Bộ Thương mại Thái Lan chuẩn bị xả gạo Hom Mali từ chương trình trợ cấp vụ trước
Bộ Thương mại Thái Lan đang thảo luận với Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp (BAAC) về việc xả lượng gạo thơm Hom Mali được thế chấp theo cơ chế cho vay của ngân hàng này, nhằm khuyến khích nông dân hoãn bán lúa, tránh gây áp lực giảm giá trong vụ thu hoạch rộ.
Boonyarit Kalayanamit, tổng giám đốc cơ quan thương mại nội địa, cho biết cơ quan của ông sẽ sớm tổ chức các cuộc thảo luận với BAAC về việc xả bán khoảng 900.000 tấn gạo Hom Mali được nông dân thế chấp theo cơ chế thế chấp gạo của ngân hàng này, bổ sung nguồn cung đang tương đối thấp do sản xuất giảm và tồn kho gạo chính phủ cạn kết trong năm 2018. Ông Boonyarit cho biết hoạt động bán gạo Hom Mali sẽ được tiến hành từ từ nhằm tránh bất cứ tác động tiêu cực nào lên giá loại gạo chất lượng cao này.
BAAC đã dành ra hơn 80 tỷ Baht cho các khoản vay và trợ cấp nông dân trồng lúa, những người hoãn bán lúa để bình ổn giá trong niên vụ 2017-18. Theo cơ chế cho vay và hỗ trợ lên đến 83,7 tỷ Baht, 21 tỷ Baht được dùng cho nông dân hoãn bán lúa, 3 tỷ Baht dành cho trợ cấp tiền mặt cho nông dân dự trữ lúa trong kho trong giai đoạn chỉ định, 12,5 tỷ Baht được phân bổ cho các tổ chức nông nghiệp mua lúa từ các thành viên để tăng giá trị cho sản phẩm và 47,3 tỷ Baht hỗ trợ cho 3,9 triệu nông dân trồng lúa đã đăng ký với Cơ quan Khuyến nông để hỗ trợ chi phí thu hoạch.
Theo cơ chế cho vay này, ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước BAAC cung cấp tín dụng dựa trên giá gạo trung bình trong 3 năm qua – 10.800 Baht cho lúa Hom Mali và lúa nếp, 7.200 Baht cho lúa gạo trắng và 8.500 Baht cho lúa gạo thơm Pathum Thani. Nông dân lẻ tham gia chương trình có ngưỡng trần cho vay là 300.000 Baht trong khi các tổ chức nông nghiệp, các tổ chức nông dân và các doanh nghiệp cộng đồng có ngưỡng trần vay lần lượt là 300 triệu Baht, 20 triệu Baht và 5 triệu Baht. Chính phủ hỗ trợ lãi suất trị giá 453 triệu Baht, nhưng những người vay không thanh toán nợ với BAAC trong vòng 5 tháng sẽ phải tự mình trả lãi suất vay. Chương trình nhằm kìm giữ khoảng 2 triệu tấn lúa trong giai đoạn thu hoạch chính vụ hàng năm. Nông dân tham gia chương trình đồng ý giữ lúa sẽ nhận được 1.500 Baht/tấn, trong khi tất cả nông dân trồng lúa đều được nhận 1.200 Baht/rai cho chi phí thu hoạch và nâng cao chất lượng sau thu hoạch, giới hạn ở mức 12.000 Baht/rai đối với chi phí thu hoạch và nâng cao chất lượng sau thu hoạch, và mức trần 12.000 Baht/hộ trồng lúa.
Ông Boonyarit cho biết sản lượng lúa của Thái Lan trong niên vụ 2018/19 ước khoảng 30 triệu tấn, giảm 1 – 2 triệu tấn so với niên vụ 2017-18. Nguyên nhân chính là do dự báo có hạn hán. “Năm 2018, giá lúa gạo Hom Mali nội địa tăng vọt lên mức cao 15.000 – 17.000 Baht/tấn do nguồn cung giảm. Sản lượng lúa gạo Hom Mali năm 2018 của Thái Lan giảm xuống chỉ còn 7 triệu tấn so với sản lượng 9 – 10 triệu tấn hàng năm”.
Ông Charoen Laothamatas, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, ủng hộ kế hoạch của Bộ Thương mại, cho rằng đây là giai đoạn tốt để tăng nguồn cung gạo Hom Mali trên thị trường. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng việc xả kho gạo Hom Mali nên được tiến hành dần dần để ngăn chặn bất cứ tác động nào về giá.
Theo Bangkok Post
Bình luận