Lần đầu tiên trong năm 2018, tồn kho gạo của Philippines vượt tồn kho cùng thời điểm năm 2017, khi tồn kho gạo tháng 11/2018 cao gần 2% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng gấp đôi so với tháng 10/2018, theo Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) cho hay. Dữ liệu mới nhất từ PSA cho thấy tổng tồn kho gạo Philippines đến tháng 11/2018 đạt 3 triệu tấn, tăng 89% so với mức 1,59 triệu tấn ghi nhận vào tháng 10, và cao hơn 1,4% so với mức 2,96 triệu tấn hồi cùng kỳ năm ngoái.
PSA không công bố cụ thể số ngày tiêu dùng trên toàn quốc mà lượng gạo tồn kho hiện nay có thể trang trải. Nhưng dựa trên mức tiêu dùng trung bình ngày của người dân Philippines ở mức 32.000 tấn thì tồn kho gạo hiện tại đủ cho tiêu dùng 94 ngày. Cơ quan Thực phẩm Quốc gia Philippines (NFA) cũng vừa phê chuẩn lượng mua bổ sung thông qua nâng giá trần, cho phép cơ quan này thu mua được nhiều lúa hơn trong vụ thu hoạch chính.
Đợt gạo nhập khẩu 47.000 tấn đã bắt đầu cập bến Philippines trong khi các lô gạo đặt hàng mới nhất 203.000 tấn và 500.000 tấn có thể sẽ lấp đầy các kho dự trữ gạo Philippines trong năm 2019. Vụ thu hoạch chính tại Philippines đang đến thời điểm rộ, càng giúp tăng tồn kho gạo tại Philppines.
Giá bán lẻ gạo đang dần ổn định tại Philippines sau kh chính phủ đề xuất giá bán lẻ (SRP). Hộ gia đình hiện đang nắm giữ 52% tổng tồn kho gạo tại nước này, trong khi các kho thương mại nắm giữ khoảng 45% và lượng gạo tồn kho của NFA chỉ chiếm khoảng 3% tổng lượng gạo tồn kho.
So với tháng 10/2018, tồn kho gạo trong hộ gia đình và kho thương mại tăng lần lượt 81% và 122%; ngược lại, tồn kho gạo của NFA giảm 19% do phải cung ứng ra để bình ổn thị trường.
Giá thực phẩm tăng, đặc biệt là gạo, được xác định là nguyên nhân chính góp phần vào lạm phát. Nguồn cung đáng kể gạo nhập khẩu đã giúp Philippines kìm chế lạm phát trong tháng 11/2018 từ 6,7% vào tháng 10 xuống còn 6%. Các nhà quản lý kinh tế Philippines đang thúc đẩy tự do hóa ngành gạo nhằm giảm lạm phát và hạ giá gạo thêm 2 – 7 pesos/kg.
Tháng 7/2018, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố cần phải khẩn trương chuyển đổi chính sách hạn chế định lượng nhập khẩu gạo (hạn ngạch) sang chính sách thuế. Thuế nhập khẩu gạo trong hạn ngạch hiện tại là 35% và ngoài hạn ngạch là 50%. Hạ viện Philippines đã thông qua Luật Hạ viện số 7735, “Luật thuế nông nghiệp điều chỉnh” vào ngày 14/8/2018. Thượng viện Philippines đã thông qua Luật Thượng viện số 1998 vào ngày 14/11/2018. Ủy ban Lưỡng viện (Bicam) đã hài hòa các điểm khác biệt giữa hai văn bản trên vào ngày 28/11/2018. Theo các thông cáo báo chí, tổng thống Duterte dự kiến thông qua văn bản luật hợp nhất trước khi kết thúc năm 2018. Các điểm chính của luât hợp nhất là:
- Lượng tiếp cận tối thiểu (MAV) sẽ quay về mức 2012 là 350.000 tấn từ mức 805.200 tấn hiện nay;
- Thuế MFN trong hạn ngạch vẫn giữ ở mức 35%;
- Thuế MFN ngoài hạn ngạch tăng từ 50% lên 180%;
- Nhập khẩu gạo trong vào ngoài hạn ngạch từ các nước ASEAN được áp mức thuế chung 35%;
- Quỹ Thúc đẩy Khả năng cạnh tranh gạo sẽ được tạo ra với mức ngân sách phê duyệt hàng năm 10 tỷ pesos, tương đương 192,3 triệu USD trong 6 năm tới;
- Thuế phòng vệ đặc biệt đối với gạo sẽ được áp dụng đối với trường hợp giá biến động mạnh hoặc bất ngờ;
- Vị trí của NFA được định nghĩa trong phạm vi thu mua lúa từ nông dân và quản lý các kho dự trữ gạo;
- Để triển khai các điều khoản này, Các quy định và quy tắc triển khai (IRRs) sẽ được ban hành trong vòng 45 ngày kể từ luật có hiệu lực.
Tuy vậy, USDA không có điều chỉnh dự báo nhập khẩu gạo của Philippines trong năm tài khóa 2018/19 khi luật thuế nhập khẩu gạo có hiệu lực do nước này đã có nhiều đơn hàng nhập khẩu lớn. Tuy nhiên, hiệu lực của luật này sẽ khuyến khích tăng nhập khẩu gạo từ các nước ASEAN và giảm động lực nhập khẩu ngoại khối ASEAN. Khả năng tăng trưởng nhập khẩu trong trung và dài hạn phụ thuộc chủ yếu vào tình hình sản xuất lúa gạo nội địa Philippines.
Theo FAS USDA, Philstar
Bình luận