thể tác động tới chính người tiêu dùng.
Trừ khi Ấn Độ nhanh chóng cải thiện tình hình, các nhà nhập khẩu sẽ tìm các nguồn tôm thay thế và khảo sát nhanh các công ty cho thấy thực tế, họ đã bắt đầu tìm kiếm các nguồn hàng thay thế. Các nước sản xuất tôm lớn khác là Trung Quốc, Indonesia, Ecuador, Việt Nam và Thái Lan.
Theo Seafood Source
Bình luận