Châu Á Thái Bình Dương sẽ đối mặt với nhiều bão và áp thấp nhiệt đới lớn, khi nhiệt độ toàn cầu đang trên đà tăng do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng, một báo cáo gần đây cảnh báo.
Báo cáo có tên “Khu vực trong vòng rủi ro: Các khía cạnh nhân sinh của Biến đổi khí hậu tại châu Á Thái Bình Dương” (A Region at Risk: The Human Dimensions of Climate Change in Asia and the Pacific) dự báo rằng lượng mưa hàng năm sẽ tăng lên 50% tại hầu hết các khu vực nằm trong kịch bản các điều kiện hiện nay không có gì thay đổi, với những cơn lũ lớn tác động tới sinh kế, phá hủy mùa màng và làm trật bánh con đường tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, một số nước như Pakistan và Afghanistan có thể lại bị giảm lượng mưa đến 20 – 50% kèm theo hạn hán và cạn kiệt các nguồn nước vốn đã khan hiếm. Các khu vực bờ biển và vùng đất thấp sẽ càng bị tăng rủi ro lụt lội. 19/25 thành phố rủi ro nhất trong trường hợp mực nước biển tăng 1m đều năm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương; trong đó 7 thành phố nằm ở Philippines. Indonesia sẽ là nước chịu tác động mạnh nhất của lũ lụt tại các khu vực ven biển, với 5,9 triệu người được cho là sẽ bị tác động hàng năm từ nay đến năm 2100.
Thiệt hại gây ra bởi lũ lụt trên toàn cầu được dự báo tăng lên 52 tỷ USD đến năm 2050 từ 6 tỷ USD năm 2005. 13/top 20 thành phố có mức tăng trưởng thiệt hại gây ra bởi lũ lụt hàng năm cao nhất trong giai đoạn 2005 – 2050 là tại châu Á Thái Bình Dương: Quảng Châu, Thâm Quyến, Thiên Tân, Trạm Giang và Hạ Môn tại Trung Quốc; Mumbai, Chennai-Madras, Surat và Kolkata tại Ấn Độ, Hồ Chí Minh, Jakarta, Bangkok và Nagoya.
Biến đổi khí hậu cũng sẽ tác động đến sản xuất thực phẩm, làm giảm nguồn cung, đẩy giá tăng và gây ra khủng hoảng thiếu thực phẩm tại một số nước, có thể kích hoạt bất ổn chính trị - xã hội. Tại một số vùng tại Nam Á, năng suất lúa có thể giảm tới 50% đến năm 2100 nếu không có các biện pháp thích ứng được triển khai.
Thiếu hụt thực phẩm sẽ làm tăng số trẻ em suy dinh dưỡng thêm 7 triệu trẻ tại Nam Á, nơi chi phí nhập khẩu có thể tăng từ 2 tỷ USD/năm lên 15 tỷ USD/năm đến năm 2050 các hàng hóa thực phẩm.
Báo cáo cũng cảnh báo tất cả hệ thống rặng san hô tại Tây Thái Bình Dương, vốn rất quan trọng cho hệ sinh thái biển và thủy sản, sẽ bị phá hủy đến năm 2100 nếu nhiệt độ tăng thêm 4 độ C. Ngay cả trong kịch bản tăng 1,5 độ C, 89% các rặng san hô sẽ bị tẩy trắng, tác động nghiêm trọng tới ngành thủy sản và du lịch tại Đông Nam Á.
Biến đổi khí hậu cũng đe dọa sức khỏe cộng đồng rất nghiêm trọng. 3,3 triệu người chết hàng năm do tác động của ô nhiễm không khí, nghiêm trọng nhất là tại Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Số người chết liên quan tới nắng nóng tại khu vực này cũng được dự báo sẽ tăng khoảng 52.000 người đến năm 2050 do biến đổi khí hậu, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Số người chết liên quan tới các bệnh lây nhiễm sang người như sốt rét và sốt xuất huyết có thể cũng tăng.
Theo Bangkok Post
Bình luận