Xu hướng và dự báo

Ngành cá rô phi Trung Quốc tự tin ít bị tác động bởi luồng nhập khẩu cá tra Việt Nam

Xuefeng Han là tổng thư ký Liên minh Cá rô phi Bền vững Hải Nam (HTSA), một sáng kiến nhằm thúc đẩy sản xuất cá rô phi bền vững tại Hải Nam, tỉnh đảo miền nam Trung Quốc và là một trong top 3 vùng sản xuất cá rô phi lớn nhất nước này. Tổ chức của ông Han đang thúc đẩy chuyển đổi ngành cá rô phi Trung Quốc theo hướng bền vững, sản xuất giá trị cao hơn, một tác nhân chính khuyến khích các nhà sản xuất ứng dụng và tích hợp các công nghệ mới cũng như dữ liệu lớn vào hoạt động sản xuất.

Seafood Source: Năm 2018 có phải là một năm thành công của các thành viên HTSA?

Ông Han: Chúng tôi có thể nói rằng năm 2018 không phải là một năm quá tốt đẹp nhưng cũng không phải là một năm quá tệ đối với chúng tôi.

Seafood Source: Với luồng nhập khẩu cá tra Việt Nam ào ạt vào Trung Quốc trong những năm gần đây, có thành viên nào của HTSA rời bỏ ngành và chuyển sang nuôi loại khác? Ông có dự báo tình hình tiếp diễn thường xuyên hơn trong tương lai?

Ông Han: Các trường hợp như vậy hiếm xảy ra và sẽ không xảy ra đối với nông dân nuôi quy mô lớn. Bạn phải có một lý do thực sự đáng kể để rời bỏ một ngành mà bạn đã lao động nhiều năm. Cho tới nay thì lý do như vậy chưa xuất hiện.

Seafood Source: Vì sao hiện Trung Quốc tiêu dùng cá tra nhiều đến vậy? Vì sao phải nhập khẩu cá tra từ Việt Nam khi Trung Quốc đã sản xuất rất nhiều cá rô phi nội địa?

Ông Han: Thị trường Trung Quốc là thị trường lớn cho các sản phẩm thủy sản. Trung Quốc không chỉ đang nhập khẩu cá tra từ Việt Nam mà cũng đang nhập khẩu một lượng lớn các sản phẩm thủy sản chất lượng cao từ nhiều nước. Là nước sản xuất cá rô phi lớn nhất thế giới, một nửa sản xuất cá rô phi tại Trung Quốc cũng được cung ứng cho thị trường nội địa. Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh của cá tra trên thị trường Trung Quốc hưởng lợi từ khả năng cạnh tranh thị trường mạnh hơn về giá cũng như chất lượng thịt, phù hợp với lối nấu nướng của người Trung Quốc.

SeafoodSource: Ông có nghĩ rằng cá tra sẽ thế chân cá rô phi trở thành loài thủy sản quan trọng nhất được nuôi tại Hải Nam?

Ông Han: Tôi không nghĩ như vậy. Trong giai đoạn xúc tiến thương mại ban đầu, người tiêu dùng sẽ tò mò về các loại thực phẩm mới. Sau giai đoạn này, thị trường sẽ có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, cá rô phi – loài cá thịt trắng chất lượng tốt, có lịch sử tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc nên ý tưởng cá tra thay thế được cá rô phi là không thực tế. Từ quan điểm nuôi, việc đưa vào nuôi các loại thủy sản mới tại khu vực này mang lại lợi ích kinh tế và đảm bảo tính đa dạng của nuôi trồng thủy sản nội địa.

SeafoodSource: Ông có quan sát thấy chính phủ Trung Quốc đang có cách tiếp cận khắt khe hơn trong triển khai các luật về môi trường? Điều này ảnh hưởng gì tới các thành viên hiệp hội và sản xuất cá rô phi?

Ông Han: Có đấy. Chính phủ Trung Quốc đang triển khai quyết liệt chính sách bảo vệ môi trường trong những năm gần đây, từ khái cạnh phát triển dài hạn của ngành, các sản phẩm thủy sản sản xuất trong môi trường tốt sẽ được thị trường ưa chuộng hơn và lợi thế về giá sẽ được phản ánh trên thị trường. Với tiến triển trong cải thiện môi trường nuôi và các yêu cầu chung về môi trường nuôi trồng thủy sản nói chung, các điều kiện hoạt động ngày càng tốt hơn cho phát triển bền vững ngành nuôi cá rô phi tại Hải Nam.

SeafoodSource: Sáng kiến đổi mới và những cải thiện nào mà ông đang nỗ lực đem đến cho ngành cá rô phi Hải Nam?

Ông Han: Ngành cá rô phi Hải Nam hưởng lợi từ môi trường tự nhiên ưu việt và vị thế địa lý độc đáo. Trong gần 30 năm phát triển ngành cá rô phi, tỉnh Hải Nam đã hình thành một chuỗi sản xuất hoàn thiện và vận hành tốt. Nhưng với những thay đổi trong bối cảnh cung –cầu trên thị trường quốc tế - như tăng lượng các sản phẩm đồng nhất – mô hình sản xuất hiện nay đang gặp khó khăn để tăng hiệu quả và gia tăng giá trị cho các sản phẩm, Do đó, sự phát triển của các ngành sản xuất khu vực đang bước vào giai đoạn nghẽn cổ chai.

SeafoodSource: Có bất cứ sáng kiến đổi mới hoặc phát triển nào mà ông có thể chỉ ra?

Ông Han: Môi trường địa lý độc lập, các điều kiện sinh thái tốt và một chuỗi sản xuất tập trung, hoàn thiện của Hải Nam tạo ra những cơ hội tuyệt vời cho triển khai các sáng kiến tổ chức và nâng tầm ứng dụng công nghệ thông tin. Các nông trại quy mô nhỏ và rải rác đang dần hình thành các hợp tác xã, với sự trợ giúp của các tác nhân khác trong chuỗi giá trị - những người hiểu sâu sắc về thị trường và khái niệm phát triển bền vững.

Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, (và) các doanh nghiệp chế biến, sản xuất TACN có thể kết nối ở mức độ cao hơn thông qua các hiệp hội ngành và các tổ chức khác để ngành cá rô phi trở nên vững chắc hơn trước tình hình thị trường biến đổi mạnh. Do đó, ngành cá rô phi được khuyến khích tham gia vào các hợp tác đa tác nhân, từ tiêu chuẩn hóa con giống và TACN tới áp dụng các hóa chất và giám sát dịch bệnh, với hệ thống giám sát chất lượng nước 24h, thông qua đó dữ liệu và thông tin sẽ được chia sẻ dọc chuỗi giá trị, thúc đẩy tính minh bạch.

SeafoodSource: Liệu ông có thể đưa ra 1 -2 ví dụ về các sản phẩm cá rô phi – như các sản phẩm thực phẩm tiện lợi – cho thị trường nội địa?

Ông Han: Tất cả các công ty đều đang tăng cường nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cá rô phi đa dạng về chủng loại và hương vị. hiện nay, các sản phẩm được giới thiệu trên thị trường có thể kể đến như: cá dầm từ Hainan Xiangtai Fishery Co. Ltd., cá miếng tẩm ướp từ Hainan QinFu Foods Co. Ltd., và nước mắm từ cá của Hainan Sky-Blue Ocean Foods Co. Ltd. Ngày càng nhiều sản phẩm mới sẽ sớm xuất hiện trên thị trường.

SeafoodSource: Ông có thể nói một chút về các trường hợp mở rộng thị trường xuát khẩu mới thành công? Liệu Trung Quốc có thể thay thế thị trường Mỹ bằng các thị trường mới như Iran hoặc Ghana?

Ông Han: Thị trường Mỹ là thị trường chúng tôi đang đẩy mạnh và đây là thị trường xây dựng dựa trên sự công nhận của khách hàng và niềm tin song phương không thể thay thế. Hiện tại, nhu cầu đối với các sản phẩm cá rô phi ngày càng tăng lên tại các thị trường mới như thị trường châu Phi và thị trường Trung Đông, có tác động tích cực lên sự phát triển ổn định của ngành cá rô phi thế giới.

SeafoodSource: Đồng NDT yếu đi trong năm 2018. Điều này có giúp ngành cá rô phi Trung Quốc tăng xuất khẩu?

Ông Han: Toi nghĩ rằng chỉ một cơ chế tỷ giá ổn định thì mới có lợi cho cả người bán và người mua và chỉ một thị trường có lợi cho cả hai bên thì mới tốt về dài hạn.

SeafoodSource: Mục tiêu của hiệp hội năm 2019 là gì, thưa ông?

Ông Han: Là một hiệp hội ngành mang tính khu vực, mục tiêu năm 2019 của chúng tôi là tiếp tục xây dựng thương hiệu cá rô phi Hải Nam, đồng thời thúc đẩy tiêu chuẩn hóa hoạt động nuôi, thúc đẩy ngành tự xây dựng hệ thống quy định và cải thiện công nghệ nuôi cùng với nhận thức cao hơn về sản xuất có trách nhiệm. Đồng thời, chúng tôi muốn duy trì hợp tác với chính phủ, trong khi kết nối các công ty vào chuỗi giá trị ngành và đóng vai trò lớn hơn trong ngành này.

Theo Seafood Source
Admin

Ấn Độ dự báo tăng trưởng kinh tế 2024/25 là 6,4%, chậm nhất trong bốn năm

Bài trước

Triển vọng cho ngành nông nghiệp Thái Lan khả quan hơn vào năm 2025

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc