Ấn Độ đang lên tiếng lo ngại về số lô hàng tôm bị Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (US FDA) từ chối thông quan ngày càng tăng do các yêu cầu kiểm tra “ngặt nghèo” của cơ quan này và đã yêu cầu Washington giải quyết vấn đề này. New Delhi, trong một hồ sơ trình bày trong buổi rà soát chính sách thương mại Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gần đây, cho biết chính phủ Ấn Độ sẵn sàng hợp tác với chính phủ Mỹ để tìm cách giải quyết vấn đề này.
“Ấn Độ là một trong những nước xuất khẩu tôm lớn nhất sang thị trường Mỹ. Các yêu cầu kiểm tra của US FDA và các chính sách gần đây đang đặt ra gánh nặng rất lớn lên các nhà xuất khẩu Ấn Độ”, theo bản báo cáo mà Ấn Độ trình bày. Theo số liệu do phía Mỹ cung cấp, trong tổng số 63 lô hàng tôm bị US FDA từ chối trong năm 2018 (tính đến hết tháng 10) do liên quan đến salmonella, 55 lô hàng có xuất xứ từ Ấn Độ. Hơn nữa, trong tổng số 43 lô hàng bị từ chối do phát hiện kháng sinh cấm trong cùng giai đoạn, 15 lô hàng đến từ Ấn Độ.
“Việc liên tục phát hiện thấy salmonella và kháng sinh cấm trong tôm Ấn Độ làm dấy lên những câu hỏi quan trọng liên quan đến sự phát triển và lây lan của các loại vi khuẩn kháng kháng sinh (AMR) trong ngành nuôi trồng thủy sản Ấn Độ và khả năng nhập khẩu tôm Ấn Độ có thể là một phương tiện để vi khuẩn AMR lọt vào Mỹ”, theo một tuyên bố từ Liên minh tôm miền Nam (Southern Shrimp Alliance - SSA), một tổ chức của ngư dân và các nhà chế biến thủy sản tại Mỹ. Rất nhiều tác nhân trong ngành thủy sản và chính phủ Ấn Độ cho rằng các đợt từ chối thông quan của US FDA là một rào cản phi thuế khi xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ tăng mạnh. Trong 8 năm qua, xuất khẩu tôm nước ấm đông lạnh không tẩm bột của Ấn Độ sang Mỹ đã tăng 7 lần lên 2,2 tỷ USD trong năm 2017, đưa Ấn Độ trở thành nhà cung cấp tôm quan trọng nhất cho Mỹ.
Năm 2017, Ấn Độ chiếm thị phần 35% trong tổng kim ngạch nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh không tẩm bột của mỹ, tăng từ mức chỉ 6% trong năm 2010. “Việc kiểm tra của US FDA trở nên rất gắt gao trong thời gian gần đây, dẫn đến tăng mạnh số lượng lô hàng tôm Ấn Độ bị từ chối. Ấn Độ muốn tính minh bạch của các lý do từ chối thông quan trở nên minh bạch hơn và có một cuộc thảo luận về liệu các tiêu chuẩn có nên được đưa về các giới hạn hợp lý hơn”, một quan chức chính phủ Ấn Độ phát biểu.
Hồ sơ đệ trình của Ấn độ cũng chỉ ra rằng các yêu cầu khó đáp ứng liên quan đến chiếu xạ, kiểm tra và các yêu cầu SPS phức tạp cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu các nông sản khác như xoài, mật ong và nho. Các chính sách thương mại của tất cả các thành viên WTO được định kì rà soát, bao gồm các đánh giá nhóm tương đương. Các vấn đề đã được các thành viên chỉ ra, giải thích và tìm kiếm các giải pháp.
Theo The Hindu Business Line
Bình luận