Một cỗ máy mới đứng im lìm một góc của một nhà máy xay xát gạo nhỏ tại Amnat Charoen. Hoạt động sản xuất tại đây sẽ bắt đầu cung ứng sản phẩm ra thị trường vào cuối năm 2017, đánh dấu một bước quan trọng cho nông dân địa phương trong thúc đẩy sản xuất gạo. “Amnat Charoen đang thay đổi thế giới” – một âm hưởng đầy tham vọng bên trong nhà máy này, khi hàng ngàn nông dân địa phương đang tề tựu vào một buổi chiều nắng nóng của tháng 9.
Những nông dân này là các thành vien của Mạng lưới Cộng đồng Kinh doanh Nông nghiệp Hữu cơ Amnat Charoen, một nhóm các nông dân và tổ chức dân sự địa phương, hợp tác với nhau để thúc đẩy nông nghiệp bền vững và tăng cường sức mạnh đàm phán của nông dân trên thị trường.
Thành tựu của họ hiển hiện ở nhà máy này và hệ thống xay xát gạo mới, trị giá khoảng 5 triệu Baht, chủ yếu từ nguồn vốn của Amnat Charoen sau khi mạng lưới này đàm phán gây vốn thành công. Nhà máy sẽ thu mua lúa từ các thành viên trong mạng lưới. Các sản phẩm của họ sẽ được đảm bảo chất lượng và được hỗ trợ marketing.
Ưu tiên được dành cho các sản phẩm nông sản hữu cơ, đặc biệt là gạo thơm jasmine chất lượng cao, được trồng dưới ánh nắng của Amnat Charoen, một tỉnh nhỏ bé của Thái Lan, có nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, trên cả thị trường nội địa và quốc tế. “Nông dân trồng lúa chỉ kiếm được rất ít lợi nhuận. Họ bán lúa gạo cho các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp ở mức giá rất thấp. Đôi khi, họ thậm chí phải cầu xin các nhà máy xay xát mua lúa của họ”, theo Vanich Butree, một tình nguyện viên hỗ trợ mạng lưới của nông dân nói trên cho biết. “Khi họ thành lập một mạng lưới như thế này, họ có thể quyết định giá. Họ có thể quyết định tương lai của mình”.
Khi nông dân địa phương nói về thứ “đang thay đổi thế giới”, họ nói về việc cung ứng loại gạo hữu cơ cao cấp cho thị trường. Đổi lại, họ nhận được mức giá cao hơn, sinh kế được cải thiện.
Các nhóm nông dân khác đang vận động theo cùng khuynh hướng này – sản xuất gạo hữu cơ và chiếm thị phần nhỏ trong thị trường cao cấp nội địa, cung cấp gạo cho các nhà bếp của khách sạn hoặc xuất khẩu sang các nước châu Âu. Họ đã thuyết phục được các nhà chức trách địa phương tuyên bố Amnat Charoen, là một tỉnh Dhamma Kaset – nghĩa là làm nông nghiệp có trách nhiệm và có đạo đức, mang lại sự công bằng cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Khái niệm nông nghiệp bền vững xuất hiện tại Hội đồng Nhân dân của Amnat Charoen với sự tiếp cận đi từ dưới lên, quyết định các khía cạnh kinh tế - xã hội của địa phương này.
Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, dữ liệu kinh tế quốc gia vẫn chưa ghi nhận các nông sản hữu cơ bởi các sản phẩm này chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Làm nông hưu cơ không thể cung cấp sản lượng lớn như sản xuất nông nghiệp độc canh, thường gắn với sử dụng rộng rãi các loại hóa chất, phan bón và làm đất. Các chính phủ đã thành công trong thúc đẩy nông nghiệp quy mô lớn bởi lối làm nông nghiệp này mang lại vị thế lớn cho ngành nông nghiệp trong đóng góp GDP, chiếm đến 9% GDP năm 2015, theo dữ liệu Văn phòng Hội đồng Phá triển xã hội và Kinh tế quốc gia. Làm nông nghiệp quy mô lớn sẽ liên đới với hàng loạt tổ chức kinh doanh nông nghiệp khổng lồ và gây tranh cãi khi nông dân luôn quanh quẩn trong vòng quay nghèo và nợ nần, chủ yếu do chi phí sản xuất cao và giá không ổn định.
Động thái tự cường của nông dân tại Amnat Charoen đang thách thức nhận thức của chính phủ trung ương và toàn bộ ngành nông nghiệp – vốn có các chiến lược được quyết định theo các chính sách từ trên cao đổ xuống (top-down policies).
Thúc đẩy nông nghiệp quy mô lớn đang nằm trên lộ trình của chính phủ quân sự đương nhiệm tại Thái Lan, dẫn tới những xung đột và hoài nghi trong công chúng về liệu chính sách này có là giải pháp dài hạn cho nông dân.
Các động cơ “ngọt ngào”
Ban đầu, nông dân sản xuất lúa gạo hữu cơ Isara Keaodee không biết ai sẽ tới mua lúa tại khu vực hẻo lãnh Nam Plik của Amnat Charoen. Khởi đầu của nông nghiệp hữu cơ tại đây rất nhỏ bé, nhưng cứ tăng dần đều.
Người mua ngã giá mua cho cả mảnh ruộng. Những nông dân đang ngập trong nợ nần thường khó lòng từ chối những lời đề nghị mang lại tiền mặt nhanh nh vậy. Một số đã bán đất mà không nghĩ tới hậu quả. Nhưng hệ quả cũng ngày một hiện rõ khi nhiều hợp đồng nhỏ hợp lại thành một khu vực lớn, nơi một nhà máy chế biến mía đường mới, và một nhà máy biomass công suất 61-megawatt sẽ sớm được xây dựng.
Nhà máy này có tổng công suất chế biến 20.000 tấn mía/ngày, sẽ được vận hành bởi Kalasin Mitr Sugar Company Limited, thuộc sở hữu của Thái Lan và nhà sản xuất năng lượng sinh học và đường lớn nhất châu Á là Mitr Phol Group. Nhà máy biomass sẽ có sản xuất từ bã mía.
Sự xuất hiện của tổ hợp sản xuất này là dấy lên lo ngại trong lòng những nông dân sản xuất gạo hữu cơ. Phần lớn họ lo ngại thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học sử dụng ở các khu vực trồng mía và nước thì bị lạm dụng để độc canh mía. “Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy làm sản xuất hữu cơ gạo thơm cho cả thị trường nội địa và quốc tế. Làm sao người tiêu dùng tin vào sản phẩm của chúng tôi được khi mà một nhà máy nằm chình ình ở ngay trên cánh đồng”, ông Isara than phiền.
Nhà máy này là 1 trong 2 nhà máy sản xuất mía đường mới được Bộ Công nghiệp Thái Lan phê duyệt vào năm 2015, một phần trong chính sách của chính quyền trung ương nhằm thúc đẩy ngành đường và ethanol. Phần lớn các nhà máy được phê duyệt tập trung ở Đông Bắc Thái Lan. Hội đồng Đường và Mía Thái Lan hồi năm ngoái cho biết chính phủ kỳ vọng mở rộng diện tích trồng mía tăng từ 10,53 triệu rai năm 2015 lên 16 triệu rai năm 2026; qua đó nâng sản lượng mía đường hàng năm từ 105,96 triệu tấn lên 180 triệu tấn, tăng gấp đôi sản lượng đường, ethanol và điện sản xuất từ biomas mía đường và tăng doanh thu cho ngành này từ 200 tỷ Baht lên 500 tỷ Baht. Một nửa sản lượng đường hàng năm của Thái Lan là dành cho thị trường xuất khẩu, làm dấy lên tranh cãi về tác động môi trường lên các cộng đồng địa phương.
Đồng thời, chính phủ cũng triển khai một chiến lược sản xuất quy mô lớn gây tranh cãi Pracha Rat trong ngành nông nghiệp. Dự án này nhằm tìm cách hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân để cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Nhưng dự án bị chỉ trích bởi chiến lược “cõng rắn về cắn gà nhà” khi mở đường cho các tập đoàn kinh doanh nông nghiệp lớn mở rộng tầm ảnh hưởng và lợi ích kinh doanh của họ.
Tháng 7 vừa qua, một nhóm và nhà báo đã được mời tới Amnat Charoen để chứng kiến dự án Pracha Rat thúc đẩy nông dân trồng mía ra sao. Rõ ràng là công ty Kalasin Mitr Sugar tham gia vào dự án và đã đóng vai trò dẫn dắt trong hỗ trợ nông dân về công nghệ và thu mua mía từ nông dân. Đại diện công ty Paitoon Praphatharo cho các nhà báo biết rằng ngành mía đường đã tăng thu nhập cho nông dân địa phương và cải thiện kinh tế nói chung cho Amnat Charoen, vốn chỉ đứng ở vị trí 75/76 trong bảng GDP địa phương năm 2015.
Trong 3 năm qua, nông dân trồng lúa gặp rất nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao, giá gạo giảm và hạn hán năm 2016 gây thiệt hại sản xuất nặng nề. Phần lớn các hộ gia đình đều ngập trong nợ nần. Do đó, khi công ty bắt đầu khuyến khích nông dân trồng mía, cung cấp bí quyết kỹ thuật và đầu vào, hứa hẹn một tương lai sáng lạn hơn, nhiều nông dân đã bị thuyết phục chuyển từ trồng lúa sang trồng mía – và họ chờ đợi cho một thành công ngọt ngào.
Các tour khảo sát nhà máy của Mitr Phol được tổ chức bởi các nông dân địa phương. Sau các chuyến khảo sát, các nhà báo đã viết một lá thư gửi tới Văn phòng Chính sách Môi trường và Nguồn lực tự nhiên (Onep), có trách nhiệm đánh giá các tác động môi trường của các nhà máy và biomass. Trong thư, họ cho biết nhà máy sẽ tạo thêm nhiều việc làm, giảm các vấn đè xã hội và cải thiện thu nhập của nông dân địa phương. “Chúng tôi nhận thấy các biện pháp quản lý môi trường và giúp cộng đồng địa phương hưởng lợi”, theo nội dung thư của Jitraphon Promthar, phó chủ tịch hội người cao tuổi tại Nam Plik. “Chúng tôi muốn có nhà máy mía đường và nhà máy biomass này tại Amnat Charoen càng sớm càng tốt”.
Lựa chọn hữu cơ khác
Gây quỹ từ chính các thành viên, một nhóm các nông dân sản xuất hữu cơ đã thực hiện chuyến khảo sát các cộng đồng quanh các nhà máy mía đường tại khu vực Đông Bắc để thu thập thêm thông tin. “Chúng tôi nhận thấy rất nhiều nông dân ấm ức khi họ chỉ sản xuất để phục vụ các nhà máy. Họ sản xuất nhanh, nhận được trợ cấp, nhưng rồi lại chịu gánh nặng nợ nần do phải mua hóa chất và phân bón để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất cho theo kịp nhu cầu của các nhà máy”, ông Isara phát biểu. “Họ không thực sự nắm giữ thị phần và sức mạnh đàm phán thì rất thấp”.
Được chính phủ khuyến khích, các hoạt động sản xuất mía đường, sắn và cao su nở rộ tại Amnat Charoen và trên toàn Đông Bắc Thái Lan – khu vực vốn có truyền thống sản xuất lúa gạo. Diện tích trồng lúa tại Amnat Charoen tiếp tục ổn định, với diện tích trồng lúa jasmine hiện chiếm 888.000/943.000 rai tổng diện tích trồng lúa. Đồng thời, diện tíc trồng mía đường cũng tăng mạnh trong những năm gần đây – từ 3.230 rai năm 2008 lên 51.446 rai năm 2016, theo số liệu từ Văn phòng Kinh tế nông nghiệp. Diện tích trồng mía tăng nhanh theo số lượng các nhà máy chế biến mía đường đặt rải khắp các tỉnh.
Một số nông dân sản xuất hữu cơ hiện nhìn nhận sự mở rộng của ngành mía đường như một nguy cơ đối với cộng đồng Amnat Charoen hiện đang ưu tiên nông nghiệp hữu cơ.
Do ngành mía đường nở rộ tại Nam Plik, nông dân sản xuất hữu cơ gần đây đã thành lập một liên đoàn để giữ vững tư tưởng làm nông của họ. “Chúng ta không có chính sách biến toàn bộ ngành nông nghiệp trở thành nông nghiệp hữu cơ, mặc dù nhóm xã hội dân sự này muốn như vậy”, theo lãnh đạo Amnat Charoen Sirirat Chumuppakan phát biểu. “Từ quan điểm của chính quyền địa phương, chúng ta phải xem xét toàn bộ nền kinh tế. Chúng tôi thúc đẩy tất cả các cách tiếp cận sản xuát nông nghiệp mang lại lựa chọn khác cho nông dân để cải thiện sinh kế. Chúng ta không thể chỉ chọn 1 con đường”. Ông cho rằng hữu cơ hay không hữu cơ không thành vấn đề. Mía đường cũng là một trong các lựa chọn. Ông cũng cho rằng không dễ tìm được thị trường cho các sản phẩm nông sản hữu cơ. Phòng nông nghiệp địa phương gần đây cũng phát 5 triệu cây bạch đàn cho nông dân trồng lúa để họ có thêm thu nhập từ bán gỗ.
Cây bạch đàn vốn không phải là loài cây bản địa nhưng đã được trồng trên khắp Thái Lan do chính sách khuyến khích của chính phủ. Theo báo cáo của Onep, nhà máy điện biomass mới tại Nam Plik sẽ sử dụng bạch đàn thay cho nhiệt liệu đốt bã mía.
“Ban đầu, mọi người nói nông nghiệp hữu cơ là không thực tế”, theo Sirisak Tongkeaw, một nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Amnat Charoen cho biết. Nông nghiệp hữu cơ cần rất nhiều sự kiên nhẫn và thâm dụng lao động để bắt vật hai bằng tay thay vì phun thuốc. Nhưng ông tin rằng chất lượng và các sản phẩm thân thiện môi trường cuối cùng sẽ mang lại sinh kế tốt hơn cho nông dân.
Ngoài các vấn đề bất ổn giá và biến đổi khí hậu, nhiều nông dân trồng lúa đang bị thu hút bởi khả năng mang lại thu nhập cao hơn và thu hồi vốn nhanh từ độc canh nông nghiệp. “Để ngăn mọi người theo đuổi hình thức độc canh nông nghiệp như trồng mía, không hề dễ dàng bởi nông dân ngập trong nợ nần và cần có cách để thoát ra ngoài. Những gì họ cần là thu nhập ổn định”, ông Sirisak cho hay. “Nhưng rồi cuối cùng, cuộc sống của họ có tốt hơn không? Liệu họ còn giữ lại chút gì để tiết kiệm? Liệu họ có còn nợ nần không? Nếu câu trả lời là không, họ có thể sẽ phải đối diện với các vấn đề giống nhau bất kể trồng cây gì”.
Mạng lưới Cộng đồng Nông nghiệp Hữu cơ Amnat Charoen mà ông Sirisak là một thành viên, ghi nhận diện tích sản xuất hữu cơ đạt 68.880 rai trong năm 2017 - cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 10.000 rai của các nhà chưc trách địa phương. Diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ được dự báo sẽ tăng lên 100.000 rai trong năm 2018.
Khi nhà máy chế biến gạo mới bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2017, có thể hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại đây sẽ dần phát triển và mọi người sẽ có thêm niềm tin vào nông nghiệp hữu cơ. Có thể nông nghiệp hữu cơ sẽ ngày càng được công nhận, bất chấp những vòng xoáy tăng trưởng nhanh của các cây trồng độc canh.
Theo Bangkok Post
Bình luận