Theo nhà phân tích ngành thủy sản Gorjan Nikolik của Rabobank, doanh số bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc đang cho thấy cơ hội mà các nhà doanh nghiệp thủy sản nước ngoài có thể khai thác. Đặc biệt, các nhà cung cấp thủy sản có thể cung cấp sản phẩm “cao cấp và truy xuất được nguồn gốc” nên tìm kiếm cơ hội tại thị trường này.
Thảo luận về chủ đề liệu những nhà cung cấp thủy sản từ Úc và New Zealand có nên khai thác bán hàng trực tuyến vào thị trường Trung Quốc hay không, ông Nikolik nhấn mạnh “khuynh hướng dễ nhận thấy, bao gồm mối quan tâm tới thủy sản khai thác tự nhiên, thủy sản nuôi trên biển và các loại giáp xác. “Mua sắm trực tuyến ngày càng mạnh đang hỗ trợ cho khuynh hướng trên”, ông phát biểu, và Trung Quốc là “thị trường trực tuyến phát triển nhất trên thế giới, vượt qua các nền kinh tế phương Tây”. Tiềm năng và mức tăng trưởng của thị trường trực tuyến là rất lớn.
“Trung Quốc có 731 triệu điện thoại thông minh”, ông Gorjan giải thích, “mức tăng trưởng kép 85%/năm trong 5 năm qua của bán lẻ trực tuyến. Doanh thu các cửa hàng trực tuyến hiện đạt 13 tỷ USD, và được dự báo sẽ chạm mức 35 tỷ USD trong năm 2018”.
Thương mại trực tuyến “có một số điểm ưu việt độc đáo”, theo nhận định của ông Gorjan:
- Nhiều lựa chọn, tiện lợi: Các cửa hàng trực tuyến cung cấp hàng nghìn sản phẩm mới không có ở hệ thống bán lẻ.
- Tính xác thực: người mua Trung Quốc “tin rằng sản phẩm đúng như được mô tả”.
- Chuỗi đông lạnh: “trong khi chuỗi đông lạnh của Trung Quốc hoạt động tốt cho sản phẩm tươi, thì có vẻ không tốt lắm cho các sản phẩm đông lạnh hoặc ướp lạnh, và về khía cạnh này của cơ sở hạ tầng logistic, các nhà bán lẻ trực tuyến có ưu thế lớn”.
Ông cũng lập luận rằng một trong những lợi thế chính cần khai thác trong bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc là khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. “Tính cao cấp và khả năng truy xuất nguồn gốc là hai đặc điểm sẽ giúp bạn bán được hàng trong hệ thống bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc.
“Bán hàng trực tuyến trưng ra năng lực giới thiệu tính cao cấp và thương hiệu”, ông Gorjan phân tích. “Không dễ dàng để tạo thương hiệu cho các sản phẩm mới, và hệ thống trực tuyến yêu cầu bạn cung cấp rất nhiều thông tin, đặc biệt là về các sản phẩm thủy sản. Thông tin và khả năng truy xuất nguồn gốc là yếu tố giúp bạn thực sự bán được hàng. Chúng ta đã thấy một loạt các nước thành công trong hoạt động bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc – nổi bật là Na Uy với mặt hàng cá hồi, đang thực sự trở thành một thương hiệu mạnh tại Trung Quốc; Canada với tôm hùm và sò điệp cũng đang làm tốt”.
Khẩu vị thay đổi
Ông Gorjan nhấn mạnh khẩu vị của người Trung Quốc đang thay đổi, theo hướng ưa chuộng hơn các sản phẩm thủy sản chế biến, có giá trị gia tăng cao.
Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn có truyền thống tiêu dùng cá nguyên con nhưng đột nhiên “chúng tôi nhận thấy một phân khúc khách hàng đánh giá cao sự tiện lợi của mua sắm trực tuyến, cũng là nhóm khách hàng đánh giá cao các sản phẩm thủy sản chế biến, tiện lợi”. Đồng thời, chủng loại thủy sản được ưa chuộng cũng đang thay đổi, ít nhất là với những người tiêu dùng thành thị trẻ, giàu có. “Khi người Trung Quốc ngày càng giàu có, họ có khuynh hướng chuyển từ các loại thủy sản nước ngọt như cá chép sang các laoij thủy sản biển, các loại giáp xác và đặc biệt là thủy sản nhập khẩu”.
Sự tổng hợp của tất cả các yếu tố trên, cộng với sự gia tăng các thỏa thuận thương mại tự do của Trung Quốc, các nhà xuất khẩu thủy sản nên cân nhắc khôn ngoan tới tiềm năng của thị trường trực tuyến Trung Quốc.
Theo Seafood Source
Bình luận