Trung Quốc – thị trường thịt lớn nhất thế giới – đang dần nới lỏng các hạn chế đặt ra từ lâu đối với thịt bò nhập khẩu từ các nhà cung cấp chính trên thế giới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đối với bò bít tết và sườn bò nướng.
Trong hơn một thập kỷ qua, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu thịt bò từ các nước châu Âu và Mỹ do dịch bệnh bò điên bùng phát tại các nước này trước đây. Những lo ngại về dịch bệnh đang giảm mạnh sau khi hoạt động kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với các lô hàng nhập khẩu; đồng thời, người Trung Quốc đang tìm kiếm các nguồn protein tốt cho sức khỏe hơn và Tây hóa về thói quen ăn uống.
Thịt bò hiệt là phân khúc thịt tăng trưởng nhanh nhất tại Trung Quốc, vượt qua nhu cầu đang ngày càng giảm đối với thịt lợn – loại thịt được tiêu dùng phổ biến nhất – để giảm hàm lượng chất béo trong thực đơn. Nhưng nguồn cung nội địa không tăng kịp nhu cầu, xét đến chi phí chăn nuôi gia súc ngày càng tăng tại Trung Quốc, khiến chính phủ nước này cân nhắc nghiêm túc về nới lỏng các hạn chế nhập khẩu.
Sau nhiều năm vận động hành lang, Mỹ đã thành công trong việc mở cửa trở lại thị trường Trung Quốc khi chính phủ Trung Quốc chính thức dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ hồi tháng 6 vừa qua, chấm dứt lệnh cấm tồn tại 14 năm. Trung Quốc cũng bật đèn xanh cho thịt bò từ Nam Phi và Ireland hồi đầu năm nay, và gần đây tuyên bố đang xem xét nguồn cung thịt bò từ Namibia. Nhập khẩu thịt bò của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây, chủ yếu từ châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản từ năm 2012 đến nay.
Năm 2016, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu thịt bò lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, với lượng nhập khẩu hơn 800.000 tấn, trị giá 2,6 tỷ USD, so với chỉ 6.000 tấn hồi năm 2006. “Nguồn cung nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Nguồn cung thịt bò cao cấp cũng không đủ và người Trung Quốc thì luôn lo lắng về an toàn thực phẩm”, theo Pan Chengjun, giám đốc điều hành nghiên cứu thực phẩm và nông nghiệp tại Rabobank Hong Kong nhận định.
Mở cửa thị trường thịt lớn nhất thế giới này là một thành công của các nhà sản xuất chăn nuôi gia súc toàn cầu, nhưng cạnh tranh ngày càng tăng có thể khuấy đảo vị thế của các nhà cung ứng thịt bò hàng đầu thế giới hiện nay là Úc, Brazil và Argentina.
Các động thái mới nhất từ Bắc Kinh là khả năng thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các hàng hóa khác, như đường và gà thịt, nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa.
Tiêu dùng thịt bò và thịt bê của Trung Quốc đã tăng hơn 10% trong 5 năm qua, trong khi tiêu dùng thịt gà và thịt lợn lại giảm trong những năm gần đây. Nhu cầu thịt bò tại Trung Quốc được dự báo tăng vượt 8 triệu tấn trong năm 2017, theo ước tính của USDA; nhưng sản xuất nội địa lại không tăng tương ứng, chỉ đạt khoảng 7 triệu tấn.
Zhang Jianjun, giám đốc mua hàng của Sino-Australia Top Beef (Beijing) Co Ltd, công ty chủ yếu nhập khẩu thịt bò từ Úc, dự báo nhu cầu thịt bò của Trung Quốc sẽ tăng 10 – 15% trong vài năm tới. “Trong khi đó, chi phí chăn nuôi gia súc tại Trung Quốc thì ngày càng cao”.
Gia súc có thời gian sinh trưởng dài hơn và hoạt động chăn nuôi đòi hỏi một diện tích đát lớn, nhưng đô thị hóa nhanh của Trung Quốc trong thập kỷ qua đã làm giảm đáng kể nguồn cung đất đồng cỏ chất lượng tốt.
Ngay cả đối với các doanh nghiệp chuyển hướng sang thâm canh chăn nuôi để thu hút trợ cấp từ chính phủ, chi phí sản xuất thịt bò vẫn đắt đỏ và giá bán lẻ thị bò trên thị trường nội địa Trung Quốc vẫn cao hơn nhiều so với giá trên thị trường quốc tế. Giá thịt bò trung bình tại Trung Quốc hiện vào khoảng 54 NDT/kg, tương đương 8,11 USD/kg, cao hơn gấp đôi so với giá thịt bò Mỹ. “Nhu cầu tiềm năng đối với thịt bò tại Trung Quốc rất lớn…nếu thịt bò nhập khẩu được cung cấp trên thị trường Trung Quốc với mức giá hiện tại, nhu cầu sẽ tăng mạnh”, ông Pan nhận định.
Theo Reuters
Bình luận