Xu hướng và dự báo

Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam lọt top các thị trường cà phê tăng trưởng nhanh nhất

Thị trường cà phê toàn cầu tiếp tục nóng lên và châu Á góp phần lớn vào tăng trưởng thị trường này. Nghiên cứu mới từ Mintel cho thấy 3 trong số 5 thị trường bán lẻ cà phê nhanh nhất thế giới là tại châu Á. Indonesia hiện là thị trường bán lẻ cà phê đóng gói nhanh nhất với tốc độ tăng trưởng kép CAGR đạt 19,6%/năm trong 5 năm qua, trong khi tốc độ tăng trưởng kép tại Ấn Độ là 15,1%/năm và tại Việt Nam là 14,9%/năm. Nhìn chung, thị trường toàn cầu tiếp tục tăng trưởng ổn định, với tăng trưởng doanh số bán lẻ ước đạt 2,7% trong năm 2016 sau khi tăng 2,5% trong năm 2015.

Với các thị trường châu Á hiện đang chiếm phần lớn các vị trí tăng trưởng cao nhất trong bản đồ cà phê thế giới, các thị trường châu Âu cũng như Úc nằm trong nhóm tăng trưởng chậm nhất. Nghiên cứu của Mintel cho thấy ngành cà phê đã bão hòa của Phần Lan suy giảm mạnh nhất trong giai đoạn 2011 – 2016 với tốc độ -3,7%/năm, theo sau là Úc (0%), Ba Lan (0,1%), Hà Lan (0,5%), và Bỉ (0,5%).

Thị trường cà phê bùng nổ của châu Á được tiếp động lực bởi sự xuất hiện của các sản phẩm cà phê sáng tạo. Theo Cơ sở dữ liệu sản phẩm mới toàn cầu của Mintel (GNPD), từ năm 2011 – 2016, số lượng sản phẩm cà phê mới được tung ra thị trường tại châu Á đã tăng 95%. Trong cùng giai đoạn, số lượng sản phẩm chè mới được tung ra chỉ tăng 55%. Theo ông Jonny Forsyth, nhà phân tích ngành đồ uống toàn cầu tại Mintel, “Ngành cà phê toàn cầu tiếp tục tăng trưởng tốt, chủ yếu nhờ thị trường châu Á. Châu Á cho đến nay vẫn có tiềm năng tăng trưởng cao do những người tiêu dùng trà theo truyền thống đang chuyển dịch chậm rãi nhưng chắc chắn, trở thành những người uống cà phê. Năm 2016 cũng đánh dấu số lượng sản phẩm xóa nhòa đi ranh giới giữa cà phê và trà rất rõ rệt. Một nền văn hóa uống trà là rào cản lớn nhất cho tiêu dùng cà phê tại châu Á và các sản phẩm con lai giữa trà – cà phê có thể được sử dụng để thu hút khách hàng”.

Đổi mới sáng tạo trong không gian cà phê

Về khía cạnh khẩu vị địa phương, hiện châu Á Thái Bình Dương dẫn đầu về số lượng sản phẩm cà phê uống liền mới trên thị trường. Năm 2016, 29% tổng số sản phẩm cà phê được tung ra thị trường châu Á Thái Bình Dương là các sản phẩm cà phê lạnh, uống liền, so với chỉ 10% tại châu Âu. Ngoài ra, các sản phẩm đồ uống cà phê hòa tan đang chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường bán lẻ cà phê. Trong năm 2016, các sản phẩm cà phê 2 trong 1, 3 trong 1 hay 4 trong 1, chiếm 16% tổng sản phẩm cà phê bán lẻ tại châu Á, tăng từ mức 12% trong năm 2014.

Tuy nhiên, cà phê hòa tan vẫn thống trị thị trường bán lẻ tại châu Á. 2 trong số 5 sản phẩm cà phê mới tại châu Á (42%) là các sản phẩm cà phê dạng viên hòa tan, so với chỉ 1/5 (20%) sản phẩm tung ra tại thị trường châu Âu và chỉ 6% sản phẩm tại Bắc Mỹ năm 2016.

Trên toàn cầu, các sản phẩm viên nhộng cà phê đang khuấy đảo mạnh thị trường quốc tế. Các viên nhộng cà phê chiếm đến 26% doanh số các sản phẩm cà phê sáng tạo bán lẻ toàn cầu năm 2016, tăng từ mức 11% hồi năm 2011. Mặc dù vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu ra mắt thị trường châu Á Thái Bình Dương, sáng tạo viên nhộng cà phê vẫn đang cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng mạnh tại khu vực này. Khoảng 13% sản phẩm cà phê mới tung ra năm 2016 là viên nhộng cà phê, tăng từ mức chỉ 4% hồi năm 2011.

“Do người tiêu dùng trên các thị trường mới nổi ngày càng phát triển về khẩu vị cà phê, các sản phẩm sáng tạo đang bước vào cuộc chơi một cách mạnh mẽ khi những người uống cà phê bắt đầu chuyển từ cà phê hòa tan sang các loại cà phê hương vị tươi mới. Tuy nhiên, bất chấp các sản phẩm sáng tạo mới xuất hiện trên thị trường cà phê toàn cầu, phần lớn các dạng thương mại của cà phê – các viên nhộng cà phê hòa tan – vẫn là phân khúc quan trọng, đặc biệt là tại châu Á. Do người tiêu dùng phát triển khẩu vị từ cà phê hòa tan, doanh số cà phê viên nhộng và dạng pod  sẽ tăng lên”, ông Jonny nhận định.

Lèo lái làn sóng cà phê thứ 3

Trong tương lai, hạt cà phê  khiêm nhường có thể sẽ biến thành một thứ đồ uống cao cấp. Trong khi tăng trưởng tiếp tục diễn ra trên thị trường này, với 15% sản phẩm được tung ra trên thị trường châu Á năm 2016 được gán nhãn cao cấp, so với 11% hồi năm 2013, báo hiệu “làn sóng thứ 3” đang tích lũy động lực. Theo định nghĩa của Mintel, diễn biến “làn sóng thứ 3” của cà phê sẽ đẩy giá các sản phẩm cà phê tăng, tập trung mạnh vào nguồn gốc xuất xứ của cà phê và cách cà phê được rang, với một trọng tâm mới là các cách thức pha cà phê khác nhau.

Hiện châu Mỹ dẫn đầu làn sóng này, chiếm khoảng 27% doanh số bán lẻ cà phê thuộc “làn sóng thứ 3”* trên toàn cầu. Trong khi 16% người uống cà phê tại Mỹ tự xếp loại mình vào nhóm “sành cà phê”, thì người tiêu dùng trên khắp châu Á cũng đang cho thấy sự ưa chuộng ngày càng cao đối với dòng cà phê chất lượng cao. Nghiên cứu của Mintel chỉ ra 67% người tiêu dùng thành thị Indonesia** cho rằng chất lượng cà phê quan trọng hơn mức độ tiện dụng của sản phẩm, trong khi 22% tin rằng họ có hiểu biết tốt về cà phê và 53% cho rằng việc học hỏi thêm về cà phê quan trọng đối với họ.

“Phần lớn các thị trường cà phê mới nổi vẫn đang trong “làn sóng thứ nhất” về cà phê; tuy nhiên, một số đã bắt đầu bước vào “làn sóng thứ 2” do các cửa hàng dịch vụ ăn uống và quán cà phê thúc đẩy mạnh phong cách cà phê phương Tây. Nhiều nước châu Á đang trong quá trình chuyển đổi từ “làn sóng thứ nhất” sang “làn sóng thứ 2”, trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Indonesia, đang chuyển dịch vào “làn sóng thứ 3”. Một số cửa hàng cà phê chuyên biệt tại Indonesia đang tập trung đặc biệt vào các loại cà phê bản địa Indonesia để cho thấy văn hóa cà phê phong phú của nước này. Số lượng cửa hàng phụ vụ các loại cà phê Arabica nguồn gốc nhập khẩu trên toàn thế giới cũng đang tăng lên, càng làm bối cảnh “làn sóng thứ 3” tại Indonesia trở nên đầy màu sắc, ông Jonny kết luận.

*được định nghĩa là viên nhộng/pod cà phê hạt hoặc cà phê xay, sử dụng các mô tả sản phẩm là “phần nhỏ” hoặc “thuần khiết” hoặc thủ công.

**1.755 người tiêu dùng trưởng thành Indonesia tại Jarkarta, Bandung, Surabaya, Yogyakarta, và Semarang

Theo Mintel
Admin

Nestle dấn thân vào làn sóng thứ 3 của ngành cà phê thông qua thương vụ thâu tóm Blue Bottle

Bài trước

Ấn Độ dự báo tăng trưởng kinh tế 2024/25 là 6,4%, chậm nhất trong bốn năm

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc