Thịt

Mục tiêu sản xuất 1,2 triệu tấn tôm của Việt Nam liệu có “thực tế”?

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy sản lượng tôm khi theo đuổi mục tiêu giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD đến năm 2025, mặc dù Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Thịnh vượng chung của Úc (CSIRO) hoài nghi về sự khôn ngoan trong việc theo đuổi tăng trưởng nhanh.

Tổng cục Thủy sản, thuộc Bộ NNPTNT, đã đưa mục tiêu 10 tỷ USD vào kế hoạch phát triển nuôi tôm quốc gia, công bố năm 2017. Mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD là một cú nhảy vọt so với mức 3,85 tỷ USD trong năm 2017 và đặt ra cùng với kế hoạch sản xuất tôm đầy tham vọng, với sản lượng mục tiêu 1,2 triệu tấn. Theo ông Hoàng Tùng, hiện làm việc tại CSIRO, chính phủ Việt Nam cũng đã ủy thác cho CSIRO để đưa ra những khuyến nghị về cách tốt nhất để đạt mục tiêu này. Hiện Việt Nam có diện tích nuôi tôm khoảng 700.000ha và có thể tăng lên 800.000ha đến năm 2025 do biến đổi khí hậu và xâm mặn.

Trong bài trình bày đại diện cho CSIRO, ông Tùng cho biết sản lượng tôm của Việt Nam năm 2017 đạt 683.000ha, cao hơn nhiều so với các ước tính khác, ví dụ như tại Hội thảo Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC) tổ chức tại Mỹ hồi đầu năm đưa ra con số 415.000 tấn trong năm 2017. Dù vậy, ông Tùng không phải là diễn giả duy nhất tại Vietfish đưa sản lượng tôm Việt Nam năm 2017 lên mức khoảng 700.000 tấn.

Một nhà quản lý tại một hãng giao dịch tôm xác nhận rằng số liệu mà chính phủ Việt Nam đưa ra về sản lượng tôm năm 2017 là vào khoảng 684.000 tấn, và năm 2018 lên tới 720.000 tấn. Tuy nhiên, một nhà quản lý tại một công ty sản xuất tôm lớn tại Việt Nam cho rằng sản lượng tôm năm 2017 tại Việt Nam chỉ tối đa đạt 500.000 tấn.

Ông Hồ Quốc Lực – nguyên chủ tịch Hiệp hội các nhà chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và hiện là chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX) – nhấn mạnh rằng Việt Nam có tiềm năng lớn trong xuất khẩu tôm thông qua tăng diện tích nuôi và tăng giá trị sản phẩm. Chìa khóa cho mục tiêu đầy tham vọng này là sự hỗ trợ từ phía chính phủ về cơ sở hạ tầng. Phần lớn nông thôn Việt Nam thiếu nguồn cung điện ổn định, và thiếu đi nguồn lực này, các trại nuôi không thể thâm canh sản xuất – một yêu cầu để tăng năng suất đối với các diện tích nuôi tôm hiện có. Trên hết, các mạng lưới thủy lợi và đường bộ cần được đầu tư để đảm bảo vận chuyển các sản phẩm tôm, ông Lực nhấn mạnh. Ông cũng chỉ ra phần lớn hoạt động nuôi tôm tại Việt Nam có quy mô nhỏ và “bột phát”. Khoảng 80% sản lượng tôm Việt Nam do những người nuôi quy mô nhỏ sản xuất, một số không được chính phủ giám sát và tiến hành hoạt động kinh doanh “không chính thống”, sử dụng thuốc trên thị trường chợ đen và thường không sản xuất sản phẩm có thể được chấp nhận tại các thị trường xuất khẩu.

CEO Tạ Minh Thiện của thủy sản Âu Vững cho biết tại Vietfish rằng các nhà chế biến đang kết nối ngày càng mạnh với nông dân để kiểm soát và đảm bảo nguồn cung đồng nhất chất lượng, ổn định, vốn rất quan trọng để cạnh tranh trên thị trường tôm quốc tế. Doanh nghiệp của ông đang cấp vốn cho HTX nông dân, và kỳ vọng giành được chứng nhận Aquaculture Stewardship Council (ASC) vào mùa hè năm 2018.

Đầu vào sản xuất chất lượng cao, bao gồm TACN, chất lượng nước và con giống, cũng là những thách thức mà ngành tôm vẫn đang đối mặt. Ông Lực nhấn mạnh rằng Việt Nam đang tìm cách nghiên cứu các chương trình nhập nội nguồn tôm giống trong 20 năm, nhưng vẫn chưa có những kết quả đáng kể. Mặc dù vậy, ông Lực đánh giá cao Tập đoàn Thủy sản Việt Úc về những đột phá gần đây trong lĩnh vực này.

Thâm canh hay không?

Ông Hoàng cho rằng mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD là thực tế và chính phủ có kế hoạch “ấn tượng” để hiện thực hóa mục tiêu này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng còn rất nhiều việc phải làm để xác định chính xác tăng trưởng tập trung ở đâu và mức đầu tư sẽ là bao nhiêu. Ông nhấn mạnh rằng hiện nay, mô hình thâm canh hoặc “siêu thâm canh” vẫn hạn chế ở các công ty sản xuất chuyên nghiệp như Việt Úc – chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng tôm của Việt Nam. “Mô hình thâm canh không phổ biến bởi được cho là không cần thiết”, ông phát biểu. “Một nông dân có thể nuôi sống gia đình với một trại nuôi tôm thẻ quảng canh 2ha. Họ không có động lực để nâng cấp”.

Tăng trưởng sản lượng tôm phải duy trì ở mức 12,7%/năm để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD đến năm 2025. Trong quý 1/2018, VASEP báo cáo mức tăng trưởng 13,8%. Tuy nhiên, theo ông Hoàng, các nước sản xuất tôm khác cũng không thể đạt mức tăng trưởng 12%/năm trong giai đoạn 2014-2018. Sản lượng tôm đạt 800.000 tấn đến năm 2020 là khả thi, ông nhận định; nhưng không chắc chắn về mục tiêu 1,2 triệu tấn đến năm 2025. Ông cũng cho rằng sản xuất tăng trưởng quá nhanh lên mức 1 triệu tấn sẽ gây ra những rủi ro sinh thái. Một số tính toán (có vẻ quá đơn giản) cho thấy giá tri tôm Việt Nam cũng sẽ phải tăng trong thời gian đặt mục tiêu trên.

Năm 2016, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,3 tỷ USD. Dữ liệu sản lượng tôm hàng năm của ông Hoàng cho thấy sản lượng cùng năm đạt 650.000 tấn, nghĩa là nếu Việt Nam xuất khẩu toàn bộ sản lượng tôm trên, mức giá trung bình sẽ là 5.077 USD/tấn. Năm 2017, dữ liệu của ông Hoàng cho thấy sản lượng tôm Việt Nam đạt 683.000 tấn và giá trị xuất khẩu 3,85 tỷ USD, tương đương mức giá xuất khẩu toàn bộ tôm trung bình là 5.637 USD/tấn. Theo như tính toán tương tự, nếu Việt Nam sản xuất 1,2 triệu tấn tôm vào năm 2025 thì để đạt mục tiêu giá trị xuất khẩu tôm 10 tỷ USD, giá xuất khẩu trung bình toàn bộ tôm sản xuất sẽ là 8.300 USD/tấn. Để tiện so sánh, sử dụng thống kê từ GSMC, năm 2017, giá xuất khẩu tôm trung bình của Ecuador là 5.757 USD/tấn và của Thái Lan chỉ là 3.180 USD/tấn, tính toán dựa trên lượng và giá trị xuất khẩu, không dựa trên lượng sản xuất).

Ông Hoàng cho rằng Việt Nam không nên theo đuổi mục tiêu tăng trưởng sản lượng 12,7%, đặc biệt xét đến tình trạng cung vượt cầu trong năm 2018. Tăng biên lợi nhuận sản xuất nên được ưu tiên hơn so với tăng sản lượng, ông nhấn mạnh rằng tôm sú có thể là một lựa chọn đáng lưu ý. Dư địa cải thiện  năng suất tôm sú vẫn còn khi nuôi quảng canh (phương háp nuôi tối đa hóa biên lợi nhuận, xét đến chi phí sản xuất rất thấp); năm 2016, năng suất nuôi tôm sú quảng canh vào khoảng 0,5 tấn/ha/năm, theo dữ liệu CSIRO.

Các dự báo cho thấy hiện năng suất nuôi tôm quảng canh chưa thể tăng lên 1 tấn/ha/năm. Năng suất nuôi tôm sú thâm canh đạt hơn 3 tấn/ha/năm năm 2016, trong khi năng suất nuôi tôm thẻ thâm canh vượt 4 tấn/ha/năm. Ông Hoàng trình bày các nghiên cứu trường hợp mà CSIRO tiến hành tại Việt Nam. Nghiên cứu trường hợp đầu tiên là nuôi tôm thẻ thâm canh, mang lại doanh thu 612 triệu USD và lợi nhuận 151 triệu USD; nghiên cứu trường hợp thứ hai là nuôi tôm sú quảng canh, thu nhập 262 triệu USD và lợi nhuận 184 triệu USD.

Dẫn chiếu Rabobank dự báo giá tôm thẻ trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm, ông Hoàng cho rằng tập trung vào biên lợi nhuận sẽ quan trọng hơn tăng sản lượng tôm, và rằng tăng tỷ trọng sản xuất tôm sú quảng canh là lựa chọn tốt nhất hiện nay.

Theo Undercurrent News
Admin

Những nguy cơ của việc thâm canh quá mức trong nuôi tôm

Bài trước

CP Foods đặt mục tiêu bắt đầu vận hành mạng lưới sản xuất tôm tại Mỹ vào năm 2021

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Thịt