Thực phẩm và Đồ uống

Giá thực phẩm thế giới tăng mạnh trong tháng 4, sản lượng ngũ cốc dự báo tăng

Giá thực phẩm toàn cầu tăng khoảng 1,5% trong tháng 4/2019, với mức tăng mạnh đối với giá sữa và giá thịt, giúp bù đắp suy giảm giá ngũ cốc, theo cập nhật mới nhất của FAO.

Chỉ số giá thực phẩm của FAO (FFPI) tăng lên khoảng 170 điểm trong tháng 4/2019, cao hơn 1,5% (2,5 điểm) so với tháng 3 và là mức cao nhất kể từ tháng 6/2018. Ở mức này, FFPI vẫn thấp hơn 2,3% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoại trừ chỉ số giá ngũ cốc, tất cả các chỉ số giá hàng hóa thành phần đều tăng trong tháng 4 vừa qua, dẫn đầu là các sản phẩm sữa và thịt, và ở mức tăng nhẹ hơn là các loại dầu thực vật và đường.

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đạt trung bình 160 điểm trong tháng 4, giảm 2,8% (4,7 điểm) so với tháng 3 và thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số giá ngũ cốc đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp, chủ yếu do nguồn cung khả dụng dồi dào và thương mại chậm lại. Trong số các loại ngũ cốc, giá lúa mỳ giảm mạnh nhất trong tháng 4, chủ yếu do triển vọng nguồn cung năm 2019 tăng mạnh, trong khi nguồn cung khả dụng xuất khẩu vẫn lớn. Giá ngô cũng giảm, chủ yếu do dự báo sản lượng ngô Nam Mỹ tăng. Ngược lại, chỉ số giá gạo của FAO ổn định trong tháng 4 do các xu hướng thương mại trái chiều ở các phân khúc thị trường và xuất xứ khác nhau.

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đạt trung bình 128,7 điểm trong tháng 4, tăng 1,1 điểm (0,9%) so với tháng 3. Chỉ số giá này tăng chủ yếu phản ánh giá dầu cọ và giá dầu đậu tương tăng. Giá dầu cọ quốc tế đảo chiều tăng giá phần nào do nhu cầu nhập khẩu thế giới tăng, cộng với tồn kho giảm tại các nước xuất khẩu chính. Giá dầu đậu tương tăng giá chủ yếu do nhu cầu nội địa cao tại Mỹ, dùng cho cả ngành nhiên liệu sinh học và ngành thực phẩm. Giá dầu thô tăng cũng hỗ trợ đà tăng giá của các giá dầu thực vật quốc tế.

Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 215 điểm trong tháng 4, tăng 10,7 điểm (5,2%) so với tháng 3, là tháng tăng giá thứ 4 liên tiếp. Trong tháng 4, giá bơ, sữa bột nguyên kem (WMP) và giá phô mai đồng loạt tăng, do nhu cầu nhập khẩu thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao trước triển vọng nguồn cung khả dụng xuất khẩu sẽ giảm do các điều kiện thời tiết khô hạn tại châu Đại dương gây ra tình trạng suy giảm sản lượng sữa theo mùa. Ngược lại, giá sữa bột gầy (SMP) giảm tháng thứ 2 liên tiếp kể từ mức cao đạt được hồi tháng 2, chủ yếu do nhu cầu tiếp tục giảm.

Chỉ số giá thịt FAO đạt trung bình 169 điểm trong tháng 4, tăng 4,9 điểm (3%) so với tháng 3, là tháng thứ hai tăng giá liên tiếp, với giá thịt lợn và thịt bò tăng, ở mức tăng nhẹ hơn là giá thịt gia cầm và giá thịt cừu. Giá thịt lợn quốc tế tăng mạnh do nhu cầu nhập khẩu tăng tại châu Á, chủ yếu tại Trung Quốc, do sản lượng thịt lợn nước này giảm nhanh khi dịch tả lợn gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi lợn nước này. Giá thịt bò, thịt gia cầm và thịt cừu đều tăng, phản ánh nguồn cung trên các thị trường thịt này giảm.

Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 181,7 điểm trong tháng 4/2019, tăng gần 1,4 điểm (0,8%) so với tháng 3 và cao hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2018. Giá đường quốc tế tăng chủ yếu do giá dầu thô tăng. Giá dầu thô mạnh lên giúp đẩy giá đường quốc tế do tác động tới quyết định sản xuất- xuất khẩu đường của Brazil ra thị trường thế giới. Giá dầu thô tăng khuyến khích các nhà chế biến sử dụng đường vào sản xuất ethanol cho tiêu dùng nội địa. Ở một diễn biến khác, đồn Real Brazil yếu đi so với đồng USD làm giới hạn biên độ tăng giá đường quốc tế.

Theo FAO
Admin

Chỉ số giá thực phẩm FAO tăng điểm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 7/2020

Bài trước

Các công ty cao su Việt Nam báo cáo giảm lợi nhuận trong bối cảnh giá cao su tiếp tục giảm

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc