Bất chấp xuất khẩu mạnh, vị thế của Mỹ trên thị trường ngũ cốc thế giới vẫn suy yếu
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ là vựa bánh mỳ của thế giới, dẫn đầu về xuất khẩu ngô, đậu tương và lúa mỳ. Nhưng mặc dù lượng giao dịch duy trì ở mức cao kỷ lục, tác động tương đối của Mỹ lên xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu lại đang nhỏ bé hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử.
Giá ngũ cốc và hạt có dầu cao, nhu cầu toàn cầu tăng và các đồng tiền yếu đi đều góp phần làm suy giảm vị thế chi phối của xuất khẩu ngũ cốc Mỹ. Trong những năm gần đây, suy giảm sản lượng ngũ cốc giai đoạn 2010 – 2012 làm giảm thị phần của Mỹ trong xuất khẩu ngũ cốc thế giới, đồng thời các nhà sản xuất khác có cơ hội tăng thị phần. Hiện Mỹ chỉ chiếm hơn 25% tổng quy mô xuất khẩu ngô, lúa mỳ và đậu tương toàn cầu, so với hơn 50% trong khoảng 30 năm trước. Mỹ cũng chiếm khoảng 25% tổng sản lượng ngô, lúa mỳ và đậu tương toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỷ trọng trong vài thập kỷ trước mặc dù mức giảm này ít hơn so với suy giảm tỷ trọng xuất khẩu. Bất chấp suy giảm trong vị thế xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo lượng xuất khẩu ngô và đậu tương của Mỹ trong niên vụ 2020/21 ghi nhận mức cao kỷ lục do nhu cầu cao từ Trung Quốc. Xuất khẩu lúa mỳ của Mỹ cũng ước đạt mức cao nhất trong 4 năm trong niên vụ 2020/21 (kết thúc vào 31/5/2021) nhưng sẽ thấp hơn mức trung bình dài hạn.
Mất thị phần
Đậu tương là hàng hóa trải qua biến động mạnh nhất về thị phần xuất khẩu. Những bước nhảy vọt trong nghiên cứu và công nghệ đậu tương Mỹ vào giữa thế ký 20 đã khiến Mỹ trở thành nước cung cấp đậu tương duy nhất cho thị trường thế giới thập niên 80, chiếm tới gần 95% thị phần.
Brazil bắt đầu nổi lên trở thành nước sản xuất đậu tương lớn khoảng 50 năm trước, mặc dù sự mở rộng sản xuất chỉ thực sự đáng kể từ thập niên vừa qua. Năm 2012, Brazil trở thành nước xuất khẩu đậu tương hàng đầu thế giới sau hai niên vụ thất bát của đậu tương Mỹ, và quốc gia Nam Mỹ này hiện chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu đậu tương, trong khi Mỹ chiếm 35%, giảm từ mức gần 60% vào cuối thập niên 90. Gần một nửa sản lượng đậu tương của Mỹ dành cho xuất khẩu và phần còn lại dùng để làm TACN. Tỷ trọng này tăng trong những thập kỷ gần đây, với chỉ khoảng 35% dành cho xuất khẩu vào năm 2000.
Mỹ vẫn giữ vững vị trí nước xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới nhưng thị phàn đã giảm sau đợt hạn hán nghiêm trọng vào năm 2012. Năm 2005, xuất khẩu ngô từ Mỹ chiếm khoảng 60% thương mại ngô toàn cầu và giảm xuống chỉ còn 33% hiện nay.
Trong các thập niên 1970 và 1980, có tới 80% xuất khẩu ngô hàng năm của thế giới khởi hành từ Mỹ. Vào thời điểm đó, hơn 25% sản lượng ngô của Mỹ dành cho xuất khẩu nhưng tỷ trọng này giảm xuống còn khoảng 15% hiện nay, một phần do các nhà sản xuất ethanol cạnh tranh nguồn cung ngô, bắt đầu từ 15 năm trước.
Mỹ từng đứng đầu xuất khẩu lúa mỳ trên thế giới cho tới giữa thập kỷ trước. Sản xuất lúa mỳ và đặc biẹt là công suất xuất khẩu từ biển Đen bùng nổ trong những năm gần đây và tổng cộng kim ngạch xuất khẩu lúa mỳ từ Nga và Ukraine đã hơn gấp đôi lượng xuất khẩu từ Mỹ. Xuất khẩu lúa mỳ Mỹ đứng thứ 2 thế giới, sau Nga, chiếm khoảng gần 14% thị phần thế giới. Canada đuổi sát nút ở vị trí thứ 3 và 3 nước này cạnh tranh với xuất khẩu lúa mỳ từ Úc, Argentina, châu Âu và Ukraine.
10 năm trước, thị phần xuất khẩu lúa mỳ của Mỹ khoảng 23%, giảm từ mức khoảng 33% trong đầu thập niên 1990s và hơn 40% vào thập niên 1970s. Khoảng một nửa sản lượng lúa mỳ Mỹ dành cho xuất khẩu, hầu như không đổi trong 2 thập kỷ qua.
Các nông sản này được chào bán bằng đồng USD trên thị trường xuất khẩu, nên các nông dân ngoài nước Mỹ có thể đặc biệt hưởng lợi khi đồng nội tệ nước họ yếu đi, làm tăng nguồn cung khả dụng xuất khẩu. Thất bát trong sản xuất, giống như vụ sản xuất tại Mỹ năm 2012, đẩy giá trên thị trường quốc tế tăng và càng thúc đẩy sản xuất ở các nước khác.
Đồng nội tệ Nga giảm giá trong năm 2014 là yếu tố chính thúc đẩy sản xuất và thương mại lúa mỳ biển Đen. Đồng real Brazil yếu đi cũng khiến nông dân nước này tích cực bán ra ngô và đậu tương, đồng thời dự kiến có diện tích trồng ngô và đậu tương đạt kỷ lục trong năm 2021. Nhưng siêu lạm phát đã kìm hãm nguồn cung cho thị trường xuất khẩu. Thực trạng này diễn ra tại Argentina khi nông dân găm ngũ cốc do bất ổn kinh tế.
Sản lượng thu hoạch lớn
Cho tới nay, Mỹ vẫn là nước sản xuất ngô lớn nhất thế giới và vẫn là nước sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới cho tới 3 năm trước – khi Brazil vượt lên trở thành nước sản xuất đậu tương lớn nhất. Sản lượng lúa mỳ Mỹ đứng thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Trung Quốc trở thành nước sản xuất lúa mỳ lớn nhât trong khoảng 40 năm trước mặc dù không phải tên tuổi nổi bật trên thị trường xuât khẩu.
Trong 4 thập kỷ cuối của thập kỷ 20, thị phần của Mỹ trong cơ cấu sản xuất ngô, đậu tương và lúa mỳ thế igới gần như ổn định ở mức khoảng 30%, giảm xuống 27% vào những năm 2000 và xuống 24% vào những năm 2010.
Một lần nữa, thay đổi mạnh nhất diễn ra ở mặt hàng đậu tương. Năm 1970, sản lượng đậu tương Mỹ chiếm gần 75% tổng sản lượng toàn cầu, giảm xuống còn 50% trong năm 1990 và tiếp tục giảm dần xuống còn 33% hiện nay, phần lớn do sản lượng đậu tương Brazil tăng lên.
Từ năm 1960 – 1980, khoảng 45% sản lượng ngô toàn cầu nằm tại Mỹ, giảm xuống còn 40% vào đầu năm 2000 và hiện còn 33%. Lúa mỳ Mỹ chiếm 13% tổng sản lượng toàn cầu 50 năm trước nhưng giảm xuống chỉ còn 7% hiện nay. Mỹ trong những năm gần đây vẫn sản xuất ngô và đậu tương nhiều như trước đây nhưng sản lượng lúa mỳ giảm, đặc biệt trong thập niên vừa qua, do nông dân chuyển từ tồng lúa mỳ sang các loại cây trồng khác lợi nhuận cao hơn như ngô và đậu tương.
Tháng trước, USDA dự báo sản lượng ngô và đậu tương tại Mỹ năm 2021 đạt lần lượt là 15,15 tỷ giạ và 4,525 tỷ giạ, vượt qua hai niên vụ 2019 và 2020 thất bại.
Theo Reuters
Bình luận