Các nhà kinh tế cho rằng nông dân cần giảm phụ thuộc vào sản xuất lúa để hồi sinh ngành nông nghiệp Campuchia.

Ở đỉnh điểm của thời kỳ Khmer Đỏ tại Campuchia, một khi các thành phố không còn ai sinh sống và các cánh đồng xác xơ tại một đất nước đang bị xé tan tành, Pol Pot đã có một kế hoạch. Mơ mộng về các cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay và sản lượng vô cùng lớn của một đế chế Khmer, kẻ gây ra cái chết của gần 2 triệu đồng bào của ông ta đã mơ về một nước Campuchia trù phú nhất Đông Nam Á. Ông ta đặt ra hạn ngạch sản xuất lúa gạo phải gấp 3 lần so với thời bình. Mục tiêu này đã không bao giờ đạt được.

Trong nhiều thế kỷ, gạo là xương sống của toàn bộ ngành nông nghiệp Campuchia. Nhưng khi giá gạo thế giới giảm và các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam huy động nguồn lực tự nhiên và nhân lực rất lớn để thúc đẩy sản xuất lúa gạo, các chuyên gia cho rằng Campuchia cần chuyển đổi sang các hoạt động nông nghiệp khác sinh lời hơn, thay vì phụ thuộc vào loại cây trồng đã từng là trụ cột cho sự thịnh vượng lẫn suy vong của một quốc gia.

Guillaume Virag, đồng sáng lập kiêm CEO của Project Alba, một doanh nghiệp xã hội vì lợi nhuận đang hợp tác với nông dân sản xuất nhỏ tại các nước đang phát triển, cho rằng ngành nông nghiệp từng phát triển rực rỡ của Campuchia đang bị kẹt giữa cuộc cạnh tranh với các nước láng giềng phát triển hơn khi cố gắng tập trung vào sản xuất một số nông sản thiết yếu. “Campuchia đang trong giai đoạn quan trọng đối với ngành nông nghiệp. Các kỹ thuật thủy lợi, làm đất, chiến lược đất là các vấn đề lớn, bởi mọi người đều tập trung trồng lúa đời này qua đời khác, trong khi phải cạnh tranh với Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc – đều là những nước phát triển hơn nhiều về nông nghiệp. Vấn đề là chi phí – rất nhiều đầu vào nông nghiệp vốn không hề rẻ và Campuchia hiện chỉ có khả năng cạnh tranh tốt ở rất ít mặt hàng nông sản trên thị trường quốc tế”.

Không đâu thiếu khả năng cạnh tranh một cách rõ ràng hơn ngành lúa gạo Campuchia – vốn vẫn chiếm một lượng lớn trong xuất khẩu nông sản của Campuchia. Bất chấp việc xuất khẩu được gần 300.000 tấn gạo trong 6 tháng đầu năm 2017 – tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2016 – cơ sở hạ tầng yếu kém và chi phí năng lượng cao đang khiến giá gạo trắng của Campuchia luôn cao hơn các đối thủ cạnh tranh là Thái Lan và Việt Nam. Campuchia cũng chật vật tiến gần đến mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo hàng năm của chính phủ nước này.

Dù vậy, nông dân quy mô nhỏ tại Campuchia vẫn tiếp tục dựa vào lúa gạo làm hoạt động sản xuất chủ đạo. Ông Jun Arii, giám đóc hội đồng của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Campuchia và một người ủng hộ nhiệt thành cho đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, cho rằng tăng sản xuất lúa gạo không phản ánh nhu cầu của Campuchia. “Vấn đề không phải là mở rộng sản xuất gạo hay tăng cường xuất khẩu gạo. Vấn đề là cố gắng tìm ra các cây trồng thay thế cho lúa gạo để tối đa hóa lợi nhuận cho nông dân và – xét đến vấn đề an ninh lương thực – thì khoảng 4 triệu tấn gạo là đã đáp ứng tốt nhu cầu nội địa của Campuchia”. Dự báo từ FAO cho rằng thời tiết thuận lợi trong năm 2017 sẽ đẩy sản lượng gạo của Campuchia sẽ vượt 10 triệu tấn – tăng nhẹ so với năm 2016.

Diện tích trồng lúa chiếm 2/3 – 3/4 tổng diện tích đất canh tác của Campuchia. Thực tế là khách du lịch chẳng còn mấy ngạc nhiên trước những cánh đồng lúa rộng bao la dọc các đường cao tốc của quốc gia này. Năm 2013, tổng diện tích trồng lúa tại Campuchia là hơn 3 triệu ha, so với diện tích loại ngũ cốc sản xuất lớn thứ 2 là ngô chỉ có chưa đến 240.000ha. Theo ông Virag của Project Alba, trọng tâm của chính phủ là cải thiện điều kiện sống cho nông dân trồng lúa vốn dễ hiểu về mặt chính trị - khi chỉ mới tháng trước, chính phủ Campuchia bơm thêm 80 triệu USD vào ngành này để giữ giá ổn định.

“Nếu bạn ở Campuchia, trồng lúa dễ mang lại chiến thắng chính trị. Nếu bạn có thể cải thiện bất cứ điều gì liên quan đến sản xuất lúa gạo, bạn sẽ có ảnh hưởng vô cùng lớn. Đó là lý do vì sao chính phủ đặt trọng tâm lớn vào ngành này – khi có một cơ sở vững chắc trong sản xuất lúa gạo, bài toán tương đối đơn giản: mang những nhà chế biến vào hoạt động, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đảm bảo là có hợp đồng sản xuất được thực hiện để cải thiện giống và kỳ vọng sẽ thu được sản lượng lớn”.

Đối với Thái Lan và Việt Nam, các nước tương đối phát triển hơn Campuchia, các kế hoạch thâm canh sản xuất lúa được hỗ trợ bởi lực lượng lao động lớn và cơ sở hạ tầng tốt hơn. Ông Arii cho rằng thay vì mù quáng bám đuổi các nước láng giềng, Campuchai có thể làm tốt hơn nếu theo đuổi con đường của chính mình để tham gia vào nông nghiệp toàn cầu. “Tạo lập đường hướng cho chính mình quan trọng hơn, thay vì thâm dụng lao động, sản xuất lớn – chúng ta có thể nhường điều đó cho Thái Lan hay Việt Nam”, ông Arii phát biểu. “Campuchia vẫn có thể tự tìm ra con đường của mình để thành công”.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Campuchia, nước này nhập khẩu khoảng 200 – 400 tấn rau hàng ngày từ các nước láng giềng – chiếm đến 80% tiêu dùng nội địa. Theo ông Yang Saing Koma, nguyên chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Campuchia, chỉ bằng cách xây dựng các chuỗi cung ứng nội địa có lợi nhuận cao thì Campuchia mới có thể vượt qua các đối thủ cạnh tranh. “Ngay cả nếu chúng ta tiếp tục trồng lúa, chúng ta cần tập trung vào gạo hữu cơ và gạo chất lượng cao cấp”, ông nói. “Ý tưởng của tôi là ban đầu, chúng ta tập trung vào thay thế hàng nhập khẩu, sau đó là xuất khẩu các sản phẩm độc đáo, chất lượng cao – gạo hữu cơ, gạo cao cấp, hạt tiêu, cà phê Mondulkiri. Có rất nhiều sản phẩm độc đáo mà chúng ta phải phát triển”.

Đối với một số loại nông sản, như hạt tiêu chất lượng cao trồng tại miền Nam Campuchia như hạt tiêu Kampot, đang được ưa chuộng trong các thực đơn cao cấp, nhiều nhóm nông dân đã được hưởng lợi từ xuất khẩu loại hạt tiêu cao cấp này. Và khi Virag đề xuất rằng nông dân có diện tích canh tác lớn nên tiếp tục đầu tư vào các hoạt động sản xuất có khả năng cơ giới hóa cao để giảm chi phí lao động – như các loại ngũ cốc có lợi thế trong điều kiện cơ sở hạ tầng hiện tại. “Quy mô sản xuất trung bình tại Campuchia là 0,5ha. Nếu bạn có mảnh ruộng nhỏ, bạn phải sản xuất cây trồng giá trị cao nếu muốn cải thiện thu nhập về dài hạn. Chuyển một phần hoạt động sản xuất sang rau quả, ví dụ như các loại gia vị, trái cây hay bất cứ cây trồng gì mang lại giá trị trên mỗi m2 cao hơn trồng lúa”.

Ngành nông nghiệp Campuchia sẽ phụ thuộc nặng nề vào hoạt động sản xuất nông nghiệp xóa đói giảm nghèo trong những năm tới, mặc dù tăng công nghiệp hóa và hiện đại hóa là một khuynh hướng khó lòng bỏ qua. Đối với Koma, một sự chuyển đổi không thể đảo ngược của tích tụ ruộng đất để hoạt động sản xuất quy mô lớn, thương mại là thách thức lớn của ngành. “Trong 10 – 15 năm tới, chúng ta có thể chứng kiến khoảng 20 – 25% nông dân Campuchia tiếp tục hoạt động sản xuất thương mại, chứ không còn 70 – 80% như hiện nay”, ông nói. “Số lượng nông dân đang giảm nhưng trở nên năng suất hơn, cạnh tranh hơn và định hướng thị trường hơn. Chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển sản xuất quy mô vừa và lớn các sản phẩm giá trị cao như sầu riêng, hạt tiêu – là các hoạt động sản xuất thâm dụng vốn nhiều hơn”.

Một áp lực lớn hơn là cuộc chiến chung mà nông dân toàn Đông Nam Á phải đối mặt: đô thị hóa. Quá trình này đang thu hút ngày càng nhiều lao động trẻ ra khỏi các vùng nông thôn và tìm đến những nơi có điều kiện sống hấp dẫn hơn. Mey Kalyan, một nhà tư vấn cấp cao tại Hội đồng Kinh tế Tối cao Quốc gia và chủ tịch Royal University of Phnom Penh, cho biết những người Campuchia trẻ đang rời các vùng nông thôn để tới làm việc ở các khu vực dọc biên giới Thái Lan và tại các nhà máy xung quanh Phnom Penh. “Càng sản xuất nhiều lúa gạo, chúng ta càng nghèo”, ông Mey Kalyan phát biểu. “Tôi tính sơ bộ rằng với số tiền một công nhân bình thường làm việc ở một nhà máy dệt may thì nông dân phải canh tác lúa trên diện tích 6ha mới đạt được. Liệu bạn và tôi có thể làm được như vậy không? Đó là công việc tốn mồ hôi nước mắt. Thật không đáng để làm thế và đó là lý do vì sao trồng lúa không hấp dẫn lao động trẻ”.

Mặc dù các chỉ trích về vấn đề lao động cho rằng lương tối thiểu vẫn quá thấp để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của công nhân, lương tối thiểu bắt buộc theo tháng tại Campuchia đã tăng hơn gấp 2 lần trong 6 năm qua nhưng chỉ đạt 150 USD/tháng. Ngược lại, lương trung bình hàng tháng của nông dân trồng lúa dao động trong khoảng 50 – 100 USD, Đối với một quốc gia có nền kinh tế chi phổi bởi nông nghiệp, ông Virag cho rằng đây là một sự thay đổi lớn. “Khi bạn xem xét vận động của dân số, đặc biệt là những bạn trẻ, có một xu hướng rời bỏ ngành nông nghiệp rất mạnh”, nhấn mạnh rằng ước tính 80% hộ gia đình phụ thuộc vào nguồn thu nhập nông nghiệp là con số lỗi thời. “Nếu bạn thực sự nhận định tình hình hiện tại thì con số này chỉ vào khoảng 40%”.

Với hơn một nửa dân số Campuchia hiện đang sử dụng điện thoại thông mình, thế hệ trẻ và bố mẹ của họ đang mất đi kết nối và tình trạng này đang ngày càng diễn biến sâu rộng. Về cơ bản, ông Kalyan cho rằng những lao động mới trong lực lượng lao động không thể bị đổ lỗi cho việc tìm kiếm một sinh kế ổn định hơn công việc đồng áng. “Mọi người đều tìm kiếm các cơ hội – một số tốt, một số không và chỉ phục vụ mục đích ngắn hạn. Nhưng mọi người vẫn nghèo và đều mưu cầu tìm cách cải thiện đời sống… Khuynh hướng này khó mà ngừng được. Thay vào đó, tôi nghĩ rằng chúng ta cần khiến cho Campuchia trở thành một nơi hấp dẫn hơn đối với người dân”.

Các chương trình như Cambodia Harvest của USAID và Project Alba của Virag đặt ra cùng mục tiêu trên. Tính đến năm 2013, có hơn 10.000 hộ gia đình đã đa dạng hóa hoạt động sản xuất nông nghiệp với sự hỗ trợ của dự án Cambodia Harvest. Ông Virag cũng tuyên bố 500 nông dân sản xuất nhỏ tại Kampot và Takeo cũng đã tăng gấp đôi thu nhập nhờ vào đa dạng hóa sản xuất, đầu tư vào hệ thống tưới nhỏ giọt và trang thiết bị hiện đại và tham gia hợp đồng nông nghiệp, bán với mức giá định trước.

Ông Kalyan cho rằng thay đổi này không thể đạt được chỉ dựa vào khu vực tư nhân hoặc hỗ trợ quôc tế. “Vấn đề chính, chính, chính tại Campuchia là, ví dụ, nếu tôi là nông dân và tôi muốn chuyển từ sản xuất gạo sang hạt tiêu – nhưng liệu tôi có nhận được đủ hỗ trợ? Đủ kiến thức kỹ thuật để chuyển đổi? Điều này rất khó. Chính phủ có vai trò trong vấn đề này và tôi nghĩ rằng chính phủ Campuchia đang không hành động đủ để giúp sự thay đổi này đạt được mục tiêu trên”.

Ông Koma lập luận rằng chính phủ cần hỗ trợ thêm cho nghiên cứu và phát triển, công nghệ, quản lý chất lượng và chứng nhận là các vấn đề cấp thiết, đồng thời nông dân cần tổ chức thành nhóm để đối phó với cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường quốc tế. “Nông dân chúng tôi cần hỗ trợ để được tổ chức bởi chỉ một tổ chức nông dân mạnh thì mới có thể cạnh tranh trên thị trường. Quy mô sản xuất lớn để có thể tiếp cận vốn, lãi suất thấp. Lãi suất cho các nông dân quy mô nhỏ cao gấp đến 3 lần so với nông dân quy mô lớn”.

Về cơ bản, ông Kalyan cho rằng ngành nông nghiệp Campuchia sẽ phát triển không phải nhờ vào quy mô, mà nhờ vào chiến lược. “Campuchia không cần làm sản xuất lớn – số 10 hay số 5 thế giới, chúng ta không thể làm vậy. Chúng ta phải tập trung vào các thị trường ngách, không trọng về số lượng vì chúng ta không thể cạnh tranh bằng lượng. Nhưng chúng ta phải làm ra những sản phẩm thật tốt, có tính linh động cao, có đổi mới sáng tạo và rõ ràng về quyền sở hữu”.

Theo Sea-Globe
Admin

Giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong 19 tháng, sức cạnh tranh tăng

Bài trước

Thái Lan vượt Việt Nam về giá gạo xuất khẩu cao nhất thế giới

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Ngũ cốc