Đồng sáng lập Alibaba Jack Ma tuyên bố sầu riêng và các nông sản Thái Lan khác sẽ được chào bán rộng rãi trên các sàn giao dịch thương mại điện tử của tập đoàn này.

Ông Jack Ma cho biết tập đoàn Alibaba sẽ đầu tư ít nhất 3 tỷ USD (93,5 tỷ Baht) vào Thái Lan trong 5 năm tới khi tập đoàn thương mại điện tử lớn này của Trung Quốc đang tìm cách tận dụng lợi thế của các sàn giao dịch và các dịch vụ tài chính cho nông dân và những đối tượng chưa được phục vụ hiệu quả trong xã hội Thái Lan. Khi được hỏi về tổng đầu tư của Alibaba vào Thái Lan trong 5 năm tới, chủ tịch điều hành kiêm đồng sáng lập tập đoàn trả lời: “Tôi đã nói với CEO của tập đoàn, đừng bao giờ nghĩ mức đầu tư sẽ dưới 3 tỷ USD. Tổng đầu tư hiện nay chỉ ở mức 11 tỷ Baht nhưng là giai đoạn đầu tiên và đây là một lời cam kết dài hạn. Chúng tôi rất hào hứng trước triển vọng Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) và chiến lược Thailand 4.0”.

Alibaba đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) vào ngày 19/4 với một số cơ quan chính phủ Thái Lan với tổng giá trị 11 tỷ Bath. Hoạt động đầu tư này nhằm mục tiêu khuyến khích nông dân Thái Lan cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) bán các sản phẩm của họ tại các sàn thương mại điện tử của Alibaba, xúc tiến ngành du lịch Thái Lan và phát triển một “trung tâm số hóa thông minh” trong EEC, mặc dù các chi tiết của dự án cuối cùng này vẫn chưa được thảo luận. “Ngoài thương mại điện tử, chúng tôi đang chú ý tới ngành du lịch theo nhu cầu, logistics và các cơ hội dịch vụ tài chính tại Thái Lan”.

Khoản đầu tư này là động thái mới nhât trong danh sách các mục tiêu hoạt động chiến lược có tính toán để tăng cường vị thế của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Tháng 3/2018, Alibaba đã thông báo sẽ nâng gấp đôi mức đầu tư vào doanh nghiệp thương mại điện tử tầm cỡ khu vực là Lazada lên 4 tỷ USD.

Năm 2017, gần 1,3% lao động Trung Quốc làm việc trong khu vực thương mại điện tử và đây không chỉ là hiện tượng diễn ra ở thành thị. Hơn 1.500 ngôi làng tại Trung Quốc có thu nhập thêm 1,6 triệu USD thông qua bán hàng trên chợ Taobao của Alibaba, và hơn 10% dân số Trung Quốc đang tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử.

Một mô hình tương tự sẽ giúp nông dân Thái Lan hướng đến sản xuất – kinh doanh các nông sản lợi nhuận biên cao hơn, như trái cây và rau hữu cơ, ban ở thị trường nước ngoài thay vì sản xuất hàng hóa chỉ dành cho tiêu thụ nội địa. “Trong tương lai gần, 80% doanh nghiệp SMEs sẽ vận hành trên phạm vi toàn cầu thông qua các nền tảng trực tuyến”, ông Ma tuyên bố. “Các công ty chỉ vận hành tại địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn để sống sót”.

Thương mại xuyên biên giới là hoạt động liên tục của hệ sinh thái thương mại điện tử của Thái Lan nhiều năm qua, khi hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa mua trên các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc để bán tại thị trường Thái Lan. Hiện các sản phẩm Thái Lan cũng đang nhanh chóng thâm nhập vào thị trừng nước ngoài thông qua các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc. Trong 2 ngày vừa qua, hơn 60.000 trái sầu riêng Thái Lan đã được bán thông qua trang Tmall.com của Alibaba. Sàn này cũng vừa khai trương Cửa hàng gạo Thái Lan. Trong tương lai, gạo và các nông sản dư thừa của Thái Lan sẽ tìm thấy thị trường tại Trung Quốc, ông Ma lạc quan nhận định. “Trung Quốc sẽ nhập khẩu hơn 8.000 tỷ USD hàng năm trong 5 năm tới”.

Mặt khác, Trung Quốc có 300 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, đủ tiền mua các hàng hóa đặc sản của Thái Lan và con số này sẽ tăng lên 500 triệu người trong 10 – 15 năm tới, ông Ma nhận định. Đồng thời, ông cho rằng việc Alibaba phát triển kinh doanh tại Thái Lan cũng rât tiềm năng khi hàng năm Thái Lan có tới hơn 10 triệu khách du lịch.

Làm kinh doanh thông qua các nền tảng trực tuyến có thể mang lại cho nông dân và SMEs hiệu quả theo quy mô và khả năng tiếp cận nguồn vốn. Các dịch vụ tài chính là một phần không thể thiếu trong chiến lược của Alibaba lên tới 15 năm.

Tại Trung Quốc, công ty con Alipay có thị phần 53%, theo hãng tư vấn Analysys International cho hay. Tại Thái Lan, công ty này nắm 20% trong Ascend Corp của CP, một dịch vụ ví điện tử và cho vay vi mô dành cho các cộng đồng dân cư không được tiếp cận tài chính đầy đủ.

Bắt chặt tay với chính phủ

Sự rút lui gần đây của Lucy Peng, cựu chủ tịch Ant Financial, chuyển sang làm lãnh đạo công ty con Lazada của Alibaba, có thể phát đi tín hiệu cho thấy tham vọng thúc đẩy thương mại điện tử và các dịch vụ tài chính của tập đoàn này trong khu vực.

Ông Ma gạt đi những cáo buộc rằng các khoản đầu tư của ông tại Malaysia và Thái Lan là cách để mở rộng đế chế thương mại điện tử của ông và giúp tập đoàn đạt vị thế gần như độc quyền trong khu vực. Nền tảng trực tuyến, theo mô tả của ông Ma thì giống như một Tổ chức Thương mại Thế giới, tìm cách “đơn giản hóa các quy định, hạ thấp các hàng rào gia nhập các thị trường mới và cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ cơ hội tiếp cận vốn”. “Chúng tôi không có năng lực độc quyền hóa thương mại, và không thể nào độc quyền hóa thị trường số”, ông Ma phát biểu. “Tôi từng bị nghi ngờ và chỉ trích suốt 19 năm qua. Bạn không thể thoát khỏi bị chỉ trích khi làm kinh doanh. Chúng tôi không có ý định chiễm lĩnh Thái Lan và tước đi công ăn việc làm. Chúng tôi quan tâm đến việc hỗ trợ các doanh nhân”.

Alibaba đang bắt chặt tay với chính phủ Thái Lan, khi các cáo buộc về khả năng độc quyền nổi lên trong số các nhà lãnh đạo đất nước. Ông Ma chối bỏ việc tập đoàn ông đang tìm kiếm các đặc quyền. “Chúng tôi không yêu cầu các chính sách đặc quyền. Alibaba không cần các đặc quyền, nhưng các công ty vừa và nhỏ thì đang tìm cách xuất khẩu toàn cầu”.

Những lo ngại về độc quyền

Pawoot Pongvitayapanu, chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Thái Lan, cho rằng chính phủ nên tiến hành phân tích tác động về các hiệu ứng của khoản đầu tư từ Alibaba, được cho là sẽ đưa tập đoàn này thâm nhập sâu vào bán lẻ trực tuyến, thanh toán và logistics.

SMEs Thái Lan có thể xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua các nền tảng trực tuyến nhưng họ cũng có thể bán các sản phẩm Trung Quốc tại Thái Lan qua Lazada. “Một tay độc quyền Trung Quốc là mối lo ngại cho các nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ Thái Lan. SMEs Thái Lan sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc bán trực tuyến, vốn bị áp ít thuế và không sử dụng trung gian phân phối”.

Ông Pawoot cho rằng các nhà làm chính sách cần tìm cách tăng cường năng lực cho các SMEs nội địa và các doanh nghiệp thương mại điện tử nội địa. Các chính sách thuế thương mại điện tử hiện đang có lợi cho các nhà quản lý thương mại điện tử nước ngoài nhưng gây thiệt hại cho các doanh nhân thương mại điện tử nội địa – những người đang phải trả thuế doanh nghiệp, ông cho biết.

Theo Bangkok Post
Admin

Alibaba tiếp tục “o bế” mạnh cho trái cây Thái Lan

Bài trước

Những tài xế giao đồ ăn nhảy múa với tử thần để làm giàu cho Alibaba và Tencent

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Đầu tư