Thiếu ăn dường như đã trở thành một dĩ vãng xa xôi đối với nhiều người châu Á. Nhưng lục địa này sẽ còn nhiều thách thức phía trước để cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho dân số ngày càng phình to, và thiếu ăn có thể sẽ thực sự quay trở lại.

Châu Á là thị trường thực phẩm lớn nhất thế giới và đến năm 2050, dân số châu Á được dự báo tăng lên 5 tỷ người – tăng 900 triệu người so với hiện nay. Với tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, châu Á được dự báo sẽ chiếm đến một nửa mức tăng tiêu dùng thịt bò và thịt gia cầm hàng năm và chiếm 75% mức tăng tiêu dùng thủy sản từ nay đến năm 2030. Đến 2030, hơn 60% tổng nhu cầu ngũ cốc tại các nước đang phát triển sẽ đến từ Đông và Nam Á. Để đuổi kịp nhu cầu tăng nhanh, sản xuất thực phẩm sẽ phải tăng 60 – 70% so với thập kỷ trước.

Đáng mừng là sản xuất nông nghiệp có thể tiếp tục tăng. Nhưng hiện châu lục này vẫn còn chuẩn bị chưa thấu đáo để đạt được mục tiêu đuổi kịp tăng trưởng tiêu dùng. Để sản xuất đủ thực phẩm, nông nghiệp châu Á sẽ cần trải qua một sự biến đổi về chất của thế kỷ 21.

Hỗ trợ nông dân châu Á ứng phó với biến đổi khí hậu có thể là trung tâm của nỗ lực này. Mặc dù trái đất ấm lên có thể cải thiện sản xuất nông nghiệp tại một số khu vực, hiện tượng này cũng sẽ làm hạn chế đáng kể hoạt động sản xuất trên rất nhiều khu vực khác. Do nước trở thành nguồn lực ngày một khan hiếm tại các khu vực vốn rất màu mỡ như đồng bằng Lưỡng Hà, nước biển tăng sẽ nuốt chửng nhiều vùng đất nông nghiệp.

Nếu nước biển tăng thêm 1m, xâm mặn sẽ đe dọa 70% diện tích đất nông nghiệp ven biển Việt Nam. Và khi nước ấm hơn cùng với sự thay đổi của thủy triều, năng suất, sản lượng thủy sản của ĐBSCL có thể giảm mạnh.

Theo nghiên cứu của ADB, đến năm 2050, năng suất lúa gạo và lúa mỳ sản xuất trên đất được thủy lợi hóa có thể giảm lần lượt đến 20% và 44%. Thực tế này có thể đẩy giá các loại ngũ cốc, đậu tương và lúa mỳ tăng đến 70%, dẫn đến khả năng số lượng trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng tại châu Á có thể tăng thêm 11 triệu em.

Nhưng đây sẽ không phải là tương lai của châu Á nếu nông dân châu Á có thể thích ứng với tình hình. Phần lớn nông dân hiện nay sản xuất ở quy mô hộ gia đình trên các mảnh ruộng nhỏ bé, và thiếu vốn – công nghệ để cải thiện năng suất và chất lượng mùa màng. Tại Myanmar, chỉ 16% hộ gia đình sản xuất nông nghiệp sử dụng máy gieo sạ hoặc máy cày để chuẩn bị đất cho canh tác.

Hơn nữa, suy thoái môi trường dẫn đến hàng loạt khu vực đất nông nghiệp trở nên cằn cỗi. Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc Chống sa mạc hóa, rất nhiều dạng sa mạc hóa tác động tới gần 40% diện tích đất của châu Á. Trong khi chính phủ không thể tạo ra các vùng đất nông nghiệp mới, họ có thể và phải theo đuổi các chính sách hỗ trợ, hợp nhất và thâm canh nông nghiệp trên các diện tích đất nông nghiệp hiện nay.

Đối với những nước đang ở giai đoạn đầu, các chính phủ châu Á có thể thúc đẩy hợp tác trong nông nghiệp. Tránh tình trạng định kiến với các hợp tác xã nông nghiệp tập trung kiểu cũ, các tổ chức hợp tác ngày nay được thương mại hóa toàn diện, ưu tiên hiệu quả và lợi nhuận. Họ có thể thu hút cả các doanh nghiệp nông nghiệp cũng như nông dân, tất cả đều đóng góp các nguồn lực để tạo nên hiệu quả kinh tế theo quy mô, giảm chi phí và tăng thu nhập.

Khi tập hợp trở thành các tổ chức hợp tác, các chi phí đầu vào như phân bón và máy móc trở nên rẻ hơn. Bằng cách chung tay điều phối sản xuất, các hợp tác xã tại Ấn Độ và Nepal đã giúp sản xuất của tất cả các thành viên được cơ giới hóa khâu gieo sạ và thu hoạch, thay vì thu hoạch thủ công.

Các tổ chức hợp tác cũng có thể gia tăng giá trị sau thu hoạch, bằng cách khép kín các hoạt động sau thu hoạch: làm sạch nông sản thô, phân loại, đóng gói, dự trữ và vận chuyển, qua đó làm tăng nguồn cung thực phẩm cũng như thu nhập của nông dân, đặc biệt là tại các nước như Bangladesh, nơi hơn 1/3 hàng hóa nông sản thực phẩm bị hư thối trước khi đến được tay người tiêu dùng.

Trung Quốc đã bắt đầu triển khai hiện đại hóa nông nghiệp thông qua các tổ chức hợp tác, và bằng cách sử dụng các sàn thương mại điện tử để thâm nhập vào các thị trường giá trị cao. Tại Việt Nam, chương trình hợp tác xã đã cải thiện chất lượng nông sản sản xuất phục vụ người tiêu dùng thành thị và đưa doanh thu trà, trái cây, rau quả tăng gần 30%.

Luật Hợp tác xã của nông dân năm 2007 của Trung Quốc cũng là một mô hình tốt. Bằng cách tạo ra các động lực như miễn thuế GTGT, luật này đã khuyến khích các hợp tác xã và các tổ chức nông nghiệp khác hợp tác và tạo ra hiệu quả kinh tế theo quy mô. Trong vòng 3 năm triển khai luật, số lượng HTX tại Trung Quốc đã tăng 9 lần, lên gần 400.000.

Các hợp tác xã cũng giúp nông dân quản trị rủi ro tác động của biến đổi khí hậu, bằng cách tạo ra các mạng lưới mà các thành viên có thể chia sẻ kiến thức về các chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu, nhưng chuyển đổi từ trồng trọt sang nuôi cá hoặc tôm tại các khu vực bị ngập mặn.

Và với thu nhập tăng từ các hợp tác xã, nông dân có thể mua công nghệ nhà kính để kéo dài chu kỳ sản xuất và giảm nhẹ tác động của khí hậu thất thường. Các hợp tác xã cũng cho phép nông dân hưởng lợi từ các kỹ thuật chưa phổ biến như dẫn phân bón theo đường thủy lợi.

Cuối cùng, các hợp tác xã khiến các công nghệ thông minh đối phó với biến đổi khí hậu trở nên hợp túi tiền hơn. Với công nghệ kỹ thuật số mới, nông dân có thể quản lý tốt hơn tình trạng sử dụng đất, nước và năng lượng, chuẩn bị cho các trường hợp thời tiết xấu. Ví dụ, Philippines đã thử nghiệm các ứng dụng cung cấp tin tức cho nông dân về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, các địa điểm tốt nhất để mua bán vật tư – sản phẩm nông nghiệp, và các sự kiện thời tiết trong thời gian tới.

Thông qua giảm sử dụng lao động, tăng vốn và công nghệ, tương lai ngành nông nghiệp châu Á có thể sáng lạn hơn, sản xuất đủ lương thực – thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của toàn bộ dân cư lục dịa này. Hợp tác xã có thể là một cách khiến tầm nhìn này trở thành thực tế. Chỉ khi đó, thiếu ăn mới thực sự là dĩ vãng.

Theo Project Syndicate
Admin

Việt Nam tìm kiếm khoản vay 360 triệu USD từ WB cho dự án lúa gạo chất lượng cao

Bài trước

Rong biển có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của ngành thủy sản

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc