Các công ty chăn nuôi lợn lớn nhất và các nhà sản xuất chăn nuôi mới của Trung Quốc đang trong cuộc chạy đua xây dựng các tổ hợp chăn nuôi lớn, hiện đại tại vành đai sản xuất ngô ở phía Đông Bắc nước này, mở rộng thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới, đồng thời đảo lộn các luồng thương mại trong ngành thịt và ngũ cốc.
Ít nhát 8 công ty niêm yết trên sàn đã thông báo hoặc xác nhận các kế hoạch sản xuất khoảng 17 triệu con lợn hàng năm tại khu vực Đông Bắc trong những năm tới. Thậm chí còn có nhiều công ty khác, bao gồm cả nhà sản xuất chăn nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc là Guangdong Wen's Foodstuff Group Co Ltd, cũng đang xây dựng các trang trại tại khu vực này, các nhà cung ứng và các nguồn tin nội ngành cho hay, cho biết thêm giá trị thị trường thịt lợn Trung Quốc hàng năm là 1.000 tỷ USD.
Một số nhà nghiên cứu dự báo sản lượng lợn tại khu vực Đông Bắc Trung Quốc sẽ chạm mức gần 120 triệu con lợn hàng năm, gần gấp đôi lượng 69 triệu con lợn sản xuất tại các khu vực như Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh và Nội Mông trong năm 2016. “Trong vài năm tới, gần 20% quy mô đàn lợn của Trung Quốc sẽ được chuyển tới khu vực sản xuất mới, tương đương với số lợn được giết mổ trên toàn nước Mỹ hàng năm”, theo Feng Hui, trưởng phân tích tại hãng tư vấn Soozhu.com nhận định.
Nhiệt độ xuống thấp dưới mức đóng băng vào mùa đông tại khu vực Đông Bắc Trung Quốc, nhưng khu vực này rất thưa dân và cho phép xây dựng các tổ hợp chăn nuôi lớn, vốn không thể tìm đâu ra tại các khu vực đông dân khác tại nước này. “Chi phí sản xuất tại khu vực Đông Bắc cao hơn do phải cung cấp nhiệt lượng sưởi ấm cho các khu vực nuôi. Nhưng chúng tôi sẽ đạt hiệu suất theo quy mô tại đây”, theo Song Weiping, phó chủ tịch Beijing Dabeinong Technology, một công ty sản xuất TACN đang đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh vào chăn nuôi lợn cho hay. “Chúng tôi đang xây dựng 7 tổ hợp trang trại tại khu vực Đông Bắc trong năm 2017. Tổng cộng chúng tôi sẽ có khoảng 20 trang trại tại khu vực này”.
Sản lượng tăng tại khu vực các tỉnh Đông Bắc sẽ đưa tỷ trọng sản xuất chăn nuôi tại khu vực này lên khoảng 17% tổng sản lượng năm 2016 và tổng cộng gần bằng mức công suất 129 triệu con tại các tỉnh sản xuất chăn nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc là Hồ Nam và Tứ Xuyên, hiện đang chiếm tổng cộng 20% nguồn cung thịt lợn tại Trung Quốc.
Cú hích từ phía chính phủ
Thúc đẩy chăn nuôi về phía Đông Bắc sẽ đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc, vốn đã bị thống trị bởi các hộ sản xuất gia đình quy mô nhỏ vùng nông thôn trong nhiều thế kỷ. Diễn biến này cũng sẽ tạo ra những tổ hợp chăn nuôi khép kín cực lớn, sản xuất mọi thứ từ thức ăn chăn nuôi đến thịt và sẽ tương đồng về mặt quy mô khi so với các khu vực chăn nuôi lợn lớn đã làm biến đổi thị trường Mỹ trong những thập niên gần đây.
Diễn biến này cũng khớp với mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là biến khu vực Đông Bắc từ một vựa ngũ cốc trở thành một trung tâm chăn nuôi và sản xuất sữa, qua đó thúc đẩy nhu cầu đối với các loại ngũ cốc của khu vực này, tái sinh một trong những khu vực nghèo nhất cả nước và chống lại ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu vực đông dân cư phía Nam.
Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh và Nội Mong sản xuất hơn 40% tổng sản lượng ngô của Trung Quốc trong năm 2016.
Một chiến dịch kéo dài 3 năm nhằm giải quyết ô nhiễm và chất thải chăn nuôi đã đẩy nhiều trạng trại quy mô nhỏ ra khỏi ngành. Chiến dịch này diễn ra vào thời điểm giá thấp, vốn đã buộc nhiều nhà sản xuất quy mô nhỏ, tập trung tại các tỉnh phía Nam, phải rời bỏ ngành. Nhưng giá tăng vọt hồi năm ngoái do quy mô đàn lợn thịt suy giảm, các công ty chăn nuôi quy mô lớn mở rộng nhanh chóng để thâu tóm thị phần vốn từng nằm trong tay các hộ gia đình chăn nuôi.
Tỷ trọng lợn sản xuất bởi các hộ gia đình chăn nuôi sẽ giảm từ 57% hồi cuối năm 2015 xuống dưới 52% vào cuối năm 2017, tương đương mức suy giảm 66 triệu con lợn, theo COFCO Meat, một nhánh của doanh nghiệp nông nghiệp thuộc sở hữu nhà nước COFCO Corp, nhận định hồi tháng 9 vừa qua, với nguyên nhân đưa ra là sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp lớn.
COFCO và các doanh nghiệp lớn khác hiện đang tranh giành đất đai tại các khu vực kém phát triển hơn ở phía Bắc, với các luật và quy định về môi trường khiến việc xây dựng các trang trại quy mô lớn tại miền Nam là bất khả thi, theo Martin Jensen, giám đốc điều hành của Carthage & MHJ Agritech Consulting, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động chăn nuôi tại Trung Quốc.
Nguồn ngũ cốc bị rút cạn
Không phải tất cả dự án được công bố sẽ được hoàn thành, các chuyên gia cho hay. Nhiệt độ mùa đông khắc nghiệt nghĩa là các hoạt động xây dựng phải ngừng lại trong nhiều tháng, làm chậm trễ tiến độ dự án. Tuy vậy, các hoạt động này vẫn sẽ định hình lại thương mại ngũ cốc.
Nếu thêm 20 triệu con lợn nữa được sản xuất tại khu vực Đông Bắc hàn năm, nhu cầu đối với ngô sẽ tăng ít nhất 4,6 triệu tấn hàng năm, theo tính toán của Reuters, dựa trên ước tính một con lợn đến kỳ giết mổ nặng 120kg sẽ tiêu thụ khoảng 230kg ngô trong quá trình phát triển sinh trưởng. Nhu cầu ngô tăng thêm này chiếm khoảng 12% tổng thặng dư ngô dự báo tại khu vực Đông Bắc trong năm 2017, theo các dự báo từ nhà tư vấn chính phủ CGNOIC, sẽ hút một lượng ngô lớn khỏi nguồn cung cho các nhà sản xuất chăn nuôi lợn tại miền Nam. Nhưng các chuyên gia ngành cho rằng các trang trại tại phía Đông Bắc có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong cung ứng lợn tới các thị trường cách xa địa bàn sản xuất.
“Người tiêu dùng vẫn muốn tiêu thụ thịt lợn tươi vừa mới giết mổ, chứ không phải thứ thịt lợn đã vận chuyển trên xe tải và tàu vài ngày. Thói quen này sẽ thay đổi, nhưng diễn ra từ từ”, theo nhận định của Fred Gale, nhà kinh tế học cấp cao về Trung Quốc tại USDA.
CÁc xe tải chở lợn đường dài cũng có thể dẫn đến tình trạng sụt cân và tăng rủi ro dịch bệnh. Lợn giết mô tại phía Bắc và vận chuyển thịt tươi hoặc đông lạnh cũng có những rủi ro tương tự.
Đây có thể là một cơ hội tốt cho các nhà xuất khẩu. Do hoạt động sản xuất chuyển dịch về phía Bắc, các trung tâm tiêu dùng lớn tại phía Nam có thể sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm thịt nhập khẩu giá rẻ hơn để tăng nguồn cung thịt chất lượng cao, theo Pan Chenjun, nhà phân tích cấp cao tại Rabobank nhận định. “Tình trạng thặng dư ở phía Bắc và thâm hụt ở phía Nam, có thể dẫn đến việc Trung Quốc tiếp tục phải nhập khẩu thịt”.
Theo Reuters
Bình luận