0

Sự kết hợp giữa bệnh vi bào tử trùng (EHP) và bệnh phân trắng (WFD) đang gây thiệt hại lớn cho nông dân nuôi tôm tại Nam Á trong năm 2020, theo thông tin từ hội nghị trực tuyến gần đây tổ chức bởi The Aquaculture Roundtable Series (TARS). Do sự bùng phát mạnh của EHP và WFD, tỷ lệ sống trên tôm tại Ấn Độ, Indonesia, và Thái Lan giảm mạnh, buộc nông dân đang phải thu hoạch tôm cỡ nhỏ, các thành viên thảo luận cho hay.

Theo ông Trần Lộc, giám đốc phòng thí nghiệm ShrimpVet tại Việt Nam, sự kết hợp trên gây ra thiệt hại thảm khốc khi diễn ra cùng lúc. Tình trạng tiền nhiễm EHP mới chỉ được phát hiện ở mức độ vi mô, khiến tôm có biểu hiện rõ ràng hơn khi nhiễm thêm WFD. “Cho tới nay chúng ta có thể kết luận rằng tác vi khuẩn phẩy hoặc tác hại của vi khuẩn là nguyên nhân chính gây ra phân trắng”, ông Lộc phát biểu. “Tuy nhiên, nếu tôm ở giai đoạn tiền nhiễm EHP thì chúng sẽ trở nên dễ tổn thương hơn nữa từ phân trắng bởi nhiễm EHP làm tổn thương gan tụy và mở ra cánh cửa cho bất kỳ sự lây nhiễm vi khuẩn thứ cấp nào”. Đây cũng là kết quả của hai dạng bùng phát bệnh: một dạng chỉ mắc WFD, có thể phục hồi; một dạng mắc đồng thời EHP và WFD, không thể phục hồi, ông Lộc cho hay. Cả hai loại bệnh chính là thuốc độc của ngành nuôi trồng tôm châu Á trong năm 2020, làm giảm mạnh tốc độ tăng trưởng và gia tăng gấp đôi tỷ lệ chuyển đổi thức ăn.

Các diễn giả từ Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan tất cả đều nhấn mạnh rằng họ đã chứng kiến các trường hợp liên quan đến cặp bệnh này gia tăng nhanh, khoảng 5 – 10%/năm và năm 2020 không phải là ngoại lệ.

Theo ông Ravikumar Bangarusamy, giám đốc kỹ thuật tại ban tôm của Growel Feeds (Ấn Độ), 60% số trại nuôi tại Ấn Độ bị tác động bởi dịch phân trắng trong năm 2020. “Từ năm 2014, tình hình dịch bệnh tăng theo hàng năm – tôi cho rằng mức tăng khoảng 10 – 15%/năm”, ông phát biểu. “Ngoài ra, năng suất tôm trên mỗi tỷ tôm hậu ấu trùng đang giảm và tình hình sản xuất ngày một suy yếu. Ban đầu, nông dân cho rằng càng ngày mật độ thả nuôi sẽ càng phải tăng nhưng hiện họ bất chấp mọi mật độ thả nuôi và dịch bệnh bùng phát ngày càng nghiêm trọng”.

Soraphat Panakorn, một chuyên gia nuôi tôm tại chi nhánh Thái Lan của doanh nghiệp công nghệ sinh học Novozymes, cho biết thêm không chỉ số ổ dịch WFD nhiều hơn mà còn diễn ra sớm hơn thường lệ trong quy trình sinh trưởng của tôm. “trước đây, bệnh chỉ phát sinh sau 60 – 70 ngày nhưng hiện có thể xuất hiện vào thời điểm 35 ngày”.

Haris Muhtadi, chủ tịch nhánh thức ăn thủy sản tại Hiệp hội các nhà máy TACN Indonesia (GPMT), nhấn mạnh rằng đối với nông dân tại Indonesia, bệnh phân trắng là vấn đề còn nghiêm trọng hơn so với bệnh đốm trắng trước đây. Mặc dù các dịch bệnh như bệnh xơ hóa cơ truyền nhiễm (IMNV) vẫn phổ biến, nông dân Indonesia vẫn có khả năng kiểm soát tốt hơn so với bệnh WFD.

Tỷ lệ sống giảm nên nông dân thu hoạch tôm nhỏ

Dữ liệu từ 800 trại nuôi tôm mà ông Ravikumar thu thập cho tháy một khi tôm sinh trưởng trên cỡ 100 con/kg, tỷ lệ sống bắt đầu giảm mạnh.

Tại các ao nuôi chịu tác động của WFD, tỷ lệ sống của tôm tại Ấn Độ giảm từ mức trung bình 87% ở cỡ tôm 100 con/kg xuống chỉ 50% đối với cỡ tôm 30 con/kg. Ở cỡ tôm lớn hơn, tỷ lệ sống chỉ còn 20 – 30% so với các ao nuôi không chịu tác động của dịch bệnh.

“Với các ao nuôi cỡ 100 con/kg, không có sự khác biệt lớn về tỷ lệ sống sót giữa các ao tôm. Thông thường, bệnh phân trắng xuất hiện khi tôm được khoảng 50 – 60 ngày và khi tôm đạt cỡ 40 – 60 con/kg, tỷ lệ sống đột nhiên giảm”, ông cho biết. Chi phí sản xuất cũng bị tác động theo, ông nhấn mạnh, tăng từ mức 3,95 USD/kg đối với tôm cỡ 30 con/kg ở các ao không bị bệnh, lên 4,63 USD/kg ở các ao nuôi có bệnh WFD.

Tại Thái Lan, ông Panakorn nhấn mạnh rằng sau khi nói chuyện với khoảng 20 nông dân trước cuộc hội thảo, tỷ lệ sống biến động mạnh từ mức thông thường 70 – 80% xuống chỉ còn 30% trong các trường hợp tồi tệ nhất. “Chúng tôi chứng kiến bệnh phân trắng ở rất nhiều nơi trong năm nay. Bệnh này vẫn thường trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa mưa nhưng mức độ nghiêm trọng tăng gấp đôi trong mùa mưa năm nay so với năm trước”.

Tương tự, khi giảm trừ đi sự khác biệt về tôm hậu ấu trùng, ông Muhtadi cho biết tỷ lệ sống trung bình tại Indonesia giảm từ 70% xuống còn 50% trong những năm vừa qua.

Đứng trước khả năng thua lỗ, nông dân nuôi tôm tại cả ba nước đều do dự kéo dài thời gian nuôi để đạt kích cỡ lớn như trước đây. Ông Ravikumar cho biết tại Ấn Độ, một vài nông dân thả nuôi mật độ cao đã phải thu hoạch một phần tôm ở cỡ 100 con/kg trước khi nỗ lực duy trì phần còn lại và nuôi lên kích cỡ to hơn.

Trên khắp Vịnh Bengal, ông Panakorn nhấn mạnh rằng cùng với sự cải thiện về TACN và chất lượng con giống, nông dân Thái Lan trong những năm gần đầy đang thả nuôi tôm mùa mưa ở mức gần tương đương các thời điểm khác trong năm. “Nhưng năm nay, do các điều kiện sản xuất quá tệ nên nông dân đang quay lại mức nuôi trước đây, giảm mật độ thả nuôi và có thể để một số ao nghỉ một thời gian”, ông cho biết. “Giá tôm hiện cũng không khuyến khích nông dân sản xuất. Bạn nỗ lực rất nhiều và không thu lại được bao nhiêu nên tốt hơn là chờ đợi thêm”.

Tại Indonesia, chiến lược tương tự cũng đang được áp dụng, với nông dân giảm mật độ thả nuôi từ 150 -200 con/m2 xuống còn trung bình 100 – 125 con/m2. “Họ cũng trở nên thực tế hơn về việc không đẩy mạnh cho ăn bởi trước đây họ càng cho ăn và sử dụng các máy cho ăn tự động để đạt tốc độ sinh trưởng tối đa cho tôm”, ông Muhtadi cho biết. “Hiện họ trở nên thực tế hơn, giảm mức cho ăn, kiểm soát chất lượng nước tốt hơn”.

Giải quyết bài toán bệnh phân trắng

Bất chấp trở thành một vấn đề nghiêm trọng của ngành, có những trường hợp thực hành sản xuất tốt đã giúp nông dân giảm thiêu thiệt hại do WFD gây ra.

Tuy nhiên, nếu là một người thực tế, việc đàu tiên những người nông dân này cần trong cuộc chiến chống WFD là tiền, ông Lộc cho hay. “Tại Việt Nam, chúng tôi hiểu rằng áp lực dịch bệnh là rất cao và chúng tôi không thể tiếp tục cách nuôi truyền thống”, ông phát biểu. “Rất nhiều nông dân đang trở nên vững hơn trong sản xuất kinh doanh và tăng đầu tư vào thiết kế khu vực sản xuất để giúp họ tiến hành nhiều giai đoạn nuôi hơn”.

Bằng cách tăng lên 4 giai đoạn sản xuất, họ có thể giữ tôm riêng rẽ ở các giai đoạn khác nhau, cũng như nuôi tôm với mật độ thấp hơn, giảm căng thẳng cho tôm – vốn là một nguyên nhân khiến tôm chậm lớn. “Chúng tôi phát hiện ra rằng chúng tôi có thể giảm thiệt hại của EHP”, ông Lộc cho hay. “Thông thường khi tôm được nuôi trong điều kiện căng thẳng do mật độ cao, dịch bệnh sẽ gây thiệt hại mạnh hơn. Và khi chúng được chuyển sang môi trường lớn hơn, giảm căng thẳng thì tôm sẽ trở lại tiếp tục sinh trưởng”.

Giai đoạn đầu, 4 tuần nuôi của giai đoạn hậu ấu trùng, tiếp tục cho tới khi tôm đạt cỡ 1 gr. Tiếp theo, tôm hậu ấu trùng được đưa tới ao nuôi lớn hơn, với mật độ thả nuôi 200 – 300 tôm hậu ấu trùng trên mỗi m2 trong 30 ngày. Giai đoạn 3 là nuôi tôm với mật độ 150 – 200 tôm hậu ấu trùng trên mỗi m2 thêm 30 – 35 ngày, để tôm đạt kích cỡ 25 – 30 gr/con. “và sau đó cỡ tôm này có thể thu hạch hoặc chuyển tôm sang ao nuôi lớn hơn, với mật độ 50 – 70 con trên mỗi m2 và cho phép tôm sinh trưởng tới cỡ từ 50 gr/con trở lên”, ông Lộc cho biết. “Nhờ làm như vậy, nông dân nuôi tôm giảm mạnh rủi ro dịch bệnh”.

Ông  Ravikumar cũng cho rằng có thể kiểm soát dịch bệnh thông qua áp dụng thường xuyên probiotic lên men 3 ngày/lần, chiến lược hợp tác phát triển với ông Lộc của ShrimpVet. “Quy trình này nên bắt đầu 10 ngày trước khi thả nuôi – điều này rất quan trọng”, ông phát biểu. Trong 50 ngày đầu tiên sau khi thả nuôi, nông dân nên áp dụng 2 liều probiotic nước và 1 liều cho đất, với tỷ lệ đổi nhau sau 50 ngày, khi đầu vào thức ăn cao hơn. “Mỗi lần chúng tôi chỉ sử dụng 100 – 200 gr probiotic đã lên men. Và nếu đó là probiotic cho đất, tôi khuyến nghị áp dụng vào ban đêm và lựa chọn loại lên men yếm khí; probiotic đối với nước cũng áp dụng loại lên men yếm khí và vào ban ngày”. “Kể từ khi chúng tôi tuân theo quy trình này, chúng tôi không gặp vấn đề với bệnh phân trắng nhưng vẫn có vấn đề với bệnh tôm chết khi đạt cỡ 25gr”, ông  Ravikumar. “Có thể có yếu tố gì đó liên quan đến công suất nuôi của ao”.

Theo Undercurrent News

Admin

Các nhà xuất khẩu tôm kỳ vọng tương lai tích cực bất chấp COVID-19

Bài trước

Tin vắn ngành thủy sản ngày 10/4

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Thủy sản