Cao su

Xuất khẩu nông sản Việt Nam đến nửa đầu tháng 8/2017 và dự báo những tháng cuối năm 2017

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 23,66 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu nông sản chính tăng 17,2%, xuất khẩu thủy sản tăng 18,1% và xuất khẩu các mặt hàng lâm sản tăng 9,6% trong cùng kỳ so sánh.

Cụ thể tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản chính đến nửa đầu tháng 8/2017

Tổng cục Hải quan thông báo diễn biến xuất khẩu hàng hóa mỗi tháng 2 lần, theo đó, các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu chính được công bố bao gồm: gạo, sắn, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su, chè, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thủy sản và rau quả.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 8/2017, giá trị xuất khẩu hàng loạt mặt hàng đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, xuất khẩu tăng mạnh nhất ở mặt hàng cao su (57%), tiếp theo là rau quả (48%), hạt điều (26%), thủy sản (20%), gạo (17%), chè (13%), gỗ và các sản phẩm từ gỗ (12%), cà phê (5%). Trong khi đó, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 8%, xuất khẩu hạt tiêu giảm 18% về giá trị.

Đến nửa đầu T8/2017

(triệu USD)

Đến nửa đầu T8/2016

(triệu USD)

Thay đổi
Cao su 1.241,4 788,7 57%
Rau quả 2.174,5 1.473 48%
Hạt điều 2.025,2 1.606,5 26%
Thủy sản 4.749,8 3.966,6 20%
Gạo 1.631,9 1.394,8 17%
Chè 131,4 116,7 13%
Gỗ và các sản phẩm từ gỗ 4.544,6 4.057,2 12%
Cà phê 2.220,6 2.105,7 5%
Sắn 606,6 658,2 -8%
Hạt tiêu 850,8 1.034,8 -18%

 

Giảm mạnh về giá trị xuất khẩu nhưng tính đến nửa đầu tháng 8/2017, lượng xuất khẩu hạt tiêu tăng đến 23% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng xuất khẩu gạo, chè, cao su cũng tăng mạnh, lần lượt đạt 19%, 14% và 13% trong cùng kỳ so sánh. Trong khi đó, lượng xuất khẩu hạt điều, sắn, và cà phê giảm lần lượt 1%, 1% và 18%. Giá cà phê, cao su, hạt điều và gạo tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2017 đã kéo giá trị xuất khẩu mặt hàng này tăng.

Đến nửa đầu T8/2017 (tấn) Đến nửa đầu T8/2016 (tấn) Thay đổi
Hạt tiêu 156,572 127,263 23%
Gạo 3,699,996 3,100,974 19%
Chè 83,172 73,227 14%
Cao su 714,471 629,573 13%
Hạt điều 205,455 206,734 -1%
Sắn 2,439,327 2,458,210 -1%
Cà phê 974,712 1,193,562 -18%

 

Hưởng lợi từ điều kiện thị trường thuận lợi

Thiên tai, dịch bệnh và đình công diễn ra tại nhiều nước giao dịch lớn trên thị trường nông sản toàn cầu; áp lực tồn kho trên thị trường quốc tế giảm; nhu cầu cao và phục hồi kinh tế diễn biến ổn định tại các thị trường lớn tại châu Âu và Bắc Mỹ đã cộng hưởng tạo nên điều kiện thị trường xuất khẩu thuận lợi cho Việt Nam trong năm 2017.

Lũ lụt nghiêm trọng tại Bangladesh khiến nước này thiệt hại khoảng 1 triệu tấn gạo, đã đưa quốc gia Nam Á này trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn trong năm 2017, với lượng nhập khẩu được dự báo lên tới 1,5 triệu tấn. Do tồn kho gạo chính phủ giảm thấp và giá gạo nội địa tăng cao kỷ lục, chính phủ Bangladesh đã liên tục tổ chức các đợt đấu thầu nhập khẩu, đàm phán các hợp đồng G2G với hàng loạt chính phủ các nước sản xuất – xuất khẩu gạo lớn và hạ thuế nhập khẩu 2 lần chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng để khuyến khích nhập khẩu gạo tư nhân. Dự trữ gạo chính phủ của Philippines cũng giảm thấp, buộc chính phủ nước này phải tăng cường nhập khẩu gạo. Trong khi đó, thị trường gạo châu Phi cũng khởi sắc trở lại, giúp ngành gạo Việt Nam thoát khỏi nỗi ám ảnh xuất khẩu gạo tồi tệ năm 2016.

Sản xuất tôm thế giới tiếp tục trên đà phục hồi sau khi dịch bệnh tôm chết sớm và điều kiện thời tiết bất lợi khiến sản lượng tôm suy giảm tại hàng loạt nước sản xuất lớn trong vài năm qua. Sản xuất tôm tại châu Á được dự báo tăng 5 – 10% trong năm 2017 so với năm 2016. Tuy nhiên, rủi ro dịch bệnh và mưa nhiều vẫn đe dọa nguồn cung tôm tại Trung Quốc và Thái Lan, tạo nên các cuộc đua tranh mua tôm nguyên liệu lớn trên thị trường châu Á cho chế biến – xuất khẩu và phục vụ nhu cầu nội địa tại các thị trường đang phát triển của châu Á ngày càng cao.

Áp lực tồn kho nông sản cũng đang giảm trên thị trường thế giới và tại nhiều thị trường, tồn kho không còn là rủi ro đe dọa diễn biến giá như trong năm 2016. Trong khi tồn kho tại hàng loạt nước nhập khẩu gạo lớn như Philippines, Bangladesh, Sri Lanka giảm thấp, tồn kho gạo chính phủ của Thái Lan – áp lực tồn kho mạnh nhất trên thị trường gạo trong 2 năm qua – đã gần như cạn kiệt sau hàng loạt động thái xả kho mạnh của chính phủ nước này. Không còn áp lực tồn kho gạo chính phủ gạo Thái Lan, cộng với nhu cầu nhập khẩu cao, trong nửa đầu tháng 6/2017, giá gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế đã chạm mốc cao nhất trong 4 năm và giá gạo Việt Nam cũng đạt mức cao nhất trong vòng 2,5 năm.

Tương tự, tồn kho cà phê trên thị trường toàn cầu cũng không còn là một yếu tố gây áp lực lên giá. Mặc dù tồn kho cà phê tại cảng cảng của Mỹ liên tục tăng từ giữa năm 2016 đến nay, thống kê dự trữ cà phê tại các kho của ICE cũng đã thoát đáy trong nửa đầu năm 2017, so với mức tồn kho cao đỉnh điểm ghi nhận vào tháng 7/2008 kể từ khi ICE thống kê tồn kho tại các cảng, mức tồn kho cà phê tháng 7/2017 vẫn thấp hơn đến 66%.

Trong khi đó, điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi là điều kiện tích cực cho diễn biến nhu cầu và giá đối với các nguyên liệu thô cho sản xuất công nghiệp như cao su tự nhiên. GDP của tất cả nước tiêu dùng lớn, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, EU và Ấn Độ đều được dự báo sẽ cải thiện, trong khi tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo duy trì ở mức 6,7%. Tăng trưởng kinh tế thực trong quý 1/2017 và quý 2/2017 của Trung Quốc là 6,9%, vượt tăng trưởng dự báo, đồng thời là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 18 tháng và chỉ báo có tăng trưởng nhu cầu cao. Doanh số bán xe ô tô trong nửa đầu năm 2017 tại các nước tiêu dùng cao su tự nhiên lớn – Trung Quốc, EU và Nhật Bản – cũng nghi nhận tăng trưởng tích cực, lần lượt là 3,8%, 4,7% và 9,2%

Nhu cầu cao đang là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các dự báo giá thủy sản toàn cầu duy trì cao ổn định trong nửa cuối năm 2017. Nhu cầu và tiêu dùng tôm tại Mỹ, Canada và Trung Quốc vẫn ở mức cao trong năm 2017, trong khi nhu cầu của Nhật Bản đi ngang, ông Gulkin – giám đốc điều hành Siam Canadian phân tích. Tại châu Âu, thị trường tôm vẫn đang yếu nhưng đã có vài dấu hiệu cải thiện trong năm 2017 so với năm 2016, đặc biệt là tiêu dùng tăng tại Anh. Trong khi đó, mặc dù xuất khẩu cá tra sang thị trường EU và Mỹ đang gặp nhiều khó khăn do chính sách kiểm tra tiếp tục thắt chặt và các chiến dịch truyền thông tiêu cực về cá tra; xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và đặc biệt là Nhật Bản lại đang khởi sắc.

Dự báo xuất khẩu những tháng cuối năm 2017

Xuất khẩu nông sản các tháng cuối năm thường tăng để phục vụ nhu cầu thị trường quốc tế dịp nghỉ lễ cuối năm. Các chuyên gia quốc tế cũng dự báo thương mại và giá các hàng hóa nông sản tiếp diễn tích cực trong những tháng cuối năm 2017.

Trên thị trường gạo, Bangladesh, Sri Lanka tiếp tục các hoạt động nhập khẩu thông qua hàng loạt các hợp đồng G2G, đấu thầu và nhập khẩu tư nhân để đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu nội địa. Sau khi mua gạo từ Việt Nam, Campuchia, Bangladesh đang bước vào vòng đàm phán thứ hai với Ấn Độ và Thái Lan để chốt các hợp đồng nhập khẩu G2G; trong khi các nhà nhập khẩu tư nhân của nước này đang tăng mua từ Ấn Độ sau khi thuế nhập khẩu hạ xuống còn 2%.  Các nhà chức trách Sri Lanka cũng có động thái tương tự, khi tiến hành các đàm phán với cả Pakistan và Myanmar, đồng thời duy trì các cuộc đàm phán mua riêng rẽ với Thái Lan. Các nỗ lực nhâp khẩu trên được cho là sẽ đưa xuất khẩu gạo sang Bangladesh trong năm 2017 lên 1 triệu tấn, trong khi Sri Lanka được dự báo sẽ mua 650.000 tấn gạo, so với mức chỉ 60.000 tấn trong năm 2016. Chính phủ Philippines ban hành quy định chi tiết nhập khẩu gạo theo MAV; theo đó, các thương nhân nội địa Philippines có thể bắt đầu áp dụng các giấy phép để nhập khẩu gạo theo cơ chế Lượng tiếp cận tối thiểu (Minimum Access Volume – MAV) từ ngày 29/8. Chính phủ Thái Lan cũng nâng dự báo xuất khẩu gạo từ 10 triệu tấn đưa ra hồi đầu năm lên 11 triệu tấn trong năm 2017, thể hiện dự báo lạc quan về thị trường những tháng cuối năm.

Trên thị trường thủy sản, theo nhận định của ông Gulkin, giám đốc điều hành Siam Canadian, thị trường đã chạm đáy và đang trong đà tăng. Giá tôm được dự báo tăngvà  sẽ duy trì ở mức cao tại phần lớn các nước sản xuất tôm lớn cho đến quý 2/2018. FAO cũng dự báo giá trị thương mại thủy sản toàn cầu sẽ đạt hơn 150 tỷ USD trong năm 2017, tương đương tăng khoảng 7% so với năm 2016, đưa năm 2017 trở thành năm giao dịch thủy sản toàn cầu đạt mốc cao kỷ lục, vượt năm 2014 được ghi nhận cao nhất từng có là 149 tỷ USD do nhu cầu cá hồi và tôm ở mức cao.

Trong khi đó, Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo xảy ra thâm hụt cung – cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2017 ngay cả khi các dự báo này chưa tính đến khả năng giảm sản xuất tại Thái Lan và Malaysia do giá thấp và thay đổi thời tiết. Trong tháng 9/2017, 3 nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia sẽ nhóm họp để bàn giải pháp hỗ trợ giá cao su. Tín hiệu tích cực là các nhà sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới đều đang lạc quan về tình hình thị trường ô tô trong nửa cuối năm 2017.

Thị trường cà phê cũng được cho là sẽ sôi động vào những tháng cuối năm như thường lệ để phục vụ nhu cầu nghỉ lễ cuối năm tại các thị trường tiêu thụ lớn, giao dịch sẽ tăng lên  khi các nhà xuất khẩu bắt đầu tìm kiếm hợp đồng mới cho vụ thu hoạch sắp tới, bắt đầu vào tháng 10.

Xuất khẩu rau quả và hạt điều cũng được dự báo tích cực trong những tháng cuối năm 2017 do nhu cầu thế giới đối với các mặt hàng này tiếp tục tăng, trong khi Việt Nam đang có lợi thế về chi phí chế biến hạt điều xuất khẩu và thành công trong việc mở cửa các thị trường mới cho rau quả, trong khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc vẫn cao.

Phạm Dung - Gappingworld
Admin

Xuất khẩu cao su đạt 607 triệu USD trong quý 1/2024

Bài trước

Doanh nghiệp cao su dự báo tương lai tích cực hơn

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Cao su