“Kinh doanh cực yếu, không thể giải tỏa tồn kho”: Nhập khẩu cá tra tại Mỹ lao đốc do tồn kho cao kéo tụt đơn hàng, giá
Nhập khẩu cá tra vào Mỹ giảm 50% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023 cho tới nay là một năm khó khăn cho các nhà nhập khẩu cá tra Việt Nam tại Mỹ, và triển vọng hiện vẫn khó dự báo liệu nửa cuối năm 2023 có tích cực hơn hay không. Nhu cầu tiêu dùng trên thị trường Mỹ giảm sút mạnh do người tiêu dùng nỗ lực kiểm soát chi tiêu cho thực phẩm khi lạm phát kéo dài. Thiếu nhu cầu dẫn tới giá bán buôn giảm mạnh nhưng các nhà nhập khẩu đang gánh tồn kho ở mức rất cao nhưng không thể giải quyết lượng hàng tồn kho này trong bối cảnh hiện tại.
Dữ liệu công bố từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) cho thấy nhập khẩu cá tra giảm một nửa trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 4/2023, nhập khẩu cá tra tiếp tục giảm, từ mức 13.253 tấn trong tháng 4/2022 xuống chỉ còn 7.259 tấn, theo thống kê mới nhất của NOAA. Dư cung và nhu cầu yếu khi nên kinh tế Mỹ bị lạm phát đè nặng đã tác động lên lượng nhập khẩu, vốn tăng vọt trong những năm xảy ra đại dịch COVID-19, theo Tammy Lam, hiện là giám đốc kinh doanh toàn quốc của H&N Group, một nhà nhập khẩu cá tra hàng đầu có trụ sở tại California.
Với tồn kho neo ở mức cao, đơn hàng từ khu vực bán lẻ lẫn dịch vụ ăn uống đều giảm mạnh. “Không có quá nhiều nhu cầu trống để lấp vào, chỉ có một ít ở chỗ nọ chỗ kia với lượng nhỏ”, bà Lam cho hay. “Chúng tôi hy vọng tình hình quý 2 cải thiện nhưng cho tới nay vẫn y như trước, nguồn cung vẫn dồi dào và nhu cầu chưa phục hồi”. Trong giai đoạn đại dịch, giá bán buôn cá tra đạt khoảng 3,3 – 3,5 USD/lb, nhưng nay giá bán buôn giảm xuống mức thấp hơn nhiều, chỉ dao động từ 1,48 – 2,1 USd/lb, bà cho hay. Theo bà Lam, đáng chú ý là giá bán buôn giảm mạnh và khả năng tiếp cận nguồn cung cá tra dễ dàng hơn đang thu hút thêm nhiều nhà kinh doanh, người bán trực tiếp và các nhà đóng gói trên thị trường, nghĩa là các nhà cung cấp cá tra dài hạn trên thị trường đang đối mặt với thị phần giảm.
Con số nhập khẩu phản ánh chính xác các diễn biến trên thị trường, theo ông Sam Galletti, chủ tịch của Southwind Foods/Great American Seafood Imports cho hay. “Kinh doanh nhìn chung không còn được như vài năm trước. Nhu cầu yếu và người tiêu dùng chỉ mua khi cần”. Ông Dave Loos, CEO của nhà cung cấp cá tra Western Edge Seafood tại Pennsylvania, nhấn mạnh rằng hoạt động kinh doanh tụt dốc so với vài năm trước và người tiêu dùng chỉ quay trở lại mua hàng khi họ cần, thay vì mua tích trữ như trong giai đoạn dịch bệnh. Phần lớn các nhà nhập khẩu đều đặt hàng quá mức trong năm 2021 và 2022, kỳ vọng doanh số tiếp tục tăng ngay cả sau đại dịch. Họ không chuẩn bị cho cú sụt giảm bất thường sau khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022, cộng với lạm phát tăng vọt, theo bà Tường Oanh – làm việc cho văn phòng Siam Canadian tại Việt Nam. Do đó, các nhà nhập khẩu hiện đang ôm tồn kho rất lớn với giá nhập cao, buộc họ phải cố gắng giải phóng toàn bộ hàng tồn kho thay vì nhập khẩu mới, bà cho biết thêm. “Kinh doanh cực yếu, không thể giải tỏa hàng tồn kho”.
Thị trường Mỹ không phải là điểm nghẽn duy nhất của các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam. Xuất khẩu sang ba thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ và EU đồng loạt giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm 2023, theo thông tin từ Hiệp hội các nhà sản xuất – xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang Đức, Singapore và Anh ghi nhận tăng trưởng tích cực.
Theo Intrafish
Bình luận