Báo cáo do Food Innovation Australia Limited (FIAL) gồm một phân tích sâu về 50 loại protein được phân bổ vào 6 nhóm trên 11 thị trường khu vực, với tập trung vào Úc và châu Á, vừa được công bố. 6 nhóm protein là: protein từ thực vật, thịt, trứng và sữa, thủy sản khai thác tự nhiên, thủy sản nuôi trồng và các dạng protein phi truyền thống như côn trùng, vi tảo và thịt nghiên cứu từ phòng thí nghiệm.
Các nhà nghiên cứu tiến hành các phân tích nguồn cung, nhu cầu và các hàm ý tương lai cho thị trường protein. “Tiêu dùng protein toàn cầu đã tăng 40% kể từ năm 2000, với hơn một nửa mức tăng diễn ra tại châu Á”, theo các nhà nghiên cứu cho hay. Tăng trưởng dự báo tiếp diễn tới năm 2025 với tiêu dùng protein tại Trung Quốc dự báo tăng từ 57 triệu tấn năm 2018 lên 70 triệu tấn năm 2025. Nhìn chung, Trung Quốc sẽ đóng góp 37% tổng lượng tăng tiêu dùng protein toàn cầu trong giai đoạn trên. Tiêu dùng protein tại Ấn Độ dự báo tăng từ 30 triệu tấn năm 2018 lên 38 triệu tấn năm 2025, và đóng góp 16% tổng lượng tăng toàn cầu.
Tổng cộng, Trung Quốc và Ấn Độ có thể chiếm khoảng 47% tổng nhu cầu tiêu dùng protein toàn cầu vào năm 2025. “Trung Quốc là thị trường protein chính cần tập trung ở các khía cạnh: nước này đứng số 1 thế giới về cả lượng và giá trị tiêu dùng protein, dự báo chiếm 35% tổng giá trị thị trường protein thế giới năm 2025”, theo các tác giả báo cáo cho hay. “Dự báo Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất đối với tất cả các phân khúc protein, ngoại trừ các loại protein nguồn gốc thực vật”.
Trung Quốc cũng đứng thứ 3 về giá trị trên mỗi tấn protein, nguyên nhân được cho là do giá thịt lợn và giá thịt bò cao trên thị trường này. Nhìn chung, nhu cầu protein toàn cầu dự báo tăng trưởng khoảng 20% trong giai đoạn 2018 – 2025.
Nhật Bản và Úc trượt dốc về lượng, thăng hạng về giá trị
Trong một diễn biến trái chiều, Nhật Bản và Úc đứng cuối bảng xếp hàng về nhu cầu tiêu dùng protein trong số tất cả 11 thị trường nhưng nổi lên dẫn đầu và thứ hai về giá trị trên tấn protein. Về tăng trưởng tiêu dùng protein toàn cầu, Nhật Bản dự báo góp phần không quá 0,1% và Úc không quá 0,4%.
Tại Nhật Bản, suy giảm tiêu dùng thủy sản là nguyên nhân chính dẫn tới mức tăng trưởng ít ỏi nói trên. Theo báo cáo dự báo của Asia Research and Engagement (ARE) công bố năm 2018, “tiêu dùng thủy sản tại Nhật Bản giảm ổn định từ mức chiếm gần 70% tổng tiêu dùng protein động vật (bao gồm các sản phẩm từ động vật như sữa và trứng) vào đầu thập niên 1960s xuống còn chỉ khoảng 38% trong năm 2014”.
Các động lực chính
Các nhà nghiên cứu cho rằng tăng trưởng dân số là động lực chính cho nhu cầu protein toàn cầu vào những năm 2000, chiếm tới khoảng 80% nhu cầu toàn cầu đối với protein. Báo cáo cũng cho rằng tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, tốc độ phát triển công nghệ và đô thị hóa sẽ thay thế tăng trưởng dân số trở thành động lực tăng trưởng nhu cầu protein chính. “Tác động ngày càng lớn của tầng lớp tiêu dùng mở rộng nhanh có thể thúc đẩy một đợt sóng tăng nhu cầu protein trong tương lai”, các tác giả báo cáo nhận định. “Sự ra đời của các công nghệ đột phá cũng có thể khơi thông cho các chuyển dịch lớn trong sản xuất protein mà trước đó đã từng không khả thi do các hạn chế về sản xuất”.
Theo Food Navigator Asia
Bình luận