Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu đường để bình ổn giá trong nước
Ấn Độ gần đây đã gia hạn chính sách hạn chế xuất khẩu đường sau tháng 10/2023, do nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới này cố gắng giảm giá trong nước bằng cách tăng nguồn cung trước các cuộc bầu cử quan trọng ở các bang.
Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu có thể sẽ làm tăng giá đường tham chiếu ở New York và Luân Đôn, nơi các thị trường đang giao dịch giá đường quanh mức cao nhất trong nhiều năm, gây ra lo ngại về giá lương thực tiếp tục lạm phát trên toàn cầu. Theo thông báo hôm thứ Tư của Tổng cục Ngoại thương (DGFT), xuất khẩu đường thô, đường trắng, đường tinh luyện và đường hữu cơ theo một số mã sẽ bị hạn chế sau tháng 10. Hạn chế xuất khẩu đường của Ấn Độ đã được áp dụng trong hai năm qua. Trong thời gian này, Ấn Độ phân bổ hạn ngạch xuất khẩu cho các nhà máy.
Trong niên vụ kết thúc vào ngày 30/9, Ấn Độ chỉ cho phép các nhà máy xuất khẩu 6,2 triệu tấn đường, sau khi cho phép họ xuất khẩu kỷ lục 11,1 triệu tấn trong niên vụ 2021/22. Các nguồn tin chính phủ nói với Reuters vào tháng 8 rằng quốc gia Nam Á này sẽ cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong mùa bắt đầu vào tháng 10, tạm dừng xuất khẩu lần đầu tiên sau 7 năm do thiếu mưa đã làm giảm sản lượng mía. Một đại lý có trụ sở tại Mumbai với một công ty thương mại toàn cầu cho biết: “Việc hạn chế xuất khẩu đã được dự đoán trước. Thay vì giới hạn một năm thông thường, lần này chính phủ đã áp đặt hạn chế xuất khẩu vô thời hạn”. “Khó có khả năng phân bổ hạn ngạch xuất khẩu trong năm nay vì mục tiêu là giảm giá đường trước bầu cử”. Năm bang của Ấn Độ sẽ bầu cơ quan lập pháp mới vào tháng tới, bắt đầu quá trình bầu cử khu vực trước cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới.
Ấn Độ đã gây bất ngờ cho thị trường khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati được tiêu thụ rộng rãi vào tháng 7, sau lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm ngoái. New Delhi cũng áp thuế 40% đối với hành xuất khẩu. Giá đường ở Ấn Độ gần cao nhất trong hơn 7 năm và sản lượng được dự báo sẽ giảm 3,3% xuống 31,7 triệu tấn trong niên vụ 2023/24 do mưa gió mùa rải rác ở các bang trồng mía hàng đầu là Maharashtra và Karnataka.
Theo Reuters
Bình luận