0

Các nhà chăn nuôi gà nội địa, đặc biệt là các công ty chăn nuôi, đang đối mặt với hàng loạt khó khăn do tác động của các đại dịch, nguồn cung nhập khẩu giá rẻ và dư cung gây ra bởi hoạt động tái đàn quá mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, trả lời VIR cho biết ông nhận được rất nhiều cuộc gọi trong những tuần gần đây từ các đại diện công ty chăn nuôi và các thành viên hiệp hội, than phiền về việc không thể tiêu thụ được gà dù dịp Tết Nguyên đán cận kề. “Các công ty cho biết vào thời điểm này năm 2020, doanh thu rất tốt nhưng hiện có quá nhiều thương nhân đang nhập khẩu gà giá rẻ, ngay cả khi các nhà sản xuất nội địa đang bán ra với giá thấp hơn giá thành”, ông Sơn cho hay.

Ông Sơn cho biết thêm cả doanh nghiệp lẫn hộ chăn nuôi đều không có lời ở mức giá này, trong khi chi phí sản xuất tiếp tục tăng, bao gồm TACN, vắc xin và chi phí nhân công. “Họ đang tìm đến hiệp hội để đề xuất chính phủ có thể ban hành các chính sách điều tiết nguồn cung và giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nội địa”, ông Sơn phát biểu. Gà đông lạnh giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam qua rất nhiều kênh, được tiêu thụ tại các quầy ăn uống và bếp ăn giá rẻ để phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp và tại các siêu thị.

Bà Ngô Thanh, chủ một quầy thực phẩm giá rẻ tại quận Cầu Giấy cho biết bà đã thay thế gà nội địa bằng gà đông lạnh nhập khẩu trong năm 2020 để tiết kiệm chi phí. “Phần lớn khách hàng của tôi là người lao động và sinh viên nên giá bữa ăn phải hợp túi tiền với họ”, bà Thanh cho hay. “Từ khi dịch tả lợn bùng phát tại Việt Nam, giá các nguyên liệu tăng mạnh và gà đông lạnh nhập khẩu là một giải pháp thay thế tốt”.

Tại các siêu thị, gà nhập khẩu rẻ hơn gà nội địa tới 30 – 40%. Ví dụ, tại siêu thị Big C Lê Trọng Tấn (Hà Nội), giá chân gà CP Việt Nam có giá 46.000 đồng/kg. Trong khi đó, đùi tỏi gà nhập khẩu từ Mỹ có giá 40.000 đồng/kg và gà nguyên con giá 58.000 đồng/kg. Trên các mạng xã hội, giá gà thậm chí còn rẻ hơn tại các siêu thị. Gà nguyên con có giá 35.000 đồng/kg, và các phần gà cắt sẵn có giá dao động từ 17.000 – 48.000 đồng/kg. Tại các trại nuôi trong nước, giá gà lông trắng trung bình là 13.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành. Do đó, nông dân đang chịu thua lỗ lớn.

Theo Bộ NNPTNT, cho tới nay, xấp xỉ 2.000 công ty được cấp phép nhập khẩu thịt và các sản phẩm động vật vào Việt Nam, bao gồm 479 công ty từ Mỹ, 172 công ty từ Pháp và 152 công ty từ Việt Nam. Năm 2020, nhập khẩu thịt gà của Việt Nam ước đạt 200.000 tấn và nhập khẩu gà giống đạt hơn 3,4 triệu con. Ông Sơn nhận định rằng triển vọng chăn nuôi gà tại Việt Nam thậm chí còn yếu hơn do các cam kết giảm thuế khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. “Theo lộ trình, thuế nhập khẩu gia cầm sẽ giảm hàng năm và chạm mức 0% trong 7 – 10 năm. Do đó, cạnh tranh giữa thịt gà nội địa và các sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ chắc chắn sẽ ngày càng khốc liệt”, ông Sơn cho hay.

Cùng với yếu tố hàng hóa nhập khẩu, việc tái đàn quy mô lớn là một nguyên nhân khác dẫn tới dư cung, gây thiệt hại cho chính ngành chăn nuôi gà nội địa. Ông Sơn cho hay hàng loạt các thành viên của hiệp hội báo cáo tỷ lệ tái đàn lên tới 30% so với năm trước, với một công ty thậm chí nâng công suất nuôi từ 35 triệu con lên 100 triệu con chỉ riêng trong năm 2020. Sản lượng thịt gia cầm Việt Nam hiện đứng trong top 10 thế giới, với tổng cộng 520 triệu con gà hàng năm. “Theo thống kê không chính thức của hiệp hội, tổng nguồn cung thịt gà năm 2020 tăng 18 – 20% so với năm 2019. Đồng thời, nhu cầu giảm từ đầu năm do COVID-19 tác động tới hoạt động của các trường học và nhà máy. Ngoài ra, ngành du lịch vẫn chưa phục hồi, tác động tiêu cực lên doanh số thịt gà”.

Ông Vũ Mạnh Hùng, tổng giám đốc tập đoàn Hùng Nhơn, cũng nhấn mạnh rằng các nhà chăn nuôi gà đang thua lỗ nghiêm trọng do dư cung, với nguyên nhân là cả các hộ gia đình chuyển sang chăn nuôi gia cầm và các công ty chăn nuôi mở rộng chăn nuôi gia cầm khi dịch tả lợn vẫn chưa được khống chế. “Thiếu chiến lược phát triển cụ thể và các cơ chế quản lý khiến nguồn cung rơi vào tình trạng bất ổn. Do đó chính phủ và Bộ NNPTNT đều gặp nhiều khó khăn trong ban hành các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi gà”, ông Hùng cho hay.

Ông Hùng cho biết thêm Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác như Hà Lan, xây dựng các kế hoạch chăn nuôi với quy mô chăn nuôi cụ thể đối với từng trại nuôi. “Nếu các trại nuôi muốn tăng quy mô thì họ phải đàm phán với các trại nuôi hác. Điều này giúp nguồn cung ổn định và giúp chính phủ dễ ban hành các chính sách để kiểm soát các sản phẩm nhập khẩu”.

Theo VNS

Admin

Tình hình nông nghiệp – thực phẩm hậu COVID-19 tại Trung Quốc

Bài trước

Dữ liệu container cho thấy kỳ vọng phục hồi nhu cầu khi Trung Quốc mở cửa và bình ổn giá vận chuyển

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Thịt