Bộ Thương mại Thái Lan hợp tác với Phòng Thương mại Thái Lan lập các chiến lược thúc đẩy tiêu dùng trái cây Thái Lan trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Động thái này nhằm giải quyết vấn đề dư thừa nguồn cung trái cây, gây áp lực giảm giá hiện nay.
Thứ trưởng Thương mại Sontirat Sontijirawong cho biết kế hoạch này là một phần trong mục tiêu mà thủ tướng Thái Lan đặt ra đưa nước này trở thành quốc gia nổi tiếng về trái cây. Bộ Thương mại sẽ tìm kiếm các chiến lược ngắn hạn để hỗ trợ nông dân đang phải bán giá thấp trong vụ thu hoạch rộ, khiến trái cây bị hư hỏng và giảm giá. “Đối với các giải pháp ngắn hạn, chúng tôi cần hợp tác với mạng lưới, bao gồm các hợp tác xã và cộng đồng nông nghiệp địa phương để biết giá cả và thời điểm cung trái cây trên thị trường để tìm cách thích hợp giải quyết tình trạng được mùa mất giá”, ông Sontirat cho biết.
Ông Sontirat cho biết thêm chính sách này ban đầu sẽ tập trung vào các mặt hàng trái cây: sầu riêng, măng cụt, và dừa thơm, vốn được nhiều khách nước ngoài ưa chuộng và phù hợp với nhiều thị trường quốc tế.
Thái Lan sản xuất hơn 500.000 tấn sầu riêng và 100.000 tấn măng cụt hàng năm, trong đó 80% dành cho xuất khẩu. Tuy nhiên, nông dân Thái Lan vẫn không có cơ hội tăng thu nhập từ sự ưa chuộng và giá cao của các loại trái cây này trên thị trường quốc tế.
Về dài hạn, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ thảo luận với các tổ chức nhà nước và tư nhân để đưa ra một kế hoạch marketing cho trái cây theo mùa. “Đối với chiến lược dài hạn, chúng tôi tập trung vào chất lượng trái cây và hoạt động logistics để mang đến trái cây chất lượng cao cho người tiêu dùng, qua đó chúng tôi có cơ sở để tuyên bố rằng trái cây Thái Lan có chất lượng hảo hạng và xứng đáng có giá cao hơn”.
Bộ Nông nghiệp Thái Lan dự báo Thái Lan sẽ sản xuất 4,14 triệu tấn trái cây trong năm 2017, phần lớn là sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, vải và dứa.
Theo Bangkok Post
Bình luận