Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới
Tăng nguồn cung tôm nuôi tại Ecuador lèo lái thương mại tôm toàn cầu trong suốt 9 tháng đầu năm 2022. Trong giai đoạn này, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới với nguồn cung tôm lớn từ Ecuador và chênh lệch nguồn cung giữa nhà cung cấp này với các nhà sản xuất tôm châu Á ngày càng lớn.
Nguồn cung
Chi phí đầu vào nuôi trồng thủy sản (thức ăn, nhiên liệu và vận chuyển) tăng mạnh trong năm 2022, gây khó khăn cho nông dân nuôi tôm toàn cầu. Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu tôm nuôi tại châu Á ở mức trung bình trong quý 2 và quý 3 năm 2022 – vốn mà mùa sản xuất tôm chính của khu vực này. Về loài, tôm thẻ tiếp tục chi phối nguồn cung. Tăng sản xuất tôm sú nuôi tại châu Á cũng đáng chú ý, sau nhiều năm sản lượng tôm sú ở mức thấp.
Nhu cầu và giá tôm tại các thị trường lớn tương đối ổn định trong 8 tháng đầu năm 2022. Từ tháng 9/2022, giá tôm trên thị trường quốc tế bắt đầu yếu đi và chạm mức thấp vào tháng 10 – mức giá không đủ sinh lời cho nhiều nông dân để họ tiếp tục sản xuất, đặc biệt tại châu Á. Tại Ấn Độ, nông dân nuôi tôm giảm mật độ thả nuôi và các nhà chế biến giảm công suất hoạt động cho xuất khẩu do giá trên thị trường liên tục giảm. Xu hướng này diễn ra tương tự tại Đông Nam Á (Việt Nam, Indonesia, Thái Lan). Sản lượng tôm nuôi theo chu kỳ sẽ đạt mức thấp tại châu Á từ tháng 11 tới tháng 2-3 của năm kế tiếp.
Tại Mỹ Latin, Ecuador là nước sản xuất tôm nuôi lớn nhất và tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh về sản lượng tôm nuôi, đạt tới hơn 1 triệu tấn trong năm 2022. Tại Mỹ, cơn bão Ian, xếp hạng 4, tác động nghiêm trọng lên các bờ biển phía tây nam Florida, phá hủy nhiều tàu tôm và các trang thiết bị tại cảng. Các nhà bán buôn thủy sản tại Mỹ đang gặp nhiều vấn đề do cơn bão, bao gồm các lô hàng tới Florida lẫn những nơi bị cơn bão tấn công. Tại Argentina, lạm phát cao, biến động tỷ giá bất lợi và chi phí khai thác tăng đang tác động lên ngành tôm Argentina. Tồn kho chưa tiêu thụ tại Argentina ở mức cao và cũng do các thị trường chính tại châu Âu đang có nhu cầu thấp, đồng thời gặp cạnh tranh mạnh với nguồn cung tôm thẻ nuôi. Tình hình này dẫn tới giá giảm, đặc biệt là với tôm cỡ lớn, trong khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu vẫn liên tục suy yếu.
Thương mại quốc tế
Nhìn chung, thương mại tôm toàn cầu trong nửa đầu năm 2022 vẫn tích cực. Tại phần lớn các thị trường, nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu
Sản lượng tôm nuôi tăng, đặc biệt là tôm thẻ, trong năm 2022 tại châu Á và Mỹ Latin đáp ứng tốt nhu cầu tôm tăng trên thị trường thế giới. Trong số các nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, Ecuador và Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng cao nhất trong nửa đầu năm 2022 trong khi Ấn Độ và Indonesia chỉ có thể duy trì được tăng trưởng dương ở mức thấp. Xuất khẩu tôm Thái Lan, Trung Quốc và Argentina giảm. Trong giai đoạn này, chênh lệch nguồn cung giữa hai nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới là Ecuador và Ấn Độ nới rộng, do Ecuador tăng thị phần tại Trung Quốc, Mỹ và EU cũng như nhiều thị trường khác. Ecuador cũng tăng xuất khẩu tôm nguyên liệu bóc vỏ và tôm tẩm bột sang các thị trường phương Tây.
Nhập khẩu
Trong nửa đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu tôm của 5 thị trường hàng đầu tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1,36 triệu tấn. Nhập khẩu tôm sơ chế (tôm bóc vỏ) và tôm chế biến (tẩm bột và khác) tăng tại các thị trường phương Tây và Nhật trong nửa đầu năm 2022, chủ yếu cung cấp từ Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. Xuất khẩu tôm nguyên liệu bóc vỏ từ Ecuador cũng tăng. Từ đầu mùa thu, nhập khẩu tại Mỹ và châu Âu giảm do dự trữ trong chuỗi cung ứng nội địa của hai thị trường vẫn ở mức cao.
Mỹ
Ngành dịch vụ ăn uống tại Mỹ đối mặt với nhiều giai đoạn khó khăn do giá nhiên liệu cao, tăng chi phí vận chuyển, lạm phát, quý thứ hai liên tiếp không ghi nhận tăng trưởng GDP, tác động lên chi phí toàn chuỗi cung ứng, tăng thời gian logistics và các vấn đề bảo quản. Tuy nhiên, ngành kinh doanh tôm vẫn đang xoay xở tốt khi giá tôm bán buôn duy trì ở mức rất ổn định, giúp neo nhu cầu người tiêu dùng so với các loại cá và thủy sản khác. Với gần như không còn thi hành bất cứ chính sách kiểm dịch nào, ăn uống ngoài trời trở thành một nhu cầu cơ bản trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Mỹ.
Trong nửa đầu năm 2022, nhập khẩu tôm của Mỹ tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021 lên 441.299 tấn, với giá trị thông quan là 4,2 tỷ USD. Trong đó 41% là tôm nguyên liệu bóc vỏ, 32% là tôm nguyên liệu nguyên vỏ và 26% là tôm chế biến. Trong số các nước xuất khẩu tôm hàng đầu, Ấn Độ và Indonesia mất thị phần trên thị trường Mỹ vào tay Ecuador, Việt Nam và Thái Lan trong nửa đầu năm 2022.
EU
Cùng với việc mở cửa lại ngành kinh doanh nhà hàng và dịch vụ ăn uống trong năm 2022, nhu cầu tôm của người tiêu dùng châu Âu tăng vọt. Nhập khẩu tôm vượt 400.000 tấn (+11%), bao gồm thương mại tôm nội khối EU, trong nửa đầu năm 2022. Tây Ban Nha, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Ý, Đức và Bỉ là các nước nhập khẩu tôm hàng đầu trong EU.
Nhập khẩu từ nguồn ngoại khối EU đạt 296.407 tấn, tăng 15,7% trong cùng kỳ so sánh. Top các nước cung cấp tôm chính cho thị trường này là Ecuador, Ấn Độ, Greenland, Việt Nam và Argentina. Trên thị trường này, tôm đỏ nguyên con Argentina cạnh tranh khốc liệt với tôm thẻ; tôm thẻ vẫn có giá dễ mua hơn. Thị trường chính của tôm Argentina là Tây Ban Nha cũng đang chuyển sang tăng tiêu dùng tôm thẻ. Tồn kho tôm Argentina tại kho lạnh còn cao, cộng với sức mua yếu đi, khiến các nhà xuất khẩu nước này đối mặt với môi trường kinh doanh bất lợi.
Châu Âu – không thuộc EU
Nhập khẩu tôm tại Anh và Bắc Ireland cũng tăng (12,8% lên 38.878 tấn) và Thụy Sĩ (tăng 30,3% lên 4.560 tấn), nhưng giảm tại Na Uy (-11% xuống 8.090 tấn). Các xu hướng nhập khẩu biến động mạnh tại Ukraine (-61% xuống 3.648 tấn) và Nga do cuôc xung đột ngày càng leo thang giữa hai nước. Trong nửa đầu năm 2022, nhập khẩu tôm từ Argentina vào Nga giảm tới 84% do các lệnh cấm vận tài chính đối với Nga,
Trung Quốc
Nhu cầu tiêu dùng tôm tại Trung Quốc trong khu vực bán lẻ và khu vực dịch vụ ăn uống vẫn ở mức cao và thâm hụt nguồn cung được bù đắp thông qua nhập khẩu. Sản lượng tôm nội địa trong giai đoạn tháng 4 – 10 tăng. Trong nửa đầu năm 2022, nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng 25,8% lên 370.123 tấn. Tôm Ecuador, nguồn cung hàng đầu cho thị trường Trung Quốc, chiếm thị phần tới 60%, theo sau là Ấn Độ (12,55), Việt Nam (6%), Canada (3,6%) và Greenland (3%).
Đến hết quý 3/2022, tổng kim ngạch nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng tới 51,6% so với cùng kỳ năm 2021, lên 661.822 tấn, đưa nước này trở thành nước nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới, so với mức nhập khẩu chỉ đạt 225.133 tấn trong 9 tháng đầu năm 2021. Ecuador tiếp tục nắm giữ thị phần 60% (395.000 tấn), nới rộng khoảng cách với các nhà cung cấp khác. Các nguồn cung tôm nuôi và tôm khai thác tăng từ các nước cung cấp tôm khác, bao gồm Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Iran, Saudi Arabia, Canada, Greenland, Argentina). Đây là một diễn biến bất thường và tác động lên thị trường thế giới cần được theo dõi thêm do nhập khẩu tôm của Mỹ cũng đạt tới 646.030 tấn trong cùng giai đoạn.
Nhật Bản
Nhu cầu tôm tiếp tục ở mức thấp tại Nhật Bản trong suốt năm 2022, đặc biệt là tôm nguyên liệu nhưng nhu cầu cao hơn đối với tôm GTGT cao. Nhập khẩu tôm của Nhật Bản trong nửa đầu năm 2022 đạt 96.555 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021, bao gồm 61% tôm nguyên liệu và 33,5% tôm chế biến. So với cùng kỳ năm 2021, nhập khẩu tôm nguyên liệu giảm 2% xuống còn 63.065 tấn, nhưng nhập khẩu tôm chế biến tăng 12% lên 32.380 tấn, với các nguồn cung tới từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc.
Nhật Bản vẫn đóng cửa đối với khách du lịch trong gần 2,5 năm tính tới tháng 9/2022, tác động lên nhu cầu đối với tôm sơ chế (tôm tẩm bột sơ chế, tôm nguyên đuôi bóc vỏ sơ chế), vốn chủ yếu dùng trong kinh doanh nhà hàng.
Các thị trường khác
Trong suốt năm 2022, Đông Nam á và khu vực Thái Bình Dương ghi nhận xu hướng nhu cầu tăng tích cực trong kinh doanh bán lẻ và dịch vụ ăn uống. Nhập khẩu tôm tươi và đông lạnh cho tiêu dùng nội địa tăng tại Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, New Zealand, Malaysia, Singapore trong kì rà soát. Trong suốt năm 2022, giá tôm bán lẻ duy trì ở mức cao so với giá xuất khẩu sang các thị trường phương tây. Nhập khẩu tôm đông lạnh để chế biến xuất khẩu cũng tăng tại Việt Nam và Thái Lan trong kì rà soát năm 2022.
Giá tôm
Thông thường giá tôm nuôi tại châu Á điều chỉnh trong giai đoạn sản xuất chính từ tháng 5 – 9 và ổn định vào khoảng tháng 10. Tuy nhiên, năm 2022, giá tôm bắt đầu giảm từ giữa tháng 9 trên thị trường quốc tế xuống mức thấp không thể sinh lời cho nông dân giữa bối cảnh chi phí đầu vào nuôi trồng thủy sản tăng.
Triển vọng
Trong 4 – 5 tháng tới, sản xuất tôm nuôi tại châu Á sẽ bước vào giai đoạn thấp điểm theo chu kỳ. Tại Ấn Độ, sản lượng tôm thẻ dự báo giảm xuống chỉ còn 800.000 tấn trong năm 2022. Tại Đông Nam Á, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia cũng dự báo giảm nhẹ so với năm 2021. Xét tới mức xuất khẩu ổn định theo tháng trong năm 2022 của Ecuador, sản lượng tôm nuôi của nước này có thể tăng 30 – 35% trong năm 2021. Đối với tôm khai thác biển, sản lượng tôm Argentina dự báo ổn định trong những tháng sắp tới do nhu cầu duy trì ở mức tốt.
Nhập khẩu tôm của Trung Quốc ở mức cao khi nước này cần đảm bảo nguồn cung lớn cho các kỳ nghỉ lễ trong năm 2023, khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh. Nhập khẩu cao tại Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2022 có thể làm giảm nhập khẩu tôm từ châu Á trong những tháng cuối năm và nước này có thể cso nguồn cung đảm bảo từ Ecuador – nước có lợi thế địa lý gần gũi hơn. Nhập khẩu tôm vào EU có thể ở mức ổn định do đồng Euro vẫn yếu so với đồng USD.
Về phía cung, Ecuador sẽ có lợi thế tương đối so với các nhà cung cấp châu Á khác trên tất cả các thị trường lớn (Trung Quốc, Mỹ và EU). Các ngư dân khai thác tôm Argentina dự báo sản lượng tôm giảm trong năm 2022 so với năm 2021. Các thành phần khác trong ngành cho rằng sản lượng khai thác sẽ giảm khi số tàu cập cảng giảm 36% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, các hoạt động chế biến tôm sẽ có thời điểm gián đoạn do thiếu nguyên liệu theo mùa.
Theo Globefish
Bình luận