0

Các công ty chăng nuôi đang bị bóp nghẹt giữa hai đầu: giá đầu ra của gia cầm và gia súc đi ngang và giảm tại một số khu vực; trong khi giá nguyên liệu TACN tăng vọt, đẩy nhiều công ty vào tình trạng phải giảm công suất sản xuất hoặc thậm chí tuyên bố phá sản.

Giá TACN tăng liên tục trong vài tháng qua gây ra nhiều thách thức cho nông dân. Tháng 3/2021, nông dân Nguyễn Văn Hậu tại huyện Trảng Bòm, tỉnh Đồng Nai nhận thông báo tăng giá từ tất cả các nhà sản xuất TACN trong vùng. Trong đó, Japfa Comfeed tăng giá 5 lần, trong khi các công ty khác như C.P., Masan, Cargill, De Heus, Emivest, Greenfeed, cũng điều chỉnh giá tới 6 lần. Mức tăng trung bình khoảng 400 – 800 đồng/kg (1 – 3 cents/kg) – mức tăng cao kỷ lục – và các công ty cảnh báo giá sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng sắp tới. Ông Hậu cho biết các mức tăng giá trong tháng 3 cao gấp 2 lần so với các đợt điều chỉnh thông thường. “Họ đã thay đổi giá bán 5 – 7 lần từ tháng 10.2020, với mức tăng tổng cộng khoảng 17 – 30%. Các nhân viên kinh doanh tư vấn cho chúng tôi đặt hàng nhiều nhất có thể bởi giá sẽ còn tiếp tục tăng”.

Đồng thời, tại miền bắc, ông Hoàng Mạnh Ngọc, một nông dân sản xuất trứng và gia cầm tại huyện Đông Anh, cũng cho biết giá thức ăn gia cầm đã tăng 50%, từ mức 800 đồng/kg lên 1.200 đồng/kg (3 – 5cents/kg), trong khi thức ăn chăn nuôi lợn tăng 30% , tương đương 1.500 đồng/kg (6,5 cents/kg).

Vận may trái chiều

Từ giữa năm 2020, giá TACN đã liên tục tăng và có diễn biến tăng vọt vào cuối năm ngoái. Tăng giá các ngũ cốc chính như ngô và đậu tương là nguyên nhân chính khiến giá TACN tăng vọt. Ngay cả giá một số phụ gia như lysine và amino acid cũng tăng gấp đôi.

Giải thích về diễn biến tăng giá này, đại diện của Japfa Comfeed cho biết đại dịch tác động mạnh lên logistics thế giới, làm tăng vọt cước vận chuyển. Nguyên nhân quan trọng hơn là Trung Quốc đột ngột mua với khối lượng lớn các nguyên liệu đầu vào TACN. Vị đại diện này cho biết hàng loạt các nhà sản xuất TACN đã thồng thuận rằng thay vì nguyên liệu cho cả quý hoặc cả năm, giờ đây họ chỉ có thể mua đủ cho hàng tháng. Những người trong ngành cho rằng giá TACN sẽ tăng thêm 1.000 đồng/kg (4 cents/kg) trong tháng 5 hoặc tháng 6, khi các lô hàng mới được sản xuất. Tuy nhiên, biến động giá TACN còn phụ thuộc vào thị trường quốc tế.

Việt Nam là một trong những nước sản xuất TACN hàng đầu ASEAN. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nội địa chỉ có thể cung cấp khoảng 4 triệu tấn cám và 4 triệu tấn sắn – đều là những nguyên liệu quan trọng cho sản xuất TACN – trong khi nhu cầu lên tới khoảng 27 triệu tấn. Đồng thời, các nguyên liệu chính khác như đậu tương và lúa mỳ cũng không phải là thế mạnh của Việt Nam. Do đó, Việt Nam phải nhập khẩu 70 – 80% nguyên liệu cho sản xuất TACN. Theo Bộ Công thương, trong năm 2020, giá trị nhập khẩu nguyên liệu TACN và TACN vào khoảng 3,84 tỷ USD, tăng 3,75% so với năm 2019.

Giữa bối cảnh giá nguyên liệu thô tăng, các nhà sản xuất TACN quy mô nhỏ sẽ chịu thiệt hại trực tiếp do nguồn cung giảm mạnh. Họ thường phải đợi nguồn cung nguyên liệu mới và buộc phải tăng giá để duy trì cạnh tranh. “Giá nguyên liệu tăng nhanh như từng xảy ra trong lạm phát năm 2008 (hơn 21%)”, theo nông dân Hoàng Mạnh Ngọc tại huyện Đông Anh.

Tuy nhiên, bất chấp giá TACN tăng mạnh, giá thịt gà giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu giảm trong vài tháng qua. Trong chăn nuôi lợn, giá bán lợn sống vẫn duy trì ở mức cao, giá TACN tăng vọt cũng tác động lên quá trình tái đàn chăn nuôi lợn. Đại diện của Japfa cho biết cần khoảng 250kg TACN giá khoảng 130 USD để nuôi lợn lên cỡ 100kg. Nhưng giá TACN tăng đã làm chi phí tăng thêm khoảng 13 – 22 USD, ngoài ra còn chi phí vắc xin và các chi phí khác, “những nhà sản xuất con giống, các nhà sản xuất TACN và rất nhiều trại nuôi không muốn mở rọng sản xuất để kiểm soát rủi ro và thiệt hại”.

Thu hẹp sản xuất

Giữa những thách thức bủa vây, một đại diện khác của một nhà sản xuất TACN trong nước cho biết họ đã tạm ngừng sản xuất 2 ngày trong tuần và năng suất nói chung giảm tới 50% do càng hoạt động nhiều thì càng thua lỗ.

Tập đoàn Dabaco, một trong những doanh nghiệp chăn nuôi hàng đầu Việt Nam, đang đối diện với những khó khăn lớn trong nhập khẩu nguyên liệu cho các nhà máy ép dầu và sản xuất TACN từ tháng 1 tới nay do gián đoạn logistics quốc tế. Một trong những nhà máy dầu thực vật của công ty chỉ hoạt động 18 – 20 ngày mỗi tháng bởi lượng đậu tương nhập khẩu không đủ để duy trì hoạt động, bất chấp thực tế là dự trữ nguyên liệu của nhà máy này lên tới 100.000 tấn. Theo ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, giá TACN và nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng, qua đó gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi, có khả năng đẩy một số công ty quy mô nhỏ vào bờ vực phá sản.

Trong khi đó, các công ty lớn có thể dự báo các thay đổi trên thị trường và giảm thiểu rủi ro nhờ các kho dự trữ nguyên liệu lớn hơn. “Do sản xuất và nguyên liệu thô nhập khẩu đình trệ, trong tháng này, nhiều nhà máy bắt đầu phải sử dụng các nguồn nguyên liệu họ đã mua ở mức giá cao nhất nên giá bán TACN sẽ sớm tăng tiếp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn có nguồn tồn kho nguyên liệu ở mức giá phải chăng như CP, Japfa và Cargill sẽ thống trị thị trường và đẩy các doanh nghiệp vào tình cảnh thua lỗ, thậm chí phá sản”, ông Bình nhận định.

Đối với ngành chăn nuôi, rủi ro lớn là ngành này phụ thuộc vào TACN và nguyên liệu TACN nhập khẩu, nên biến động giá rất khó dự báo. Các trang trại chăn nuôi nhỏ là bộ phận dễ tổn thương nhất khi chi phí tăng. “Tuy nhiên, tình hình này không chỉ mang đến thách thức mà còn có cả cơ hội cho các công ty chăn nuôi khép kín, có thể bao phủ toàn bộ các giai đoạn sản xuất, bao gồm sản xuất TACN, chăn nuôi, giết mổ và chế biến thực phẩm. Do các công ty này có thể san sẻ rủi ro giữa các giai đoạn sản xuất khác nhau nên có thể bù đắp phần nào thua lỗ và vượt qua khó khăn. Các công ty khác có nguồn vốn mạnh cũng có thể chống chọi trong thời gian dài hơn”, ông Bình phân tích.

Hiện có khoảng 265 nhà máy TACN trên khắp cả nước, 85 trong số này có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhóm công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 65% thị phần thị trường TACN. Theo một nguồn tin, CP Việt Nam chiếm 17% thị phần, trong khi 5 – 6% thuộc về mỗi công ty là Masan, Japfa, và De Heus., 2 – 4% thị phần thuộc về mỗi công ty là Emivest, Greenfeed, Cargill, New Hope, CJ Vina Agri, Lái Thiêu, và Dabaco.

Theo VIR

Admin

Xuất khẩu TACN tăng vọt trong 11 tháng đầu năm 2023

Bài trước

Cập nhật thị trường TACN Việt Nam năm 2022

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc