Giá và sản xuất tôm châu Á tăng cùng với nhu cầu
Sản xuất tôm tại châu Á được dự báo tăng 5 – 10% trong năm 2017 so với năm 2016, nhưng các khu vực sản xuất chính hiện vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro sản xuất, theo nhận định của ông Jim Gulkin, giám đốc điều hành tại Bangkok của Siam Canadian Group.
Ông Gulkin cho rằng sản xuất tôm của Thái Lan tăng trong năm 2017, với mức tăng 5 – 10% so với năm 2016. Ông cũng cho biết thêm các nhà chế biến đang cạnh tranh rất mạnh trong thu mua nguyên liệu, với nhiều đơn hàng đã được các nhà bán lẻ và các chuỗi nhà hàng dịch vụ ăn nhanh (QSR) từ Mỹ đặt trước. “Nông dân nuôi tôm Thái Lan năm 2017 tập trung hơn vào sản xuất tôm cỡ vừa và cỡ lớn, vốn là phân khúc Thái Lan kém cạnh tranh hơn. Ngoài ra, các thương nhân Trung Quốc cũng đang mạnh tay thu mua tôm nguyên liệu, mua trực tiếp từ các hồ nuôi và thuê nhiều cơ sở sơ chế nhỏ đóng gói dạng bỏ đầu nguyên vỏ (HLSO) thành từng lô và vận chuyển về Trung Quốc”, ông Gulkin cho hay. Sự cạnh tranh từ phía thương nhân Trung Quốc đang gây ra rất nhiều áp lực tăng lên giá tôm nguyên liệu và ông Gulkin dự báo giá tôm của Thái Lan sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong những tháng cuối năm 2017.
Tại Indonesia, giá tôm nhìn chung có tính cạnh tranh cao hơn so với các nhà cung cấp khác trong năm 2017, nhưng nước này đang gặp khó khăn trong xử lý vấn đề dịch bệnh. Mặc dù ngày càng nhiều khu vực nuôi đạt kết quả tích cực trong giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, ông Gulkin cho rằng sản xuất tôm của Indonesia năm 2017 vẫn thấp hơn khoảng 5% so với năm 2016. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng sản xuất tôm của Indonesia sẽ bắt đầu tăng trở lại vào tháng 10 – 11/2017.
Ngành tôm của Trung Quốc tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2017 do dịch bệnh, ô nhiễm công nghiệp, chất lượng con giống kém và chất lượng TACN kém. Vụ nuôi tôm đầu tiên trong năm 2017 của Trung Quốc được coi là thất bại, ông Gulkin nhận định. Do đó, Trung Quốc phải và sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung từ các nước châu Á khác để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa lẫn nhu cầu của các nhà chế biến.
Trong khi đó, sản xuất tôm thẻ tại Việt Nam cải thiện trong suốt năm 2016, nhưng vẫn cần nhập khẩu nguyên liệu thô từ Ấn Độ và các nước châu Á khác do nguồn cung nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà chế biến. Ngoài ra, thương nhân Trung Quốc ráo riết cạnh tranh thu mua trực tiếp tôm nguyên liệu từ nông dân Việt Nam, tương tự tình hình xảy ra tại Thái Lan. Trong một số trường hợp, họ cũng thuê các cơ sở gia công nhỏ sơ chế, đóng gói tôm bỏ đầu – bóc vỏ, nhưng trong phần lớn các trường hợp, tôm nguyên liệu được vận chuyển trực tiếp tới biên giới, ông Gulkin làm rõ tình hình.
Nhu cầu đối với tôm sú vẫn cao và giá tiếp tục duy trì ở mức cao. Giá cả tôm thẻ và tôm sú Việt Nam được dự báo sẽ duy trì ở mức cao ít nhất là đến quý 2/2018, ông Gulkin phát biểu.
Tại Ấn Độ, sản lượng tôm thẻ được dự báo tăng 10 – 15% trong năm 2017 so với năm 2016. Nước này đang tích cực khắc phục các vấn đề sản xuất và công suất trong ngành tôm. “Ấn độ đối mặt với rất nhiều thách thức trong sản xuất tôm, bao gồm dịch bệnh, như các nước khác, nhưng nhờ diện tích nuôi tăng cùng với công suất chế biến của các nhà máy mới và sự mở rộng công suất của các nhà máy hiện thời. Sản lượng tôm nguyên liệu Ấn Độ rất cao hồi đầu tháng 7 và giá tôm nguyên liệu bắt đầu giảm. Tuy nhiên, do các nhà chế biến có nhiều đơn hàng đã ký và dự báo sản lượng tôm sẽ giảm đáng kể trong tháng 7, giá tôm CF không giảm quá mạnh. Vụ thu hoạch chính đã gần hoàn tất và giá tôm nguyên liệu đang tăng trở lại”. Ông Gulkin bổ sung thêm rằng các nhà chế biến tôm Ấn Độ vẫn còn các đơn hàng lớn chưa hoàn tất và do vụ thu hoạch chính đã qua, giá tôm Ấn Độ được dự báo sẽ duy trì ở mức cao đến ít nhất giữa quý 2/2018.
Giá tôm sú từ Bangladesh cũng duy trì vững trong năm 2017 – với sản lượng tôm tương đương năm 2016 nhưng vẫn thấp hơn năm 2015.
Về các thị trường tiêu dùng cuối cùng, nhu cầu và tiêu dùng tai Mỹ, Canada và Trung Quốc vẫn ở mức cao trong năm 2017, trong khi nhu cầu của Nhật Bản đi ngang, ông Gulkin phân tích. Tại châu Âu, thị trường tôm vẫn đang yếu nhưng đã có vài dấu hiệu cải thiện trong năm 2017 so với năm 2016, đặc biệt là tiêu dùng tăng tại Anh. “Về giá cung cấp, thị trường đã chạm đáy và đang lên. Giá tôm được dự báo tăng, mặc dù không có thiên tai lớn xảy ra. Giá sẽ duy trì ở mức cao tại phần lớn các nước sản xuất tôm lớn cho đến quý 2/2018”, ông Gulkin nhận định.
Theo Seafood Source
Bình luận