Một cộng đồng thiểu số đang nỗ lực cải thiện uy tín cà phê Việt Nam bằng cách sản xuất cà phê hữu cơ, chất lượng cao hơn. Họ nói rằng Việt Nam có tiềm năng hơn việc chỉ là nước sản xuất cà phê nguyên liệu cho cà phê hòa tan.

Rolan Co Lieng bước chậm rãi qua một nhà kính, kiểm tra những hạt cà phê màu vàng và nâu caramel đang được sấy trên các thảm lưới trong vài tháng. Cô nắm một ít hạt cà phê và ngửi. Những hạt cà phê này sẽ sớm được chà vỏ, rang và bán tại Việt Nam, Nhật Bản và Đức.

Lieng thuộc về một cộng đồng có truyền thống trồng cà phê quy mô nhỏ của dân tộc thiểu số K'Ho. Những người K'Ho sống tại chân núi Lang Biang tại Đà Lạt nhiều thế kỷ qua. Cha mẹ cô đã trồng cà phê, cũng như thế hệ ông bà cô, những người đã nhận những hạt giống cà phê từ người Pháp vào đầu những năm 1920s. Lieng yêu thích cà phê từ thuở bé. “Khi tôi lớn lên, mỗi buổi sáng trước khi đến nhà thờ vào lúc 4h sáng, cha mẹ tôi uống Nescafé”, Lieng nói với Deutsche Welle. “Mùi thơm đó thực sự quyến rũ tôi – rất ngọt và béo. Khi họ rời nhà, tôi luôn ngửi đi ngửi lại cái cốc và cố gắng lấy ngón tay để chấm và thử ít cà phê còn lại”.

Giờ đây, Lieng đang dồn tình yêu cà phê của mình vào hoạt động kinh doanh. Cùng với thành viên khác trong cộng đồng dân tộc K'Ho, cô đã thành lập một HTX nhằm nâng cao uy tín cho cà phê Việt Nam, đồng thời bảo vệ truyền thống của cộng đồng.

Là cộng đồng dân tộc thiểu số lâu đời nhất tại cao nguyên Nam Trung Bộ này, người K'Ho nổi tiếng bởi văn hóa dân gian và những nhạc cụ từ sừng trâu và tre của họ. Từng là những người du canh du cưa, phần lớn 170.000 người K'Ho nay đã định cư và lấy việc trồng lúa và cà phê, cùng với thủ công mỹ nghệ làm sinh kế.

Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới, sau Brazil. Thế nhưng, những người uống cà phê toàn cầu thường không biết đến thực tế này. Đó là bởi cà phê Robusta chiếm tới 95% tổng sản lượng cà phê Việt Nam. Đây là loại cà phê dễ trồng hơn cà phê Arabica nhưng được cho là kém chất lượng hơn do có nhiều caffeine hơn và đắng hơn, theo Denis Seudieu, kinh tế trưởng tại Tổ chức Cà phê Quốc tế, tổ chức đai diện cho các nhà nhập khẩu và xuất khẩu. “Thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng hương vị cà phê Arabica hơn. Do đó, cà phê Robusta chủ yếu được dùng để sản xuất cà phê hòa tan. Về mặt marketing, nếu nói bạn đang dùng cà phê Robusta thì ấn tượng sẽ không tốt lắm, đó là lý do vì sao thế giới không có nhiều quảng cáo liên quan đến cà phê Robusta Việt Nam”.

Cho tới tận thập niên 1990s, nông dân Việt Nam vẫn có rất ít động cơ tài chính để trồng cà phê Robusta bởi chính phủ Việt Nam thu mua cà phê với giá cố định. Nhưng khi chính phủ mở cửa cho kinh tế tư nhân, tình hình thay đổi rất nhiều.

Người K'Ho trồng cả cà phê Robusta và Arabica. Nhưng trong một nỗ lực giúp thế giới nhận biết về cà phê Việt Nam và tăng doanh thu, họ đang chuyển mạnh sang trồng cà phê Arabica.

Xây nên từ tình yêu

Cao nguyên Lang Biang là một nơi màu mỡ cho sản xuất cà phê Arabica, vốn nằm ở vĩ độ cao. Nơi đây, nông dân K'Ho định dành 30ha vườn cà phê, nơi họ trồng mọi thứ theo cách hữu cơ, hay như họ nói: một cách tự nhiên. “Chúng tôi sử dụng cách tự nhiên cho quy trình chăm sóc cây. Chúng tôi không sử dụng bất cứ hóa chất nào ngoài compost làm từ thực phẩm dư thừa và chúng tôi trồng rất nhiều loại cây khác nhau  giữa các cây cà phê để tạo ra bóng râm và cung cấp thêm oxy”, Lieng cho hay.

Vào thời gian thu hoạch, cả làng đi hái cà phê, những trái cà phê chín, bằng tay. Những trái cà phê này được tách cùi và cho lên men để loại bỏ thịt quả trước khi sấy khô dưới ánh mặt trời trong vài tuần. Sau đó, người K'Ho cào để loại bỏ những hạt vỡ.

Hoạt động thu hoạch đòi hỏi rất nhiều lao động và mỗi hạt cà phê đều quý giá đối với cộng đồng này. Một phụ nữ K'Ho sẽ nhặt bất cứ hạt cà phê nào rơi khi chúng được phân loại – một phương pháp cũ dùng để loại bỏ hạt khỏi vỏ vỡ bằng cách thổi chúng vào không khí để gió thổi bay những phần vỏ nhẹ.

Những hạt cà phê xanh sạch vỏ được bán trực tiếp cho những người mua tại Việt Nam, Nhật Bản và Đức. Nhưng người K'Ho cũng tự rang cà phê. Đây là một hoạt động không phổ biến trong cộng đồng nông dân trồng cà phê Việt Nam – vốn thường bán cà phê chưa chế biến cho các công ty lớn để các công ty này sản xuất cà phê hòa tan.

Được thành lập năm 2012, HTX hiện hỗ trợ hơn 60 gia đình bán cà phê, cũng như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và du lịch. Tất cả lợi nhuận được đầu tư trở lại làng. Đàn ông và phụ nữ, những người trước đây phải rời làng để tìm việc trong thành phố, nay có thể sống tại chính cộng đồng của họ, Lieng tự hào cho biết.

Từ Đà Lạt tới Berlin

Hơn 9.000km đường xa, một nhà rang xay cà phê tại thủ đô Berlin của Đức đang lan truyền câu chuyện về cà phê K'Ho.

Gần 3 năm trước, Nguyễn Ngọc Đức bắt đầu vận hành hoạt động rang xay cà phê HAN Coffee Roasters tại Berlin. Anh Đức là người Việt Nam và cảm thấy không hài lòng khi bán cà phê Ý, trong khi Việt Nam là một nước sản xuất cà phê lớn. Nhưng khởi đầu không hề dễ dàng. “Tôi không thể tìm thấy bất cứ nguồn cà phê Arabica chất lượng cao nào tại Việt Nam và tôi đã gần như từ bỏ”, anh Đức cho biết. “Sau đó, tại một cửa hàng chuyên cà phê tại thành phố Hồ Chí Minh, ai đó đã nói cho tôi biết về cà phê K'Ho từ Đà Lạt”.

Anh đã thử và thực sự ấn tượng bởi chất lượng của cà phê này và dự án của cộng đồng người K'Ho. “Một nguyên nhân khác khiến tôi thích loại cà phê này là bởi K'Ho là một cộng đồng thiểu số và là một phần di sản văn hóa của chúng ta. Rolan Co Lieng đã xoay xở tốt để mang lại một cái nhìn về đời sống dân tộc thiểu số tại Việt Nam”. Anh Đức tin rằng sẽ ngày càng nhiều nông dân Việt Nam chuyển sang trồng cà phê Arabica khi họ nhận ra họ có thể có thu nhập cao hơn từ loại cà phê này.

Và cộng đồng thiểu số K'Ho tại những rặng núi nơi miền nam Việt Nam đã đi trước một bước.

Theo Deutsche Welle
Admin

Google ký thỏa thuận mua tín dụng loại bỏ carbon từ các trang trại ở Ấn Độ

Bài trước

Việt Nam xem xét lại chiến lược thương mại điện tử để thúc đẩy xuất khẩu nông sản 

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Đầu tư