0

Việt Nam, nước sản xuất – xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới – bắt đầu tập trung đẩy mạnh bán hàng trên một thị trường mới – chính là thị trường nội địa.

Với doanh thu xuất khẩu hơn 2,4 tỷ USD trong năm 2022, cá tra là mặt hàng xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam về giá trị, chỉ đứng sau tôm – mặt hàng có giá trị xuất khẩu 4,3 tỷ USD. Phần lớn cá tra được nuôi tại ĐBSCL, miền nam Việt Nam. Bất chấp nhiều thách thức, 400 nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam đã có thành công đáng kinh ngạc với loại cá này và hiện đã xuất khẩu tới hơn 140 nước, với Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản là top 4 thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản đang đặt mục tiêu sản xuất và xuất khẩu cho năm 2023 thấp hơn giữa bối cảnh nhu cầu trên thị trường thế giới yếu đi do chu kỳ lamh phát, chính phủ và ngành cá tra đang hợp tác để thúc đẩy tiêu dùng cá tra trên thị trường nội địa.

Với dân số gần 100 triệu dân và tăng trưởng GDP trung bình hàng năm 6,27% giai đoạn 2000 – 2022, sức mua của thị trường nội địa Việt Nam đang tăng nhanh. Năm 2017, Bộ NNPTNT đã tung ra một chiến dịch kích cầu người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam, và một phần của chiến dịch đó, chính phủ Việt Nam hợp tác với các nhà sản xuất cá tra để tổ chức hàng loạt các đợt khuyến mại tại các siêu thị nội địa, phần lớn ở miền bắc Việt Nam. Sự kiện gần đây nhất trong chiến dịch trên diễn ra vào tháng 12/2022 tại tỉnh Đồng Tháp, tỉnh sản xuất – chế biến cá tra chính của ĐBSCL. Tuy nhiên, cho tới nay, doanh thu cá tra trên thị trường nội địa vẫn chưa đạt mức độ mà chiến dịch kỳ vọng.

Năm 2021, năm gần nhất thống kê thực hiện, Bộ NNPTNT cho biết tiêu dùng nội địa chiếm khoảng 650.000 tấn trong tổng sản lượng 1,6 triệu tấn. Nhưng nghiên cứu gần đây của đại học Cần Thơcho biết 96,25% sản lượng cá tra tại các trại nuôi địa phương được đưa tới các nhà máy chế biến trong vùng, chỉ 3,75% được các thương lái địa phương thu mua để bán trên thị trường nội địa. Và trong số nguồn cung đưa tới các nhà máy chế biến, 94% sản lượng đầu ra dành cho xuất khẩu và chỉ 6% còn lại dành cho thị trường nội địa. Trên thực tế, toàn bộ cá tra được nuôi tại các trại có chứng nhận sinh thái đều được xuất khẩu, với hơn 99% cá tra từ các trang trại có chứng nhận Global GAP được xuất khẩu; trong đó 90,71% được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đối với các trang trại chứng nhận ASC, chiếm 4,53% tổng sản lượng cá tra Việt Nam, chỉ 9,54% sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa, còn 80,71% sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường EU và 5,22% còn lại sang các thị trường khác. Tại các trại nuôi được chứng nhận VietGAP và các cơ chế khác, 1,65% sản lượng được cung cấp cho thị trường nội địa và 98,35% còn lại được cung cấp cho các nhà máy địa phương để chế biến cho xuất khẩu.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất – xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tiêu dùng cá tra trên thị trường nội địa gặp khó khăn trong tiêu thụ do người dân miền Nam thì có nguồn thủy sản dồi dào để lựa chọn, còn người dân miền Bắc lại ưa thích ăn cá tươi hơn so với các sản phẩm đông lạnh như phile cá tra. Hơn nữa, phần lớn các công ty cá tra đều định hướng xuất khẩu nên khó đưa ra các sản phẩm mới phù hợp với khẩu vị tại nhiều vùng miền của Việt Nam. Chi phí vận chuyển nội địa cao cũng gây khó cho các nỗ lực tăng nguồn cung cá tra cho thị trường nội địa. Minh Phú – công ty xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam – đã cho biết cước vận chuyển năm 2018, cho thấy chi phí đưa 1 container tới Mỹ tốn 41 triệu đồng, tương đương 1.752 USD; trong khi đưa 1 container bằng đường bộ từ thành phố Hồ Chí Minh tại miền Nam tới Hà Nội tại miền Bắc tốn tới 80 triệu đồng, tương đương 3.417 USD.

Bất chấp những khó khăn nói trên, một nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam đã cam kết hỗ trợ cho nỗ lực đưa cá tra vào thị trường nội địa. WinMart, hiện chủ yếu thuộc sở hữu của tập đoàn Masan, cho biết doanh thu cá tra tăng khoảng 30% trong 3 năm qua. Công ty đã bán hơn 400 tấn cá tra trên hệ thống bán lẻ 3.200 điểm siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam trong năm 2023, tăng 33,3% so với năm 2022. Cùng với dân số tăng, WinMart dự báo tăng điểm bán lên 5.000 trong năm 2023 và 8.000 đến năm 2025. Theo lãnh đạo WinMart phát biểu trong sự kiện thúc đẩy tiêu dùng cá tra tại tỉnh Đồng Tháp, công ty tiếp tục cam kết đưa cá tra hiện diện trên cả nước.

Theo Seafood Source

Admin

Vì một nền xuất khẩu cá tra bền vững

Bài trước

Trung Quốc không cạnh tranh được với Việt Nam về sản xuất cá tra

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Thủy sản