Vì sao Pháp đang đối mặt với tình trạng khan hiếm bơ nghiêm trọng?
Những quầy hàng lèo tèo trong các cửa hàng thực phẩm vốn là cảnh tượng buồn bã thường thấy ở Zimbabwe hay Venezuela, nhưng chắc chắn là không thể tưởng tượng nổi ở nước Pháp hoa lệ?
Quả vậy, trong vài tuần qua, những người tìm mua bơ tại các siêu thị của Pháp đã gặp những tủ lạnh trống trơn và những lời nhắn nhủ cáo lỗi từ các quản lý siêu thị. Các cuộc họp báo về tình trạng thiếu bơ nghiêm trọng nhất kể từ thế chiến II và còn có ý kiến cho rằng đang có đầu cơ tích trữ bơ. Những người dùng mạng xã hội, sử dụng tag #beurregate, đùa cợt về việc bán bơ theo từng miếng nhỏ - thậm chí chỉ vừa dùng cho từng lát bánh mỳ nướng bơ – với giá cao chót vót. Ngoài các siêu thị, các đầu biếp và những người sử dụng bơ khác cũng than thở về chi phí tăng vọt. Bơ vốn không thể thiếu trong ẩm thực Pháp: chiếm tới 1/4 trong thành phần món bánh croissant huyền thoại là một ví dụ. Thiếu bơ thực sự là vấn đề nghiêm trọng. Pháp vốn vừa là nước sản xuất và tiêu dùng lớn mặt hàng bơ. Liệu thực sự có thiếu bơ, và nếu vậy, tại sao Pháp thì thiếu còn những nước khác thì không đến mức vậy?
Hai thay đổi lớn trên thị trường quốc tế giải thích cho tình trạng này. Nguồn cung các sản phẩm từ sữa từng tràn ngập thị trường vài năm trước. Năm 2015, EU khai tử hệ thống hạn ngạch cho các nhà sản xuất sữa – một phần trong nỗ lực giảm trợ cấp và để cho thị trường hoạt động tự do hơn. Các nhà cung cấp bị ngợp trước nguồn cực cực lớn với giá thấp: những nhà sản xuất sữa nhỏ tại Pháp năm đó cho biết có thu nhập hàng tháng chỉ vài trăm Euros. Dễ hiểu là không ít người đã quyết định ngừng sản xuất. Đồng thời, nhu cầu bơ thế giới cũng đang thay đổi. “Trung Quốc đã khám phá ra bánh croissant”, như Emmanuelle Auriole từng viết trong tập san Toulouse School of Economics. Tại phương Tây, thói quen ăn uống cũng đang thay đổi: đường bị coi là thực phẩm không tốt cho sức khỏe nhưng cơn khát sữa nguyên kem, bơ và phô mai dường như đang quay trở lại. Kết quả là giá các mặt hàng này trên thị trường quốc tế phục hồi sau đó. FAO cho biết trong tháng 9 vừa qua, chỉ số giá sữa đã phục hồi 27%. Dữ liệu của Bloomberg cũng cho thấy giá bán buôn bơ tại châu Âu trong tháng 9/2017 ở mức 6.500 Euro/tấn, tương đương 7.750 USD/tấn, mức giá cao kỷ lục trong vòng 17 năm dữ liệu giá này được thu thập.
Vậy mà dường như chỉ người tiêu dùng Pháp phải đối diện với tình trạng thiếu bơ trớ trêu như hiện nay. Những lời cáo buộc đổ dồn vào thị trường bán lẻ nội địa kém cạnh tranh. Do chỉ một số ít siêu thị lớn thống trị thị trường, hưởng thụ quyền lực độc quyền, họ ép các nhà cung ứng cố định giá cung cấp nhiều mặt hàng thực phẩm tươi mỗi năm một và làm những cuộc mặc cả khốc liệt. Tại Đức, giá bơ bán lẻ tăng 72% từ đầu năm cho tới tháng 8 vừa qua và các nhà sản xuất cũng bán được giá cao hơn. Ngược lại, các siêu thị tại Pháp chỉ tăng giá thêm 6% trong cùng giai đoạn. Thế nên, không đáng ngạc nhiên khi nông dân Pháp lựa chọn xuất khẩu thay vì bán cho thị trường trong nước để đáp ứng nhu cầu nội địa. Và kết quả là các siêu thị chỉ còn những quầy hàng bơ trống trơn.
Tháng 10 vừa qua, tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi cải thiện hệ thống đàm phán giữa các nhà cung cấp hàng hóa tươi sống và những người mua, với quan điểm nhà sản xuất cần được hưởng miếng bánh to hơn. Nhưng một cách để đạt được điều này là các hệ thống siêu thị tại Pháp cần tăng mức độ cạnh tranh. Quá nhiều quy tắc kìm chân các tay chơi ngoại lai tham dự ngành kinh doanh bán lẻ siêu thị, ví dụ khi các ủy ban gồm các nhà chức trách và thương nhân địa phương nắm trong tay quyền từ chối cấp quyền sử dụng đất cho các siêu thị nước ngoài để xây các cửa hàng mới. Pháp ít có hình bóng của các hệ thống siêu thị nước ngoài hơn bất kỳ nước nào khác tại châu Âu. Hệ sinh thái kinh doanh như vậy khiến những hệ thống bán lẻ cũ kỹ không có động lực đổi mới, như cơ chế giá cố định với các nhà cung cấp đặt ra trong tháng 2. CÁc điều chỉnh có thể sẽ diễn ra, ví dụ như nếu hệ thống bán lẻ trực tuyến tăng trưởng nhanh, hoặc nếu công nghệ giúp các nhà cung cấp bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng mạnh hơn. Nhưng thay đổi lớn trong hệ thống bán lẻ nội địa tại Pháp được so sánh như việc một nghệ nhân làm bánh của Pháp sử dụng margarine thay cho bơ trong công thức bánh croissant vậy – Nó sẽ chẳng sớm xảy ra đâu.
Theo Economist
Bình luận