Nông nghiệp là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Bất chấp rủi ro chồng chất, ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam dự báo gặt hái thành công lớn hơn trong năm 2019 với nhiều khoản đầu tư được triển khai, đưa ngành này trở thành một động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Đầu tư đang tăng
Trong vài tháng qua, tập đoàn TH đã chi hàng triệu đôla để thúc đẩy sản xuất các sản phẩm sữa tươi. Không chỉ được tiêu dùng nội địa, các sản phẩm này được xuất khẩu sang Trung Quốc – TH là công ty Việt Nam đầu tiên nhận được giấy phép xuất khẩu các sản phẩm sữa tươi sang thị trường quy mô 1,4 tỷ dân này.
Theo Bộ NNPTNT, tập đoàn TH, hiện đang triển khai dự án chế biến sữa trị giá 1,7 tỷ USD tại tỉnh miền trung Nghệ An từ năm 2009, nằm trong số hàng ngàn doanh nghiệp tại Việt Nam đang mở rộng các khoản đầu tư nông nghiệp và xuất khẩu, qua đó đóng góp vào thành tựu của ngành nông lâm thủy sản trong năm 2019.
Gần đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã gặp mặt ông Huang Jun, tổng giám đốc tập đoàn tiêu dùng và phân phối nông sản của tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ông Jun cho biết tập đoàn của ông muốn xây dựng một nhà máy trị giá 21,8 triệu USD để sản xuất 120 tấn/ngày các loại nấm chất lượng cao tại Việt Nam. Trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn này, Việt Nam sẽ là thị trường chính, giúp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản không chỉ sang Trung Quốc mà còn sang châu Âu và châu Phi. Công ty này kỳ vọng dự án sẽ nhận được phê duyệt từ phía Việt Nam và bắt đầu triển khai từ năm 2020.
Theo Cục Kinh tế Nông nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp nước ngoài mong muốn tăng đầu tư vào lĩnh vực nông lâm thủy sản do Việt Nam liên tục cắt giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết trong các thỏa thuận thương mại tự do (FTAs) và hiện đang triển khai nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư.
Cơ quan này đang làm việc với nhiều doanh nghiệp nước ngoài mong muốn triển khai các dự án tại Việt Nam, với các sản phẩm đầu ra dự kiến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tính tới ngày 20/11, Việt Nam có 495 dự án nông lâm thủy sản có vốn đầu tư nước ngoài, với giá trị vốn đầu tư đăng ký là 3,5 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2019, Việt Nam thu hút 11 dự án loại này với tổng vốn đăng ký 63,62 triệu USD. Trong vài năm qua, nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư mạnh tay vào ngành nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước như tập đoàn TH (hơn 2 tỷ USD), Bình Hà (434,8 triệu USD), Dabaco (173,9 triệu USD) và Thái Dương (21,7 triệu USD).
Đóng góp cho xuất khẩu
Số liệu thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2019 ước đạt mức cao kỷ lục 41,3 tỷ USD, phá vỡ mốc kỷ lục 40,3 tỷ USD trong năm 2018, với tổng thặng dư thương mại 9,5 – 10 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thặng dư thương mại toàn nền kinh tế ước đạt 8,1 – 8,6 tỷ USD trong năm 2019. Trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị thương mại nông lâm thủy sản ước đạt mức kỷ lục 65,7 tỷ USD, với giá trị xuất khẩu đạt 37,3 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2018, và chiếm 15,5% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Ngoài ra, ngành nông lâm thủy sản cũng đạt thặng dư thương mại 8,8 tỷ USD, coa hơn nhiều so với mức thặng dư 1,5 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2018.
Trong một trường hợp cụ thể, ông Tô Ngọc Ngời, tổng giám đốc công ty xuất khẩu đồ gỗ VinaFor Saigon, cho biết công ty ông đạt doanh thu xuất khẩu 5 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2019 và con số này được kỳ vọng sẽ đạt 6 triệu USD trong cả năm 2019. “Không chỉ công ty tôi mà tất cả các nhà xuát khẩu đồ gỗ đều hưởng lợi lớn từ xuất khẩu trong năm nay”, ông Ngời phát biểu.
Vài tuần trước, VinaFor Saigon và Sequal Holdings Limited từ New Zealand đã ký một thỏa thuận phan phối, thông qua đó Sequal sẽ cung cấp gỗ thông cắt radiate cho các nhà sản xuất của VinaFor. “Chúng tôi nhập khẩu gỗ và bán lại cho các nhà chế biến khác, những người sẽ dùng nguyên liệu này để sản xuất các sản phẩm và xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ”, ông Ngời cho hay. “Bất chấp các bất ổn trên thị trường thế giới, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ vẫn đang tăng”.
Theo Bộ NNPTNT, trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam đạt 8,52 tỷ USD, tăng 17,8% và tăng mạnh trên nhiều thị trường, như Saudi Arabia (47,6%), Mỹ (33,6%), Đài Loan (26,1%), Lào (23,1%), và Nhật Bản (17,5%). “Tất cả các doanh nghiệp gỗ đều đang kinh doanh rất tốt và đảm bảo được nhiều đơn hàng xuất khẩu cho tới quý 2/2020”, ông Nguyễn Tôn Quyền, phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay. “Trong khi sản xuất của các doanh nghiệp đang tăng, nhu cầu thế giới đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng tăng mạnh, tập trung vào các thị trường chính, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc”.
Trong một trường hợp khác, ông Phạm Minh Thông, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của tập đoàn Phúc Sinh, cho hay trong những tháng qua, công ty ông – chuyên về chế biến và xuấtkhẩu nông sản – “hưởng lợi lớn” từ xuất khẩu, đặc biệt là tại các thị trường mới. “Ví dụ, chúng tôi đang tăng cường xuất khẩu hạt tiêu sang Mexico và thuế nhập khẩu hạt tiêu của ước này đã giảm mạnh từ 30% trước đây xuống 0%”, ông Thông cho hay.
Tổng giá trị xuất khẩu của Phúc Sinh trong nửa đầu năm 2019 chạm mức 130 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2018. Con số này ước tăng lên mức 250 triệu USD trong cả năm 2019. “Thỏa thuận Đối tác Thương mại Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mang đến rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Nhiều đối tác của chúng tôi cũng đang tăng cường xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP nhờ thuế nhập khẩu giảm mạnh”, ông Thông cho hay.
Theo CPTPP, khi có hiệu lực, gần như tất cả các nước đều phải giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa Việt Nam, như Canada (94% các mặt hàng), Chile (95%), Nhật Bản (86%), và Mexico (77%). Tuy nhiên, mức thuế cho Việt Nam chỉ là 66%, sẽ tăng lên 86% vào cuối năm 2022.
Các số liệu thống kê khác của Bộ NNPTNT cũng cho thấy xuất khẩu nhiều mặt hàng khác đang diễn biến tích cực. Ví dụ, xuất khẩu rau sang nhiều thị trường tăng trưởng mạnh trong 10 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018, như sang Lào (414%), Hong Kong (315%), Đài Loan (56,8%), Hà Lan (41,6%) và Nhật Bản (24,3%). Ngoài ra, trong cùng giai đoạn, xuất khẩu cao su Việt Nam đạt 1,75 tỷ USD, tăng 5,6%. Xuất khẩu chè cũng diễn biến tích cực, khi giá trị xuất khẩu chè đạt 187 triệu USD, tăng 14,3% trong cùng kỳ so sánh.
Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản suy giảm 2,4% xuống 7,1 tỷ USD. Tập đoàn Minh Phú – công ty xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam – hứng chịu suy giảm xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2019, đạt 550 triệu USD, giảm 10,25% so với mức 613 triệu USD so với cùng kỳ năm 2018. Tổng giá trị các hợp đồng mà tập đoàn này đã ký trong 10 tháng đầu giảm từ 738,2 triệu USD năm 2018 xuống 609,9 triệu USD trong năm 2019. “Minh Phú đang đối diện nhiều khó khăn về thu mua đủ nguyên liệu thô để hoàn tất các hợp đồng đã ký”, theo thông cáo mới nhât của tập đoàn cho hay.
Bộ NNPTNT cũng báo cáo cho hay trong 11 tháng đầu năm 2019, nhìn chung, các thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm 26,9% tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam), theo sau là Mỹ (21,9%), EU (11.7%), Đông Nam Á (10,1%), Nhật Bản (8,8%) và Hàn Quốc (5,8%).
Theo VIR
Bình luận