0

Đợt bùng phát COVID-19 hiện nay tại Việt Nam đang có tác động rất mạnh lên ngành thủy sản, với công suất chế biến tôm và cá tra tại nhiều nhà máy giảm sút tới 50% và gây ra tình trạng thu hoạch hoảng loạn tại ĐBSCL.

Việt Nam đã khống chế thành công COVID-19 trong năm 2020 trong khi các đối thủ cạnh tranh trong sản xuất thủy sản, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Ecuador và các nhà sản xuất khác, chật vật trước sự bùng phát dịch trên diện rộng. Các công ty thủy sản Việt Nam đã tận dụng cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2020.

Tổng cục Thủy sản Việt Nam ngày 16/7 nhận định rằng ngành tôm hưởng lợi từ thành công trong kiểm soát COVID-19 từ đầu năm 2020 tới những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, giá tôm đang trên đà giảm trong 2 tháng qua do sự lây lan nhanh của COVID-19 ở các tỉnh miền Nam. Từ ngày 27/4, hơn 52.000 người Việt Nam đã nhiễm COVID-19, phần lớn tập trung tại các tỉnh miền Nam. So với giai đoạn từ đầu năm 2020 tới tháng 4/2021, số ca nhiễm COVI-19 tại Việt Nam chỉ dưới 3.000 ca, theo dữ liệu chính phủ ghi nhận.

Tại tâm dịch của đợt bùng phát hiện nay là thành phố Hồ Chí Minh – cửa ngõ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam – và ĐBSCL – khu vực sản xuất thủy sản chính trên cả nước. Hơn 32.000 người dân thành phố Hồ Chí Minh đã nhiễm virus corona từ 27/4 và để đối phó với vấn đề này, chính quyền thành phố đã áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong vòng 2 tuần từ ngày 9/7.

Từ ngày 19/7, 16 tỉnh thành phía Nam khác, bao gồm toàn bộ ĐBSCL áp dụng các chính sách phong tỏa tương tự trong 14 ngày – một nỗ lực đáng kể nhằm kìm chế sự lây lan của virus corona. Trong thời gian phong tỏa, các nhà máy và hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn được phép hoạt động nhưng công nhân phải ăn, ở và sinh hoạt trong phạm vi nhà máy, cơ sở sản xuất nông nghiệp và hoàn toàn cách ly với cộng đồng, gia đình.

Ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch công ty xuất khẩu tôm Fimex, cho biết trong một thông báo ngày 16/7 rằng ông không chắc khi nào các lệnh hạn chế hiện tại đối với nhà máy và cơ sở sản xuất nông nghiệp sẽ được dỡ bỏ nhưng chính phủ sẽ không sớm nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hiện nay cho tới khi kiểm soát được đợt bùng phát COVID-19 hiện nay một cách rõ ràng.

Nhà sản xuất – xuất khẩu tôm Minh Phú đã giảm công suất chế biến chỉ còn 50% do năng lực lo liệu chỗ ăn ở cho công nhân trong nhà máy khá hạn chế, theo ông Lê Văn Quang trả lời phỏng vấn SeafoodSource ngày 19/7. Một lãnh đạo tại một công ty cá tra ở tỉnh An Giang cho biết công suất tại các nhà máy chế biến trong khu vực giảm tới khoảng 40%, do thực tế là các nhà máy không thể lo chỗ ăn ở cho công nhân.

Đồng thời, nhấn mạnh tình trạng gián đoạn thị trường khiến giá nông thủy sản giảm mạnh, nhiều nông dân tại ĐBSCL đã tiến hành thu hoạch sớm vụ sản xuất hiện tại. Tai tỉnh Cà Mau, chính quyền địa phương kêu gọi nông dân bình tĩnh và không hoảng loạn thu hoạch, theo phó chủ tịch tỉnh Lê Văn Sự trong thông báo ngày 13/7, sau cuộc họp giữa chính quyền địa phương và các công ty thủy sản tại Cà Mau.

Tuy nhiên, tại tỉnh Tiền Giang, tình trạng thu hoạch hoảng loạn đang đẩy giá giảm không phanh, theo ông Ngô Minh Tuấn – người hiện vận hành hoạt động của 30ha nuôi tôm thẻ - cho biết giá tôm thẻ trung bình loại 30 con/kg ở mức 130.000 đồng/kg, giảm từ mức 155.000 đồng/kg hồi 3 tuần trước. Giá tôm bị tác động mạnh bởi thực tế là các nhà chế biến tôm hiện không thể mua và chế biến ngay một lượng tôm lớn đang được thu hoạch, theo báo Nông nghiệp Việt Nam. Ông Tuấn cho hay tình hình này gây nhiều bối rối bởi nhu cầu trên thị trường đối với tôm Việt Nam vẫn rất mạnh.

Tình trạng phong tỏa hiện nay cũng đang tác động tới nhập khẩu thủy sản vào Việt Nam để chế biến. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất – xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), để giảm chi phí, nhiều công ty trong nước đã bảo quản các lô hàng nhập khẩu gần đây tại các kho dự trữ riêng thay vì giữ tại các cảng. Tuy nhiên, các thanh tra y tế cảng đã ngừng thanh tra hàng hóa ngoài phạm vi cảng và họ sẽ nối lại toàn diện các hoạt động ngay khi đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay được kiểm soát. VASEP đã đề xuất Bộ NNPTNT can thiệp để hoạt động chế biến – xuất khẩu không bị gián đoạn, nhưng hai bên vẫn chưa đưa ra được các giải pháp tính tới ngày 19/7.

Trong một động thái khác, ngày 18/7, chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh thành trong trạng thái phong tỏa dỡ bỏ quy định yêu cầu các tài xế lái container và xe kéo phải xuất trình giấy chứng nhận âm tính COVID-19 trước khi ra vào các địa phương. Quy định được đưa ra không một tín hiệu báo trước này vào đầu tháng, khiến nhiều công ty thủy sản sững sờ và gây ra tình trạng gián đoạn vận chuyển thủy sản giữa thành phố Hồ Chí Minh và ĐBSCL.

Theo Seafood Source

Admin

Những tiến bộ trong sản lượng tôm có sự hỗ trợ công nghệ

Bài trước

Xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm nhẹ 2% trong quý 1/2024

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Thủy sản