0

Ngay khi bạn nghĩ rằng đã tới lúc lãi suất chuẩn bị đạt đỉnh thì hàng loạt tin tức tồi tệ khác xuất hiện. Có vẻ hiện tượng thời tiết El Nino đã chính thức quay trở lại, theo cả Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ lẫn Cơ quan Khí tượng Thủy văn Úc. Hiện tượng thời tiết này thường dẫn tới hoặc làm mạnh lên các đợt lũ, các đợt nóng, tình trạng thiếu nước và cháy rừng, đặc biệt là tại Nam bán cầu. Thiệt hại gây ra cho mùa màng và cơ sở hạ tầng là các yếu tố châm ngòi lạm phát, gây áp lực cho các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ. Nếu biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết đó trở nên mạnh hơn và thường xuyên hơn thì các cú shock cung sẽ trở nên dai dẳng.

El Nino năm 2023 đang có khả năng phá vỡ nhiều kỷ lục. Hiện tượng này hình thành khi nhiệt độ bề mặt khu vực trung và đông Thái Bình Dương cao hơn ít nhất 0,5 độ C so với trung bình, làm yếu đi hoặc đảo ngược các luồng gió mậu dịch. Đợt El Nino mạnh nhất cho tới nay ghi nhận vào năm 2016, khi nhiệt độ bề mặt biển cao hơn trung bình tới 2,6 độ C; mức chênh lệch này có thể lên tới 3,2 độ C vào tháng 11/2023, theo dự báo mới nhất của Cơ quan Khí tượng Thủy văn Úc.

Cho tới nay, các nhà giao dịch tập trung vào một số loại hàng hóa nhiều khả năng chịu tác động mạnh nhất của El Nino. Giá gạo tương lai chạm mức cao nhất trong 15 năm vào tháng 6 vừa qua, ngoại trừ đợt tăng phi mã trong đại dịch 2020. Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam – 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất – đều ghi nhận mức nhiệt độ cao gần chạm ngưỡng kỷ lục trong năm nay và có xu hướng chịu tác động tiêu cực bởi thời tiết nóng hơn, khô hơn do El Nino. Lo ngại tình trạng thiếu nước, tháng 5/2023, chính phủ Thái Lan yêu cầu nông dân chỉ trồng 1 vụ lúa, thay vì 2 vụ lúa trong năm 2023. Việt Nam vốn đã trong tình trạng hạn hán, gây tác động lên năng suất cây cà phê. Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu cà phê Robusta – loại cà phê sử dụng chủ yếu cho sản xuất cà phê hòa tan cũng như chiếm khoảng 15% trong các công thức phối trộn cho pha cà phê espresso. Tuần trước, giá cà phê robusta tương lai chạm mức cao nhất kể từ khi chỉ số này ra đời năm 2008, tăng tới 60% chỉ trong năm 2023.

Một khi xảy ra, một sự kiện El Nino riêng lẻ có vẻ trong tầm kiểm soát. Hiện tượng này có thể đẩy giá dầu tăng gần 14% và giá các hàng hóa phi năng lượng tăng hơn 5% trong vòng 1 năm xảy ra sự kiện, theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF năm 2015. Nhưng đợt tăng lớn nhất của tỷ lệ lạm phát nói chung trong giai đoạn 12 tháng chỉ khoảng 1 điểm phần trăm và giới hạn ở một số nước có rủi ro cao nhất như Brazil, Indonesia và Mexico, theo phân tích của IMF kết luận. Các nhà nghiên cứu tại đại học Dartmouth năm 2023 đã kéo dài thời gian và ước tính rằng El Nino năm 1998 – đợt mạnh thứ 2 trong lịch sử ghi nhận – khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 5.700 tỷ USD tính theo đồng đôla 2017, trong vòng 5 năm.

Phần lớn đã thay đổi kề từ khi đó. Đầu tiên, thế giới đang ấm lên: 8 năm kể từ khi công bố nghiên cứu của IMF cũng là 8 năm nóng nhất từng được ghi nhận – kể cả khi nhiệt độ tại Thái Bình Dương mát đi từ năm 2020 khi hiện tượng La Nina – đối nghịch với El Nino – xuất hiện. Mặt khác, sự ấm lên toàn cầu khiến tình trạng khô hạn tại một số khu vực của châu Âu, Trung Quốc, Đông Nam Á và mỹ trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong bối cảnh El Nino. Tuy vậy, nó tạo điều kiện cho những đợt lũ lớn hơn vì cứ tăng nhiệt độ 1 độ C, không khí có thể chứa thêm 7% nước. Điều này nghĩa là các mùa màng thường hưởng lợi nhờ El Nino mang tới điều kiện ẩm ướt hơn – như đậu tương Mỹ, vốn thường bị thiệt hại nặng nề do thiếu mưa – hiện đang đối mặt rủi ro ngập lụt lớn hơn.

Châu Đại dương đã cảm nhận một số tác động từ La Nina. Năm thứ hai lụt lội liên tiếp tại Úc khiến lạm phát thực phẩm hàng năm lên tới 9% trong 3 tháng kéo dài tới tháng 9/2022, là mức cao nhất kể từ năm 2006, theo Rabobank. Đồng thời, chỉ số giá rau quả của New Zealand tăng vọt 22% trong tháng 3/2023 so với cùng kỳ năm 2022, một tháng sau khi bão Gabrielle đổ bộ gây thiệt hại. Mưa lớn và sương giá cũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho thu hoạch cà phê Arabica tại nước xuất khẩu các phê hàng đầu thế giới là Brazil và các nước Mỹ Latin khác trong năm 2021 và 2022, đẩy giá cà phê tương lai lên mức cao nhất trong 1 thập kỷ vào thagns 2/2022, kéo theo nhu cầu cà phê Robusta tăng lên.

Tác động trực tiếp của El Nino – và La Nina – lên thời tiết liên quan đến gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch không chỉ là vấn đè kinh tế. Cơ sở hạ tầng có thể bị hư hại hoặc phá hủy: đầu năm 2022, ví dụ, lũ lụt đã cuốn trôi 30km đường sắt vận chuyển thực phẩm tới Tây Úc. Và giá đường tương lai chạm mức cao kỷ lục trong gần 12 tháng vào tháng 6 do những lo ngại về tình trạng dư ẩm quá mức có thể lặp lại tình trạng ngừng việc tới 60% từng xảy ra tại các cánh đồng mía của Brazil vào năm 2016, theo Barclays. Nhưng còn một lý do khác: sự kết hợp của sản xuất vụ trước gây thất vọng và dự báo El Nino gây tình trạng thiếu nước khiến Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới – đã kéo dài lệnh cấm xuất khẩu đường tới năm 2024.

Những ví dụ gần đây về chủ nghĩa bảo hộ nhằm đảm bảo an ninh lương thực đang lan rộng. Năm 2022, chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% lên các loại gạo trắng xuất khẩu khác sau mùa mưa có lượng mưa thấp hơn trung bình, mặc dù lượng dự trữ gạo của nước này vẫn dồi dào, theo Barclays. Các chính sách này kéo dài tới hiện nay. Tháng 4/2022, Indonesia tạm cấm xuất khẩu dầu cọ - nguyên liệu sử dụng trong mọi thực phẩm và hàng hóa khác – do giá dầu thực phẩm nội địa tăng vọt. Không khó để tưởng tượng một đất nước chiếm hơn 50% lượng xuất khẩu dầu cọ toàn cầu, sử dụng El Nino làm cớ để áp các chính sách hạn chế thương mại hoặc các nhà sản xuất nông sản khác có động thái tương tự.

Tất cả các bất ổn này đang là một tổ hợp có khả năng tạo ra các cú shock cung và đẩy giá tăng trong thời gian tới. Nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu sẽ càng khiến tình hình trở nên tồi tệ, theo Tổ chức Khí tượng Thủy văn Thế giới trong tháng 5/2023 cho rằng 98% khả năng trong 5 năm tới sẽ là giai đoạn nóng nhất do sự kết hợp của phát thải khí nhà kính và El Nino. Sau khi chật vật đối phó với cơn bão lạm phát do đại dịch gây ra và cuộc chiến tại Ukraine, các nhà làm chính sách sắp sửa đối diện với một cơn bão kinh tế mới chuẩn bị ập tới.

Theo Reuters

Admin

Giá cà phê cao kỷ lục, các nhà xuất khẩu Việt Nam thua lỗ

Bài trước

Cơ quan dự báo thời tiết Mỹ: Tăng khả năng xảy ra hiện tượng La Nina trong mùa hè 2024

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc