Các thương nhân nội địa Philippines có thể bắt đầu áp dụng các giấy phép để nhập khẩu gạo theo cơ chế Lượng tiếp cận tối thiểu (Minimum Access Volume – MAV) từ ngày 29/8, theo hướng dẫn chi tiết được Cơ quan Thực phẩm Quốc gia (NFA) ban hành gần đây.
NFA đã ban hành Chỉ thị ghi nhớ AO-2017-08-002, có chi tiết hướng dẫn nhập khẩu 805.000 tấn gạo theo cơ chế MAV của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhập khẩu trong hạn ngạch MAV thường được hưởng thuế thấp hơn.
“Nhập khẩu gạo theo chương trình này sẽ chiểu theo Luật Cộng hòa 8179 và quyết định ngày 24/7/2014 của WTO về từ bỏ các biện pháp đối xử thương mại đặc biệt đối với gạo của Philippines”, theo tổng thư ký chính phủ Leoncio B. Evasco Jr., đồng thời là chủ tịch Hội đồng NFA (NFAC) cho biết trong buổi công bố.
Theo hướng dẫn nhập khẩu, các thương nhân ngành gạo được phép nhập khẩu từ các nước khác với hạn ngạch cụ thể và với nhiều mục đích, hoặc từ các quốc gia sản xuất gạo khác. Các thương nhân ngành gạo và các tổ chức nông dân có thể nhập khẩu 293.100 tấn gạo từ mỗi nước Thái Lan và Việt Nam. Họ cũng có thể nhập khẩu 50.000 tấn gạo từ mỗi nước Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan; 15.000 tấn từ Úc và 4.000 tấn từ El Salvador. “Không có tổ chức nào, trực tiếp hoặc gián tiếp, được phân bổ hạn ngạch nhập khẩu theo chương trình này mà vượt quá 20.000 tấn trong niên vụ 2016 – 17”, ông Evasco cho hay.
Ông Evasco nhấn mạnh rằng gạo thành phẩm nhập khẩu theo chương trình MAV 2017 sẽ bị đánh thuế 35%. Chất lượng không được phép thấp hơn loại gạo 25% tấm và/hoặc bất cứ loại gạo đặc sản nào.
NFAC, cơ quan quyết định chính sách cao cấp nhất của NFA, đã chia nhập khẩu gạo theo chương trình MAV 2017 làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 20/12/2017 đến 28/2/2018; Giai đoạn 2 từ 1/6/2018 đến 31/8/2018.
Phó giám đốc điều hành marketing NFA Tomas R. Escarez cho biết NFAC đã đề ra lộ trình nhập khẩu gạo thành 2 giai đoạn nhằm đảm bảo gạo nhập khẩu không gây áp lực giảm giá nội địa. “Nguyên nhân chính yếu của quyết định này là nhằm đảm bảo gạo nhập khẩu không vào thời điểm thu hoạch rộ, thường kết thúc vào tuần thứ 2 của tháng 12 hàng năm. Do đó chúng tôi cho phép nhập khẩu gạo cập cảng từ tuần thứ 2 của tháng 12 tới hết tháng 2 sang năm, khi hoạt động thu hoạch lúa không diễn ra”, ông Tomas R. Escarez nhấn mạnh. “Gạo nhập khẩu cũng được phép vào thị trường từ tháng 7 – 8 do đây là tháng thấp điểm nguồn cung lúa gạo nội địa, nên nhập khẩu vào thời điểm này sẽ không tác động đến những người sản xuất nội địa”.
Khi phần lớn gạo nhập khẩu theo cơ chế MAV được phân bổ trong năm 2018, ông Escarez cho biết quyết định mua gạo của NFA từ thị trường quốc tế để tăng cường các kho dự trữ sẽ phụ thuộc vào tình hình nguồn cung trong năm tới. “Nhập khẩu 805.200 tấn thường sẽ không chạm tới mức hạn ngạch này do một số nguồn cung gạo từ Úc và Tung Quốc thường không được nhập khẩu. Philippines chủ yếu nhập khẩu từ các nước châu Á, như Thái Lan và Việt Nam”.
Sau khi những nhà nhập khẩu có quan tâm đệ trình thư đề xuất, nhóm tiền trạm MAV của NFA sẽ tiến hành xác định và xác nhận tất cả các yêu cầu do ứng viên đệ trình. Nhóm công tác này cũng sẽ xác nhận nếu ứng viên là một bên có trong danh sach điều tra buôn lậu, đầu cơ, hoặc các hoạt động phi pháp khác hay không. “Hoạt động xác nhận sẽ diễn ra khoảng 30 ngày theo lịch. Việc ban hành chứng chỉ hợp pháp (certificate of eligibility – COE) sẽ được thực hiện vào khoảng tuần đầu tháng 11”, ông Escarez cho hay.
Ông bổ sung thêm một thay đổi quan trọng trong chương trình nhập khẩu MAV 2017 là quyết định của chính phủ cho phép các thương nhân ngành gạo được tự quyết định thời điểm và lượng họ muốn nhập khẩu. Ví dụ, thương nhân có thể chọn nhập khẩu 40% lượng gạo được phân bổ trong giai đoạn 1 và phần còn lại 60% được nhập khẩu trong giai đoạn 2. Trước đây, khi họ nhận được COE, họ phải tự động thanh toán 50% tuế nhập khẩu; nhưng nay, nếu bạn quyết định chỉ nhập khẩu 40% lượng phân bổ trong giai đoạn 1 thì chỉ phải trả một nửa khoản thuế cho lượng 40% trên. Phần thuế còn lại sẽ được nộp bởi người nhập khẩu chỉ khi, ngay trước khi thông quan, khi các lô hàng gạo cập cảng”.
Theo hướng dẫn này, tất cả các thương nhân nhập khẩu gạo cũng được yêu cầu đăng ký với Cơ quan dịch vụ Kiểm dịch cây trồng quốc gia – Tổng cục Trồng trọt để tiến hành đàm phán và triển khai nhập khẩu.
Năm 2016, NFA đã cho phép 210 tổ chức của nông dân và doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu 692.340 tấn gạo, thấp hơn 110.160 tấn so với hạn ngạch MAV 2016 là 802.500 tấn.
Theo Business Mirror
Bình luận