Theo báo cáo Banana Market Review 2022 do FAO công bố gần đây, xuất khẩu chuối toàn cầu tiếp tục giảm trong năm 2022, đạt xấp xỉ 19,1 triệu tấn, tức giảm 1,2 triệu tấn so với năm 2021, là mức giảm rất mạnh so với tăng trưởng nhanh ghi nhận trong những năm trước đại dịch COVID-19.
Nhiều yếu tố về phía cung tác động mạnh lên thương mại chuối toàn cầu. Điều kiện thời tiết không thuận lợi, nguồn cung phân bón không đủ, chi phí tăng vọt, đồng USD tăng giá mạnh và sự lây lan của các dịch bệnh trên cây, đặc biệt là bệnh chuối héo chủng nhiệt đới 4, hay còn gọi là TR4, đồng loạt kéo sản lượng chuối giảm. Tuy nhiên, nhu cầu từ các nước nhập khẩu vẫn duy trì ở mức tương đối cao. Tại các thị trường nhập khẩu chính, đặc biệt là EU và Mỹ, giá chuối bước vào giai đoạn xu hướng tăng.
Xuất khẩu
Báo cáo FAO cho thấy xuất khẩu chuối toàn cầu (trừ chuối quả) giảm 6,1% trong năm 2022, cắt ngang chuỗi tăng trưởng nhanh ghi nhận trong những năm trước đại dịch COVID-19. Với ngoại lệ Guatemala và Colombia, phần lớn các nước xuất khẩu chính đều ghi nhận tăng trưởng âm, với một số nước giảm xuất khẩu tới hai con số.
Mỹ Latin và Caribbean – khu vực xuất khẩu chuối quan trọng trên thế giới – ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu 14,5 triệu tấn trong năm 2022, giảm 900.000 tấn, tương đương giảm 5,7% so với năm 2021. Ecuador, nước xuất khẩu chuối lớn nhất thế giới, ghi nhận suy giảm xuất khẩu chưa từng có, với mức giảm lên tới 12,4% xuống còn xấp xỉ 5,8 triệu tấn. Diễn biến này xuất phát từ một số nguyên nhân. Đầu tiên là khu vực này ghi nhận nhiệt độ giảm bất thường, tác động tiêu cực lên sinh trưởng và chất lượng chuối, dẫn tới giảm năng suất và tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, thiếu các loại phân bón thiết yếu như phân đạm cũng ảnh hưởng thêm tới sản xuất chuối. Đối với Costa Rica, nước xuất khẩu chuối lớn thứ 2 thế giới trong khu vực này, xuất khẩu chuối cũng giảm 9,2% xuống còn 2,1 triệu tấn trong năm 2022.
Xuất khẩu chuối từ châu Á giảm 6,8% xuống còn 3,9 triệu tấn, là năm suy giảm thứ 3 liên tiếp của khu vực này. Philippines tiếp tục là nước xuất khẩu chuối lớn nhất châu Á, chiếm xấp xỉ 60% tổng xuất khẩu chuối từ lục địa này. Tuy nhiên, nước này đang đối mặt với hàng loạt thách thức bao gồm sự lây lan của bệnh Panama TR4 và chi phí đầu vào tăng vọt, khiến xuất khẩu chuối giảm tới 8,2% xuống còn 2,3 triệu tấn.
Được thúc đẩy bởi nhu cầu cao từ Trung Quốc và các thị trường Trung Đông, Việt Nam, Campuchia và Ấn Độ tiếp tục đầu tư vào trồng chuối. Cả Việt Nam và Campuchia đều đạt tăng trưởng 2 con số về xuất khẩu chuối, chạm mức xấp xỉ 410.000 tấn chuối xuất khẩu từ mỗi nước. Trong khi đó, Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 360.000 tấn chuối trong năm 2022, tăng 6,3% so với năm 2021.
Nhập khẩu
Nhập khẩu chuối toàn cầu trong năm 2022 đạt 18,6 triệu tấn, giảm 1,1 triệu tấn, tương đương 5,8% so với năm 2021. Theo báo cáo của FAO, nhu cầu từ phần lớn các thị trường nhập khẩu vẫn ổn định, mặc dù giảm nguồn cung chuối toàn cầu và những khó khăn trong vận chuyển toàn cầu khiến luồng vận chuyển hàng hóa tới các thị trường chính bị ảnh hưởng tiêu cực, đồng loạt tác động lên tăng trưởng nhập khẩu.
EU, thị trường nhập khẩu chuối lớn nhất thế giới, ghi nhận nhập khẩu chuối giảm xuống dưới 5 triệu tấn, tương đương giảm xấp xỉ 3,6%. Tuy nhiên, giá nhập khẩu chuối vào thị trường EU ghi nhận xu hướng tăng, với giá nhập khẩu trung bình năm 2022 đạt 944 USD/tấn, tăng 2% so với năm 2021. Tương tự, tại Mỹ, cả giá bán buôn và bán lẻ chuối nhập khẩu đều ghi nhận xu hướng tăng, với giá trung bình tăng lần lượt là 9,5% và 6% trong cùng kỳ so sánh.
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc, nhập khẩu chuối của Trung Quốc năm 2022 đạt tổng cộng 1,9 triệu tấn, giảm 3,2%. Bất chấp tăng trưởng âm, nhập khẩu chuối của Trung Quốc vẫn chiếm tới 10% tổng kim ngạch nhập khẩu chuối toàn cầu, đưa nước này trở thành thị trường nhập khẩu chuối lớn thứ 3 thế giới. Nhu cầu của Trung Quốc duy trì ở mức cao nhưng các vấn đề từ các nước xuất khẩu lớn tác động lên tăng trưởng nhập khẩu của thị trường này.
Trong bối cảnh đó, những thay đổi trong nguồn cung nhập khẩu chuối của Trung Quốc trong năm 2022 rất mạnh. Đồng thời, những thách thức trong sản xuất chuối tại Philippines khiến nhập khẩu chuối từ đất nước Đông Nam Á này giảm tới 14%, làm giảm thị phần chuối Philippines trên thị trường Trung Quốc xuống chỉ còn 40%.
Nhập khẩu chuối Ecuador của Trung Quốc tăng so với trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các vân đề nguồn cung tại Ecuador và tăng mạnh cước vận tải toàn cầu khiến nhập khẩu chuối từ Ecuador trong năm 2022 vào thị trường Trung Quốc chỉ đạt 200.000 tấn, giảm 7,4% so với năm 2021 và thấp hơn 50% so với mức trước đại dịch. Giá nhập khẩu chuối trung bình từ Ecuador trong năm 2022 là 726 USD/tấn, cao hơn xấp xỉ 34% so với chuối nhập khẩu từ Việt Nam.
Lào đã triển khai các chính sách kiểm soát COVID-19 rất nghiêm ngặt trong đại dịch, dẫn tới việc đóng cửa các cảng và tuyến xuất khẩu cho tới tháng 5/2022. Hệ quả là nhập khẩu chuối Lào của Trung Quốc giảm tới 26% trong năm 2022.
Dự báo và các thách thức
Theo báo cáo của FAO, sản xuất, thương mại và tiêu dùng chuối toàn cầu đang đối diện một số rủi ro lớn. Lạm phát cao, chi phí lãi vay tăng vọt và biến dodognj tỷ giá có thể tác động tới nhu cầu chuối, đặc biệt là tại các nước thu nhập thấp hơn. Sự suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 có thể tiếp tục gây áp lực giảm nhu cầu. Các tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine lên chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường phân bón và các tuyến vận chuyển sẽ vẫn nhiều bất trắc, làm tăng thêm rủi ro.
Về khía cạnh nguồn cung, sự ấm lên toàn cầu dẫn tới hạn hán, lũ lụt, bão và các thảm họa tự nhiên khác xảy ra thường xuyên hơn, khiến sản xuất chuối trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn. Nhiệt độ tăng cũng làm tăng tốc lây lan nhiều dịch bệnh, bao gồm bệnh Panama TR4, gây ra rủi ro rất lớn cho sản xuất chuối toàn cầu. So với các chủng khác, TR4 có thể lây nhiễm nhiều loại chuối hơn và trên phạm vi rộng hơn. Hơn nữa, hiện chưa có phương pháp chữa trị bệnh này một cách hiệu quả.
Theo thông tin chính thức, TR4 hiện được xác nhận phát hiện tại 21 nước, chủ yếu tại Nam và Đông Nam Á, đồng thời được thông báo đã xuất hiện tại Trung Đông, châu Phi, châu Đại dương, Mỹ Latin. Colombia, Peru và Venezuela cũng thông báo phát hiện bênh này vào tháng 8/2019, 4/2021 và 1/2023. Gần đây, nhiều đột phá đạt được trong phát triển các giống chuối kháng bệnh nhưng liệu các thương nhân, nhà bán lẻ và người tiêu dùng có chấp nhận các giống chuối này hay không thì cần thời gian chứng thực.
Theo Produce Report
Bình luận