Nhu cầu từ những người tiêu dùng trọng sức khỏe tại Trung Quốc giúp giá các loạt hạt trên thị trường thế giới đứng vững
Những người tiêu dùng coi trọng sức khỏe tại Trung Quốc đang giúp giá các loại, đặc biệt là giá hạnh nhân, tăng lên giữa bối cảnh thời tiết tiêu cực làm giảm mạnh nguồn cung. Nhu cầu tại Trung Quốc mạnh đến mức Trung Quốc liên tục nhập khẩu các loại hạt từ Mỹ, bất chấp việc Bắc Kinh đã nâng thuế nhập khẩu lên tới 60% trong tháng 9 vừa qua nhằm trả đũa cho các động thái tương tự từ Mỹ.
Sau khi tăng vọt lên mức 3,6 USD/lb vào tháng 7 vừa qua, giá hạnh nhân hiện đang dao động quanh mức 3,45 USD, vẫn cao hơn 15% so với cùng kỳ năm 2018 và cao hơn khoảng 8% so với giai đoạn tháng 5 – 6. Các nhà phân tích dự báo rằng trong vụ thu hoạch kết thúc vào tháng 10 năm nay, sản lượng hạnh nhân sẽ đạt 1 – 1,06 triệu tấn, tương ứng với mức dự báo. Mỹ chiếm khoảng 80% sản lượng hạnh nhân toàn cầu với California là khu vực sản xuất hạnh nhân lớn nhất thế giới. Đầu mùa xuân năm nay, một số khu vực sản xuất tại Mỹ hứng chịu đợt mưa lạnh kéo dài, phá hoại hàng loạt khu vực trồng hạnh nhân đang nở hoa.
Trái ngược với sự suy giảm nguồn cung này, nhu cầu hạnh nhân toàn cầu vẫn cao. Tại Mỹ, sữa hạnh nhân và bơ hạnh nhân đang ngày càng trở nên được ưa chuộng khi người tiêu dùng tìm kiếm các lựa chọn thay thế sữa bò. Ở phương Tây, sữa hạnh nhân thường được ưa chuộng hơn sữa đậu nành, vốn được tiêu dùng rộng rãi tại châu Á. Tại Trung Quốc, sữa hạnh nhân đang ngày càng được tiêu dùng thường xuyên với bánh mì và bánh kẹo.
Bất chấp việc Trung Quốc nâng thuế nhập khẩu hạnh nhân Mỹ từ 50% lên 60%, một lãnh đạo công ty giao dịch cho hay: “Suy giảm thương mại thấp hơn dự báo”. Hội đồng Hạnh nhân California – một tổ chức ngành nghề - cho biết xuất khẩu hạnh nhân sang Trung Quốc và Hong Kong trong 8 tháng đầu năm 2019 giam 25% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc hiện cũng đang nhập khẩu hạnh nhân Úc bởi không áp bất cứ khoản thuế nhập khẩu nào lên nguồn cung này. Mặc dù Úc đặt giá hạnh nhân xuất khẩu sang Trung Quốc cao hơn các thị trường khác nhưng vẫn thấp hơn giá hạnh nhân Mỹ. Hội đồng Hạnh nhân cho hay xuất khẩu hạnh nhân Mỹ sang Trung Quốc và Hong Kong trong 3 tháng tính tới tháng 10/2019 tăng tới 29% so với cùng kỳ năm 2018.
Xu hướng này cũng diễn ra trên thị trường hạt óc chó. Tại Mỹ, nước sản xuất hạt óc chó lớn thứ 2 thế giới, các nhà chức trách dự báo hồi tháng 9 rằng sản lượng hạt óc chó sẽ giảm xuống còn 570.000 tấn, giảm 9% so với dự báo đưa ra hồi tháng 7, do thời tiết bất lợi tại California. Giá hạt óc chó dao động trong khoảng 3,5 USD/lb, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù nước sản xuất hạt óc chó lớn nhất thế giới là Trung Quốc, mà tỉnh Vân Nam là tỉnh sản xuất chính, các số liệu từ công ty thương mại cho thấy các nhà sản xuất bánh kẹo Trung Quốc vẫn chuộng hạt óc chó Mỹ hơn, vốn hiện đang chịu mức thuế nhập khẩu lên tới 70 – 75%.
Nhu cầu của Trung Quốc cũng hỗ trợ giá các loại hạt khác. Ví dụ, giá hạt macadamia tăng gấp đôi lên 20 USD/tấn so vơi thập kỷ trước. Hai nước sản xuấtlớn nhất là Úc và Nam Phi hiện có tổng sản lượng khoảng 100.000 tấn hạt macadamia chưa bóc vỏ. Khoảng 1/3 trong số này được Trung Quốc nhập khẩu.
Giá hạt điều cũng đang ở mức cao, mặc dù đã rời khỏi mốc giá cao kỷ lục khoảng 5,5 USD/lb đạt được vào mùa xuân năm 2018. Hiện giá hạt điều dao động trong khoảng 4,1 USD/lb, vẫn là mức cao so với giai đoạn 10 năm vừa qua.
Với mức giá các loại hạt tăng trên thị trường quốc tế, giá bán buôn các loại hạt tại Nhật Bản tiếp tục duy trì ở mức cao. Giá hạnh nhân tại Nhật Bản, nứo phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng tiêu dùng nội địa, đã tăng gấp đôi so với 1 thập kỷ trước. Nhưng các nguồn tin giao dịch cho hay: “Giá nhập khẩu tăng lên không hoàn toàn chuyển sang giá bán buôn nội địa do cạnh tranh mạnh.
Theo Nikkei Asia Review
Bình luận