Thực phẩm và Đồ uống

Trái cây giá rẻ có thể là cái giá tiếp theo của Brexit

70 năm qua, gia đình của ông Tim Chambers đã trồng trái cây tại Đông Nam nước Anh, nhưng sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi EU hồi cuối năm ngoái, ông đã mở rộng hoạt động sang Ba Lan và sẵn sàng bán một phần đất nông nghiệp tại Anh do lao động nhập cư ngày một thiếu hụt nghiêm trọng.

Công ty của ông là W. B. Chambers & Son, phụ thuộc nặng nề vào nguồn lao động mùa vụ từ Đông Âu trong suốt 2 thập kỷ qua, khi tập trung vào trồng mâm xôi và dâu đen, vốn cần rất nhiều lao động trong giai đoạn thu hoạch thủ công.

Thông thường, trong mùa cao điểm vào mùa hè, 1.200 lao động nhập cư từ các nước EU khác sẽ thu hái bằng tay các loại dâu này trong các hàng dâu có chiều dài tổng cộng 520km trên khắp các vùng đất tại Kent, một khu vực được biết đến với tên gọi Khu vườn của nước Anh (Garden of England).

Năm nay, gia đình Chambers gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động từ đầu vụ, bắt đầu từ tháng 6. Nhiều lao động đắn đo về quyết định đến Anh sau khi đồng Bảng lao dốc giảm mạnh kể từ sau Brexit. Mặc dù cuối cùng thì cũng hoàn thành việc thu hoạch, nhưng lần đầu tiên, gia đình Chambers không có danh sách lao động chờ để đến trang trại của ông vào tháng 8 tới để bắt đầu làm việc cho đến mùa xuân.

Năm nay, gia đình Chambers đã hợp tác sản xuất mâm xôi tại Ba Lan để tránh các rào cản thương mại có thể dựng lên trong xuất khẩu trái cây từ Anh sang EU khi Brexit thực sự trở thành hiện thực vào năm 2019. Nếu tình trạng lao động ngày càng tồi tệ và đẩy chi phí sản xuất tăng, ông đã chuẩn bị phương án chuyển dịch mạnh hơn hoạt động kinh doanh sang Ba Lan và có thể bán một phần đất đai tại Anh. “Nếu chúng tôi không thể đảm bảo nguồn cung lao động, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh quy mô và tái cơ cấu sản xuất kinh doanh để tăng hiệu quả trong tình hình kinh tế mới và tìm cách đầu tư sản xuất ra nước ngoài”, ông phát biểu khi các nhóm lao động Bulgary đang chuẩn bị rời khỏi trang trại.

Thiếu hụt lao động nghiêm trọng

Các nhà tuyển dụng lao động tại các ngành khác cho biết họ cũng nhận thấy các dấu hiệu cho thấy Anh đang trở nên kém hấp dẫn đối với lao động nước ngoài, những người vốn bù đắp sự thiếu hụt lao động Anh không muốn làm việc trong những ngành có lương thấp. 43% nhà tuyển dụng trong lĩnh vực giáo dục gà 49% nhà tuyển dụng trong lĩnh vực y tế cho biết nhân lực từ các nước EU khác đang xem xét việc rời khỏi Anh, theo Viện Nhân lực và phát triển cho biết.

Chính phủ Anh cho biết sẽ sử dụng giai đoạn quá độ để đảm bảo những nhà tuyển dụng không bị thiếu hụt lao động nghiêm trọng sau Brexit, nhưng cho đến nay vẫn không có dấu hiệu rõ ràng về làm cách nào chính phủ Anh có thể đạt được cam kết này.

Trong khi một số nhà sản xuất nông nghiệp có thể chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, một số khác có thể phải rời bỏ ngành nếu không thể thuê lao động. “Không phải tất cả nông dân đều có khả năng đi đầu tư sang các khu vực khác tại châu Âu. Nếu không có lao động, phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ phải đóng cửa”.

Nick Ottewell, giám đốc sản xuất cho Laurence J Betts, một nhà sản xuất salad tại Ken, cho biết doanh nghiệp gia đình mà ông làm viêc cho không đủ lớn để tính đến phương án di chuyển hoạt động sản xuất sang khu vực khác. “Kịch bản tồi tệ nhất là chúng tôi không có đủ người và phải đóng cửa”, ông Ottewell, với công ty tuyển dụng 120 lao động mùa vụ để thu hoạch 10.000 tấn rau diếp hàng năm cho biết. Ít nhất 4 lao động mùa vụ của ông đang xem xét tìm việc làm tại các nước EU khác. “Chúng tôi chưa bao giờ thực sự có vấn đề với việc lao động xem xét chuyển sang công việc khác. Nhưng hiện đây là vấn đề ngày càng nghiêm trọng”.

Sức ép giá

Liên đoàn Nông dân Quốc gia cho biết số lượng lao động mùa vụ đến các trang trại tại Anh đã giảm 17% trong 5 tháng đầu năm 2017, khiến hoạt động sản xuất trái cây bị thiếu 1.500 trong tổng số 9.411 lao động thời vụ cần thiết trong giai đoạn này. Trong 29.000 lao động thời vụ cần hàng năm cho sản xuất trái cây, gần như toàn bộ số lao động này đến từ các nước Đông Âu của EU như Bulgaria, Romania và Ba Lan.

Theo ông Olins của Hiệp hội Trái cây vụ hè của Anh, tỷ lệ lao động thời vụ hiện ở Anh muốn quay trở lại trong tương lai giảm mạnh từ 70% xuống còn 35%. “Với mỗi đầu công việc, chúng tôi thường có 10 ứng viên, hiện chúng tôi chỉ còn 3 ứng viên”.

Hiệp hội này cho biết nếu một lượng lớn nông dân Anh tiến hành đầu tư ra nước ngoài để đảm bảo khả năng tiếp cận lao động, người tiêu dùng Anh có thể phải trả giá cao hơn cho trái cây nhập khẩu. Chi phí sản xuất dâu tây và mâm xôi có thể tăng mạnh lần lượt 37% và 50%.

Nông dân Anh hiện đang rất bối rối khi chính phủ nước này không có các hướng dẫn về việc cho phép lao động thời vụ vào Anh sau Brexit. Họ hy vọng khôi phục lại cơ chế lao động nông nghiệp thời vụ, theo đó cho phép lao động từ các nước như Nga và Ukraine ở lại Anh trong 6 tháng để làm công việc đồng áng. Chính phủ Anh đã chấm dứt cơ chế này vào năm 2013, cho rằng lao động Anh và EU là đủ để đáp ứng nhu cầu lao động cho hoạt động nông nghiệp.

Ngay cả khi chính phủ Anh cho phép tiếp cận nguồn lao động nông nghiệp mùa vụ, ông Ottewell lo ngại rằng chính sách này có thể sẽ khó triển khai vào thời điểm năm 2019 do bất ổn chính trị sau khi đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May mất đa số ghế thượng viện trong cuộc bỏ phiếu vừa qua.

Theo Reuters
Admin

Úc mở cửa cho lao động nông nghiệp Việt Nam

Bài trước

Lệnh cấm di chuyển do đại dịch châm ngòi cho giá thực phẩm toàn cầu tăng vọt

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc