Phán quyết từ Tòa án Tối cao Thái Lan đưa ra kết luận liệu cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra có trách nhiệm trong triển khai cơ chế thu mua tạm trữ gạo khi bà cầm quyền hay không, khi điều tra cho thấy những người nộp thuế đã phải trả hơn 500 tỷ Baht cho chương trình này. Một số nhà quan sát và những người ủng hộ bà cho rằng hành động này nhằm cải thiện sinh kế của nông dân thì không có gì sai, cũng không phải là tội ác.

Đưa vấn đề này ra thảo luận công khai và không có sự can thiệp của chính trị, Bangkok Post đã phỏng vấn một số nhân vật trong ngành và các chuyên gia độc lập để làm sáng tỏ câu hỏi trên. Chia sẻ với quan điểm với Bangkok Post có ông Pridiyathorn Devakula, nguyên phó thủ tướng; ông Nipon Poapongsakorn, thành viên danh dự tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan; ông Thirachai Phuvanatnaranubala, nguyên bộ trưởng tài chính trong chính quyền của bà Yingluck; chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse; và ông Wichien Phuanglamjiak, chủ tịch hội nông dân trồng lúa tại Khok Chang, quận Bang Sai, Ayutthaya.

Chương trình thu mua tạm trữ gạo của bà Yingluck có thật sự là một thảm họa?

Ông Pridiyathorn: Tôi từng tính toán thiệt hại tài chính do chương trình thu mua tạm trữ gây ra trong 2 năm – niên vụ 2011 – 12 và niên vụ 2012 – 13 – dựa trên giá thu mua, chi phí vận hành thực và doanh thu bán gạo do Bộ Thương mại công bố đạt 455 tỷ Baht.

Dựa trên tính toán của tôi, chính quyền bà Yingluck đã chi 772 tỷ Baht để thu mua 27 triệu tấn gạo thành phẩm, trong đó 633 tỷ Baht được thanh toán cho nông dân trồng lúa và 89 tỷ Baht còn lại là chi phí vận hành chương trình kéo dài 2 năm.

Chính phủ sau đó đã mua gạo ở mức giá trung bình 28.600 Baht/tấn nhưng bán với giá trung bình chỉ 11.700 Baht/tấn với 12 triệu tấn gạo sản xuất niên vụ 2011 – 12 được Bộ Thương mại bán ra, gây thua lỗ tổng cộng 201,6 triệu Baht.

Tuy nhiên, tổng thua lỗ của chương trình thu mua 27 triệu tấn gạo thành phấn lớn hơn so với con số 455 tỷ Baht do giá bán cho 15 triệu tấn còn lại thấp hơn so với mức giá 11.700 Baht/tấn, do trì hoãn bán ra làm giảm chất lượng gạo dự trữ.

Ông Nippon: Giá thu mua gạo cao hơn giá thị trường đến 50% - toàn bộ thị trường gạo Thái Lan chịu tác động mạnh. Các nhà máy gạo chịu tác động mạnh nhất do chỉ một nửa số nhà máy chế biến gạo, tương đương khoảng 700 – 800 nhà máy trong tổng 1.400 nhà máy, có đủ tiêu chuẩn để tham gia chương trình này. Cơ chế triển khai chương trình cũng phá vỡ hoàn toàn hoạt động của các nhà môi giới gạo, do phần lớn sản lượng gạo lúc bấy giờ nằm trong tay chính phủ. Các nhà xuất khẩu gạo thì không thể chi trả cho mưc giá quá cao của gạo thu mua theo chương trình này.

Phần tồi tệ nhất của cơ chế này là nông dân trồng lúa “bị” khuyến khích trồng các giống lúa ngắn ngày, với một số đã trồng 3 vụ/năm để tận dụng cơ hội chính sách càng nhiều càng tốt. Điều này dẫn đến chi phí sản xuất tăng lên do nông dân cần sử dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV và giống hơn, trong khi phí thuê đất cũng tăng gấp đôi theo, từ 500 Baht/rai/năm lên 1.000 Bhat/rai/niên vụ, và lượng nước sử dụng tăng lên quá nhiều. Với chi phí sản xuất như vậy, thực chất nông dân cũng chẳng lời lãi nhiều. Chương trình này có thể xem là một ví dụ kinh điển về chính sách bóp méo nghiêm trọng thị trường.

Ông Chookiat: Về cơ bản, chương trình thu mua gạo nhằm giảm nguồn cung gạo ra thị trường vào thời gian thu hoạch cao điểm, vốn thường gây áp lực mạnh lên giá và làm giảm thu nhập nông nghiệp.

Nhằm hỗ trợ giá và nông dân trồng lúa, chính phủ Thái Lan vẫn thường đề xuất mua một lượng lúa gạo nhất định trong thời gian thu hoạch vụ mới theo chương trình thu mua tạm trữ gạo trong các kho chính phủ chỉ trong ngắn hạn, cho tới khi vụ thu hoạch kết thúc. Giá gạo thu mua thường dựa vào giá thị trường quốc tế vào thời điểm triển khai chính sách, với kỳ vọng rằng nông dân sẽ giữ lúa chờ giá lên. Hàng năm, chương trình thế chấp gạo tại chỗ có thể được triển khai vào vụ chính hoặc vụ phụ hoặc cả hai. Chính sách này đã được nhiều chính phủ tiền nhiệm triển khai nhưng chưa bao giờ chào giá thu mua cao hơn nhiều so với giá thị trường như chương trình vừa qua.

Ông Wichien: Chương trình thu mua lúa gạo không hẳn là một thảm họa, do nông dân trên toàn Thái Lan đã hưởng lợi từ chương trình này, đã có thời điểm bán lúa lên tới 12.000 – 13.000 Baht/tấn.

Chương trình thu mua gạo hào phóng của bà Yingluck đã sai lầm ở điểm nào?

Ông Nipon: Là một trong những nhân chứng của luật sư, tôi không thể bình luận về việc này.

Xin nhấn mạnh rằng cáo buộc chống lại ông Boonsong và bà Yingluck không phải là về “chính sách” thu mua gạo của họ là sai lầm. Vụ kiện cáo buộc ông Boonsong đã làm giả các thỏa thuận giao dịch gạo chính phủ G2G, trong khi bà Yingluck bị cáo buộc vi phạm luật thuế và vô trách nhiệm.

Ông Thirachai: Giá thu mua cao với hy vọng sẽ đẩy giá gạo trên thị trường thế giới tăng. Nhưng cạnh tranh trên thị trường thế igowis mạnh hơn chúng tôi nghĩ và giá không cao như chúng tôi kỳ vọng và cũng không duy trì được lâu. Nhìn nhận ra vấn đề quá muộn màng, chương trình này đáng lẽ nên được đánh giá sau các kết quả ban đầu. và khi các kết quả kỳ vọng không xảy ra, cơ chế này đáng nhẽ nên dừng lại, sửa đổi hoặc giới hạn trong quy mô nhỏ hơn, đặc biệt là sau các cảnh báo từ nhiều cơ quan quan sát độc lập.

Ông Chookiat: Chính quyền của bà Yingluck đã điều chỉnh chương trình thế chấp truyền thống sang mua gạo trực tiếp từ nông dân, với giá thu mua cao hơn đến 50% so với giá thị trường, không giới hạn lượng thu mua – mua tất cả các loại lúa gạo nông dân sản xuất. Thua mua trực tiếp tiến hành trong cả vụ chính và vụ phụ, dẫn đến sự thất bại hoàn toàn của cả chương trình, khi nông dân chỉ bán cho chính phủ, thay vì bán cho thị trường. Nguồn cung gạo vụ mới không xuất hiện trên thị trường như thường lệ, dẫn đến sự gián đoạn trên toàn thị trường do các thương nhân không chi trả nổi giá gạo lúc bấy giờ để cung ứng và giao gạo cho những người mua quốc tế. Trong khi đó, gạo dự trữ chất đống trong các nhà kho chính phủ, thay vì ngay lập tức được bán trên thị trường và gạo ngày càng mất chất lượng theo thời gian.

Ông Wichien: Điểm sai lầm của chương trình này là gạo bị giữ đến mất chất lượng trong các nhà kho chính phủ và gạo bị thất thoát khỏi các kho dự trữ. Những nhà quản lý kho được chính phủ thuê cũng nên bị đưa ra tòa, không chỉ nguyên thủ tướng Yingluck.

Những hiệu ứng tiêu cực gì nảy sinh từ khi chương trình được triển khai, ví dụ như thiệt hại do các tác nhân thị trường và giao dịch gạo Thái Lan?

Ông Nipon: Sự can thiệp vào thị trường lúa gạo này đã gây ra một sự thất thoát tài khóa cực lớn, lên tới 607,2 tỷ Baht tính đến 30/9/2016, theo khi một ủy ban xem xét các tài khoản của chương trình này.

Khoản thua lỗ tài khóa này làm tăng nợ công, sẽ là gánh nặng tương lai của những người nộp thuế. Trong trung hạn, việc trả nợ sẽ làm giảm đầu tư công, qua đó tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

  • Sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động thu mua lúa và bán gạo bị nghi ngờ tham nhũng bởi hoạt động bán gạo không được tiến hành minh bạch, đặc biệt là cáo buộc giả mạo hợp đồng G2G chống lại các chính trị gia.
  • Trong quá trình triển khai cơ chế thua mua gạo, nhưng người tham gia tích cực vào chương trình, thực chất đều có hành vi trục lợi địa tô:
  • Nông dân mở rộng sản xuất lúa quá mức, chấp nhận chi phí sản xuất tăng – lợi nhuận giảm. Ví dụ, họ sử dụng nhiều nước thủy lợi hơn trong năm 2012/13, gây ra giảm mạnh nguồn nước tại các hồ dự trữ trong các năm tiếp theo (Thái Lan chịu tác động nặng nề của El Nino năm 2015-16). Cộng với El Nino, hành vi sử dụng nước quá mức trước đó càng khiến các đợt hạn hán năm 2015-16 tồi tệ hơn.
  • Một số nhà máy chế biến gạo cũng ráo riết tăng công suất xay xát. Tổng công suất xay xát lúa của Thái Lan hiện đạt 125 triệu tấn lúa, so với sản lượng lúa hàng năm của Thái Lan chỉ ở mức 27 – 30 triệu tấn. Một số thương nhân cũng đã xây dựng các nhà kho mới để cho chính phủ thuê. Một số nhà xay xát đã bắt đầu gặp khó khăn tài chính vì các quyết định đầu tư này.
  • Thua lỗ xuất khẩu 2,81 triệu tấn, tương đương 43,4 tỷ Bah, trong 5 vụ sản xuất liên tiếp (từ tháng 10/2011 – 5/2014) trong thời gian triển khai chương trình, so với giai đoạn không có can thiệp chính sách trước đó (từ tháng 10/2008 – 5/2011). Thái Lan cũng bị hao tổn uy tín của một nhà xuất khẩu gạo chắc chắn và đáng tin cậy. Thái Lan đã mất thị trường gạo Hom Mali tại Hong Kong và thị trường gạo giá trị cao tại Iran.
  • Cơ chế can thiệp chính phủ này đã hất cẳng cơ chế thị trường bằng chủ nghĩa tư bản thân hữu khi chính phủ chỉ bán gạo cho một số thương nhân có mối quan hệ chính trị. Phần lớn các nhà bán buôn gạo, các nhà chế biến đóng gói gạo và các nhà xuất khẩu bị buộc phải mua gạo ở mức giá cao hơn so với các thương nhân thân hữu chính trị.

Ông Thirachai: Quy mô của chương trình này quá lớn để giám sát và kiểm soát. Tham nhũng ở nhiều cấp khó phát hiện. Nông dân thì bị hút theo hướng sản xuất quá nhiều lúa gạo chất lượng thấp bởi các giống lúa này thường có thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Đồng thời cũng rất khó ngăn cản gạo nhập lậu từ các nước láng giềng.

Đáng chú ý là hội đồng các giám đốc của Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp (BAAC) và tôi, trong cương vị chủ tịch BAAC, đã đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm giúp giảm tình trạng tham nhũng và gian lận, như sử dụng thẻ dự trữ, kiểm soát các tài khoản dự trữ bằng các nhà kiểm toán độc lập,… BAAC đã công bố các đề xuất trong một cuốn sách xanh, được đệ trình lên cả bà Yingluck và ông Kittirat Na-Ranong, vốn là bộ trưởng tài chính lúc bấy giờ, vào cuối năm 2011.

Ông Chookiat: Cơ chế này đã bóp méo nghiêm trọng cơ chế thị trường và vi phạm các nguyên tắc thị trường thị trường tự do, theo đó, trong điều kiện kinh doanh bình thường các tác nhân ở tất các các mắt xích của chuỗi cung ứng đều được tham gia. Chính phủ đã can thiệp vào chu kỳ kinh doanh gạo, đóng vai trò là một nhà giao dịch lớn, thu mua gạo ở giá tương đối cao, không hạn chế lượng mua. Các yếu tố này đã thay đổi căn bản thị trường gạo, châm ngòi cho tình trạng khan hiếm nguồn cung, do các thương nhân gạo không thể mua gạo theo các điều khoản thị trường. Các thương nhân đã mua gạo theo thời gian bị ép phải trả giá cao hơn, làm giảm khả năng cạnh tranh của Thái Lan trên thị trường toàn cầu, trực tiếp làm giảm xuất khẩu gạo Thái Lan trong năm 2012-13.

Ông Wichien: Tác động tiêu cực đến từ các cáo buộc bất công của các thành phần chính trị đố ilập và lực lượng chính trị. Từ quan điểm của nông dân, cơ chế chính sách của bà Yingluck đã cực kỳ thành công.

Bài học gì được rút ra từ một chính sách dân túy đầy tham vọng như vậy, xuất phát từ một chính phủ được bầu cử dân chủ?

Ông Nipon: (a) Thế chấp gạo không phải và sẽ không bao giờ là một cách bền vững để hỗ trợ nông dân. Là một nước xuất khẩu gạo, cách duy nhất để giúp tăng giá cho nông dân là hỗ trợ giá nội địa khi giá nội địa ở mức thấp hơn giá quốc tế. Kinh tế học cơ bản cho biết khi giá gạo được ấn định ở mức cao hơn cân bằng thị trường một cách giả tạo, phần lớn – nếu không muốn nói là tất cả - nông dân sẽ mở rộng sản xuất dựa vào tăng đầu vào. Chi phí sản xuất của họ sẽ tăng lên, đặc biệt là do tỷ suất lợi nhuận giảm theo quy mô. Điều này sẽ gây ra áp lực chính trị phải tiếp tục tăng giá gạo khi nông dân bất bình do thu nhập giảm. Đây là một vòng luẩn quẩn, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ công tương tự như xảy ra tại Hy Lạp và các nước Mỹ Latin khác.

(b) Chính quyền bà Yingluck tin rằng họ có khả năng tác động lên giá gạo thế giới thông qua giảm nguồn cung, lập luận rằng mặc dù giá gạo thế chấp rất cao nhưng chương trình sẽ không thua lỗ. Đó là bởi nếu chính phủ mua phần lớn gạo từ nông dân (như đã làm – với tỷ lệ thu mua tới 53 – 54% tổng sản lượng 5 vụ liên tiếp), và đầu cơ nguồn cung tại các nhà kho chính phủ, hạn chế nguồn cung sẽ đẩy giá gạo toàn cầu tăng. Theo giả định, chính phủ đáng lẽ phải bán gạo ngay khi giá tăng, để tạo lợi nhuận, hơn là bị lỗ. Thực tế, chính phủ trữ gạo quá lâu, dẫn đến giá giảm bởi, thứ nhất, không giống như kho dự trữ gạo khổng lồ của chính phủ Trung Quốc – chủ yếu dùng cho tiêu dùng nội địa – người mua trên thị trường biết rằng nếu họ mua gạo giá cao vào ngày hôm nay, họ sẽ thua lỗ khi chính phủ Thái xả gạo ra thị trường. Những dự báo này đã đẩy giá gạo giảm liên tục trong 2 năm vừa qua.

Niềm tin rằng với vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Thái Lan có thể điều phối giá gạo toàn cầu bằng cách đầu cơ nguồn cung là sai lầm. Giá gạo toàn cầu chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố phức tạp, tất cả những yếu tố này chính phủ Thái Lan đều không thể kiểm soát, đặc biệt là thời tiết toàn cầu, các chính sách can thiệp của cả nước xuất khẩu và nước nhập khẩu gạo, và hành vi của nông dân trên toàn cầu. Thực tế, đầu cơ giá không bao giờ nên là tầm nhìn của một chính phủ. Chính phủ không được tham gia vào mua bán gạo và cạnh tranh với tư nhân, do can thiệp vào thị trường không chỉ kém hiệu quả mà còn gây tham nhũng.

(c) Tất cả các chính phủ được bầu cử có quyền triển khai các chính sách dân túy. Nhưng các chính phủ cũng phải đáng tin cậy đối với tất cả cử tri, không chỉ riêng nông dân. Sau khi được bầu cử, chính phủ phải đề xuất ngân sách, bao gồm vay nợ công trước quốc hội. Đây là cách thực hành chính trị dân chủ. Chính phủ không nên sử dụng bất cứ khoản chi ngoài ngân sách nào để tài trợ cho các chính sách dân túy như vậy, do quốc hội không thể từ chối trách nhiệm trả nợ.

(d) Chính phủ phải chuẩn bị toàn diện tất cả các tài khoản tài chính của tất cả các giao dịch được tiến hành bởi các cơ quan liên quan. Thật đáng xấu hổ khi chính phủ thông qua các luật buộc các công ty nhà nước phải chuẩn bị các nguồn tài chính. Không ai biết chi phí, thua lỗ và thiệt hại thực tế của cơ chế này sau khi lượng gạo này cuối cùng cũng được bán hết.

(e) Một vấn đề lớn khác của chính sách này là phần lớn thông tin về cơ chế thu mua lúa gạo, đặc biệt là về lượng gạo chính xác trong kho chính phủ, doanh số bán gạo chính phủ và các hợp đồng G2G, đều không được công bố. Thái Lan cần một chính sách dữ liệu mở.

Ông Thirachai: Giá thu mua lúa gạo không được phép cao hơn giá thị trường. Cần có quy định ngăn tất cả các chính phủ trong tương lai được quyền sở hữu hàng hóa nông sản do rủi ro tham nhũng xảy ra ở mọi cấp.

Ông Chookiat: Chương trình thu mua lúa gạo của chính quyền bà Yingluck không chỉ tiêu tốn một khoản ngân sách khổng lồ trong hơn 3 năm (từ cuối năm 2011 – đầu năm 2014), mà còn gây ra hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật và tham nhũng khi lạm dụng quyền lực công để trục lợi tư trong suốt quá trình triển khai chính sách và trong vụ làm giả hợp đồng gạo G2G. Cơ chế này cũng làm xấu đi hình ảnh của Thái Lan trên thị trường gạo, do chất lượng gạo trong kho bị giảm mạnh sau thời gian dự trữ dài, dẫn đến người mua quốc tế giảm niềm tin vào gạo Thái Lan và lựa chọn mua từ các nước xuất khẩu gạo khác. Thậm chí do ngay cả khi không có chương trình thu mua của chính phủ, một vài nhà giao dịch quốc tế đã do dự mua gạo Thái Lan do có lịch sử giao dịch không mấy tốt đẹp với một số nhà xuất khẩu vô lương tâm của Thái Lan, khi những người này giao gạo kém chất lượng trong suốt giai đoạn triển khai chính sách thua mua tạm trữ.

Ông Wichien: Bất chấp những quan điểm tiêu cực về chính sách dân túy hào phóng này, chính sách này vẫn đã mang lại lợi ích cho tất cả nông dân.

Thương mại gạo đã quay trở lại bình thường hay chưa, và liệu thị trường gạo có hoạt động ổn định khi không có hỗ trợ chính phủ như chương trình thu mua này hay không?

Ông Nipon: Thái Lan đã xoay xở tốt trong cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ giành vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong 2 năm qua, kể từ khi xóa bỏ chương trình thu mua lúa gạo của bà Yingluck.

Thái Lan cũng đã dần lấy lại được uy tín là một trong những nhà xuất khẩu gạo đáng tin cậy nhất trên thị trường Hong Kong. Đó là nhờ các nhà xuất khẩu Thái Lan có thể bán bất cứ loại gạo nào, có thể vận chuyển và giao hàng tới bất cứ điểm đến được chỉ định nào đúng hạn. Nhưng Thái Lan vẫn cần nỗ lực hơn để giành lại thị phần tại Iran.

Tuy vậy, ngành gạo Thái Lan vẫn còn những điểm yếu. Chi phí sản xuất gạo của Thái Lan cao hơn các đối thủ cạnh tranh. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan có thể tồn tại một phần nhờ có hoạt động logistics hiệu quả và một phần bị họ phải cấp tín dụng thương mại cho người mua. Điều này đẩy các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan vào thế rất rủi ro.

Ông Thirachai: Không có sự can thiệp của chính phủ, thị trường tự động trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, cảnh ngộ của nông dân nghèo vẫn vậy. Nông dân luôn nợ nần, lợi nhuận thấp và liên tục đối mặt với rủi ro mất đất.

Ông Chookiat: Giai đoạn 2014-16, bất chấp việc không triển khai chương trình thu mua gạo, chính phủ Thái Lan vẫn phải nắm kho dự trữ gạo khổng lồ lên đến 18 triệu tấn do chính phủ tiền nhiệm gây ra. Dự trữ gạo Thái Lan đã gây ra áp lực rất lớn lên giá gạo thế giới. Sau khi chính phủ đương nhiệm bán gần hết lượng gạo trong kho dự trữ, thị trường gạo toàn cầu đã quay trở lại trạng thái bình thường, dẫn đến thương mại gạo Thái Lan trở lại cơ chế thị trường và thúc đẩy khả năng cạnh tranh, được chứng minh rõ ràng nhất bởi xuất khẩu gạo Thái Lan tăng lên mức trung bình 10 triệu tấn/năm trong những năm vừa qua.

Ông Wichien: Thị trường giao dịch gạo đã quay trở lại trạng thái bình thường, nhưng nông dân đang đối mặt với chi phí sản xuất cao do chi phí thu hoạch, vận chuyển và các chi phí khác. Chi phí sản xuất lúa có độ ẩm 15% của Thái Lan hiện dao động từ 4.000 – 6.000 Baht/tấn.

Trợ cấp chính phủ đối với gạo hay bất cứ nông sản nào khác có hợp lý hay không?

Ông Nipon: Cho tới khi nào gạo vẫn là hàng hóa mang tính chính trị thì luôn luôn có trợ cấp chính phủ. Đây là thực tế không thể chối cãi. Chính sách trợ cấp hợp lý nên dựa trên các yếu tố sau:

  • Chính sách trợ cấp bóp méo tối thiểu giá thị trường (tuân thủ quy định WTO)
  • Xác định đúng đối tượng nông dân
  • Thúc đẩy năng suất và giảm chi phí sản xuất. Các chính sách trợ cấp đáp ứng tiêu chí (a) và (b) bao gồm trợ cấp tiền mặt cố định trên mỗi rai, được tính toán dựa trên ghi nhận năng suất lúa lịch sử. Trợ cấp chỉ dành cho những nông dân cần nhất, như nông dân có quy mô sản xuất 15 rai. Nhưng luôn có áp lực chính trị phải trợ cấp cho tất cả nông dân. Trong trường hợp đó, tất cả nông dân nên được hưởng một mức trợ cấp cố định trên mỗi rai cho những hộ gia đình có diện tích canh tác không quá 5 – 10 rai. Thiết kế chính sách như vậy sẽ hạn chế thâm hụt ngân sách và cho phép chính phủ theo đuổi một chính sách tài khóa đáng tin cậy.

Chính sách thứ hai là trợ cấp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới và các dịch vụ khuyến nông (do khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự). Các trợ cấ pnhư vậy sẽ được đánh giá dựa trên hiệu quả. Kết quả sẽ là năng suất tăng và thu nhập bền vững cho nông dân.

Ông Thirachai: Cách tiếp cận của chính sách trợ cấp cho nông dân, dựa trên can thiệp vào các sản phẩm nông sản, cần thay đổi. Các chính phủ tiền nhiệm đã tiến hành rất nhiều chính sách khác nhau – thế chấp, thu mua và trợ cấp trực tiếp cho nông dân, nhưng không chính sách nào mang lại lợi ích lâu dài.

Thay vào đó, hỗ trợ từ chính phủ nên tiến hành nhằm mục tiêu giảm chi phí sản xuất của nông dân theo lý thuyết Hiệu quả kinh tế của nhà vua, như:

  • Cải cách thuế và đất đai để buộc phải tái phân bổ ruộng đất ra khỏi tay những chủ sở hữu lớn. Mục tiêu phải vượt trên chỉ đơn giản là trừng phạt các chủ đất bỏ hoang hoặc không sử dụng đất. Thay đổi toàn diện hệ thống thuế phải tổng hợp đất thuộc quyền sở hữu của mỗi cá nhân, bất chấp việc đất đó đang bỏ hoang hay đang được sử dụng, hay đất đó thuộc quyền sở hữu của một hay nhiều người, và được tính toán theo cổ phần. Tổng diện tíc đất nắm giữ càng lớn và thuộc về 1 người thì mức thuế càng cao.
  • Chính phủ hỗ trợ chứng nhận quyền sử dụng đất của các nhóm hợp tác để đảm bảo nông dân có quyền sở hữu sử dụng đất hợp tác.
  • Chính phủ hỗ trợ mỗi cộng đồng hợp tác sản xuất đầu tư vào các cơ sở vật chất cụ thể để củng cố sinh kế nông nghiệp. Mỗi cộng đồng sẽ có những nhu cầu riêng, từ trang thiết bị thủy lợi, dự trữ nước, cơ sở trộn và dự trữ phân bón hữu cơ, đóng gói sản phẩm, các nhà máy chế biến gạo quy mô nhỏ cho cộng đồng, các silo trữ gạo hiện đại, có thể sấy khô và dự trữ lúa khô trong thời gian dài hơn, thiết bị lọc tạp chất và quản lý,… Mỗi cộng đồng sẽ có ưu tiên khác nhau cho các cơ sở vật chất này.
  • Chính phủ hỗ trợ mỗi cộng đồng được đào tạo về canh tác bền vững, thông qua hợp tác với các trường đại học địa phương và các trường nghề để dạy cho các cộng động cách quản lý bền vững các cơ sở vật chất mới nêu trên. Tất cả các cộng đồng nên có các trung tâm tập huấn để theo dõi rủi ro thời tiết, rủi ro giá, rủi ro dịch bệnh, các kỹ thuật cải thiện mùa màng, thiết bị mới,…
  • Chính phủ giúp đào tạo cho mỗi cộng đồng cách tự quản trị. Các cộng đồng có thể tự quy hoạch khu vực sản xuất, giám sát các đường dẫn nước, sử dụng nước, đánh phí sử dụng nước và xả chất thải.
  • Hỗ trợ được tùy chỉnh để cải thiện và tăng cường chất lượng sống của các cộng đồng, tăng cường tự quản lý và qua đó giảm chi phí sản xuất. Hoạt động này sẽ cần nhiều thời gian, nỗ lực và điều phối từ các bên khác nhau, hơn là chỉ có chính sách can thiệp vào các sản phẩm nông nghiệp. Các chương trình kéo dài nhiều năm với các luồng ngân sách liên tục từ chính phủ. Tuy nhiên, lợi ích sẽ bền vững và được trao trực tiếp cho cộng đồng, hơn là đưa vào tay các chính trị gia.

Không may là những chương trình kéo dài nhiều năm như vậy lại không mang lại kết quả nhanh chóng và không tránh khỏi rơi vào tay một số đại điền chủ, bao gồm các chính trị gia, những thay đổi này có thể không ngon ăn trong mắt các đảng phái chính trị và có thể mãi mãi là một giấc mơ.

Ông Chookiat: Hỗ trợ nông dân luôn cần thiết, và chính phủ có trách nhiệm quan tâm tới nông dân. Nhưng hỗ trợ chính phủ ở bất cứ hình thức nào của trợ cấp chỉ nên tập trung vào cắt giảm chi phí sản xuất và các yếu tố liên quan đến sản xuất như giống cây trồng, phân bón, máy móc nông nghiệp, bí quyết sản xuất và phát triển kỹ thuật để nâng cao năng suất lúa và tăng thu nhập ngoài nông nghiệp. Chính phủ không nên áp dụng bất cứ chính sách nào gây bóp méo cơ chế thị trường, do các chính sách như vậy không chỉ làm suy yếu cơ chế thị trường mà còn tác động lên hoạt động sản xuất lúa gạo của Thái Lan về dài hạn.

Ông Wichien: Cơ chế can thiệp giá của chính phủ vẫn cần thiết, cho đến khi nào vẫn còn thương nhân o ép nông dân để mua được lúa ở giá thấp. Chính phủ đang được kêu gọi hỗ trợ giá mua công bằng cho nông dân bằng cách tính đúng chi phí sản xuất của nông dân để định giá. Giá lúa cho phép nông dân có thể phát triển sản xuất không thể nào thấp hơn 10.000 Baht/tấn

Theo Bangkok Post
Admin

Thái Lan có thể bắt tay với Việt Nam để kiểm soát thương mại gạo?

Bài trước

Ấn Độ có thể đạt xuất khẩu gạo cao kỷ lục và chiếm gần 1/2 thương mại gạo toàn cầu năm 2021

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Chính sách