0

Khi đại dịch virus corona thâm nhập ngày càng sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, giá của hàng loạt hàng hóa thiết yếu bắt đầu tăng vọt tại một số khu vực trên thế giới.

Gạo và lúa mỳ - các nguồn cung ngũ cốc chiếm khoảng 1/3 tổng nguồn cung calories toàn cầu – đang tăng giá mạnh trên các thị trường giao ngay và tương lai. Đối với các nước phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, tình hình này đang làm gia tăng gánh nặng tài chính ngay khi đại dịch này tàn phá các nền kinh tế và làm suy yếu sức mua của người dân tại các nước này. Ví dụ, tại Nigeria, giá gạo trên các thị trường bán lẻ tăng vọt hơn 30% chỉ trong 4 ngày cuối cùng của tháng 3.

Hiện chưa rõ những động lực lớn nhất đằng sau diễn biến giá bán lẻ là gì, liệu đó là tác động hạ nguồn từ diễn biến giá ngũ cốc tương lai hay các gián đoạn logistics nội địa hay hành vi mua hoảng loạn, hoặc tất cả các yếu tố này. Những gì rõ ràng là trong khi thế giới không hề thiếu thực phẩm trong tương lai gần, nỗi lo về năng lực của các nhà làm chính sách có thể đưa thực phẩm tới đúng nơi đúng lúc và đúng giá đang ngày càng chồng chất. “Không có virus corona, không có bất cứ vấn đề gì về giá bán lẻ thực phẩm”, theo Stefan Vogel, trưởng ban nghiên cứu hàng hóa nông nghiệp tại Rabobank International. “Mọi người đang ngày càng lo lắng về thực trạng chuỗi cung ứng”.

Phần lớn các chính sách kiểm soát giá trên nền kinh tế nói chung hiện nay đang đẩy mọi sự theo những hướng rất khác nhau. Những lo lắng về giảm phát do đại dịch tàn phá các doanh nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và thị trường dầu lửa lao dốc. Thực tế, chỉ số đo lường chi phí thực phẩm toàn cầu giảm mạnh trong tháng 3 chủ yếu do nhu cầu đối với các hàng hóa như đường giảm mạnh. Tuy nhiên, diễn biến giá thực phẩm không đồng nhất trên khắp thế giới. Ngay cả trong phạm vi suy giảm trên diện rộng, một số thực phẩm thiết yếu đang là xảy ra diễn biến giá bất thường. Giá gạo đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp.

Trong khi các kho dự trữ ngũ cốc toàn cầu thậm chí đủ dùng cho vài năm, phản ứng đối với virus corona đang tạo ra những hiệu ứng lan tỏa, khiến nguồn cung không đến được nơi người ta thực sự cần đến và đẩy giá gạo liên tục tăng. Đồng thời, nhu cầu tăng khi mọi người cố gắng tích trữ nhiều nhất có thể trong thời gian buộc phải ở nhà. Động thái hạn chế xuất khẩu các loại ngũ cốc để bảo vệ nguồn cung nội địa của các nước như Nga, Kazakhstan và Việt Nam càng khiến vấn đề thêm trầm trọng.

Kết quả ư? Giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan – nước xuất khấu gạo lớn thứ 2 thế giới – tăng vọt lên mức cao nhất trong 6 năm. Giá lúa mỳ tương lai trên thị trường Chicago, chỉ số tham chiếu cho thị trường thê giới, tăng vọt hơn 8% trong tháng 3, trong khi durum, một loạt lúa mỳ hạt cứng dùng làm pasta và couscous, ở mức cao nhất từ tháng 8/2017. Cũng có những dấu hiệu cho thấy giá một số loại thực phẩm tại Mỹ đang trên đà tăng. Giá trứng bán buôn tăng lên mức cao kỷ lục khi các nhà bán lẻ thực phẩm ghi nhận doanh số tăng gấp 6 lần so với thông thường. Giá thịt bò cũng tăng vọt mặc dù giá một số loại ngũ cốc giảm trong tuần vừa qua.

Gạo và lúa mỳ là những lương thực được tiêu dùng nhiều nhất thế giới. Giá lương thực thiết yếu có lịch sử dài về việc dấy lên những bất ổn chính trị. Trong những đợt tăng giá phi mã vào năm 2011 và 2008, những cuộc nổi loạn gây ra bởi thực phẩm diễn ra tại hơn 30 nước khắp châu Phi, châu Á và Trung Đông.

Rõ ràng tình trạng gián đoạn nguồn cung có thể chỉ là tạm thời và giá lúa mỳ lẫn giá gạo sẽ bình ổn trở lại. Trong vài năm qua, chi phí thực phẩm tương đối thuận lợi nhờ các nguồn cung dồi dào. Các kho dự trữ gạo và lúa mì toàn cầu dự báo đều đạt mốc cao kỷ lục trong năm nay, theo USDA.

Nhưng giá lương thực tăng trong những tuần gần đây có thể gây thiệt hại đáng kể cho những người nhạy cảm hơn trước biến động giá. Điều này đặc biệt đúng với những nước mà thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách hộ gia đình, và đẩy những nước dễ tổn thương vào tình thế rủi ro hơn. Các hiệu ứng từ đại dịch virus corona cũng thổi phồng mức tăng giá khi lạm phát giá thực phẩm đã là một vấn đề hiển lộ.

Không chỉ giá thực phẩm thiết yếu leo thang. Giá rau quả, nguồn cung dinh dưỡng quan trọng, cũng đang tăng tại nhiều khu vực trên thế giới. “Tại nhiều nước, nhiều người đang bất lực trong công cuộc kiếm tiền”, theo Rami Zurayk, giáo sư tại American University of Beirut chuyên về an ninh lương thực. “Nếu thu nhập giảm, chất lượng lẫn số lượng thực phẩm họ có thể mua cũng giảm theo, đặc biệt nếu giá thực phẩm đồng thời tăng”.

Tại Nigeria, các lệnh ở nhà từ chính phủ đang làm bùng lên tình trạng mua hoảng loạn. Giao thông đình đốn khiến nguồn cung thực phẩm tới các chợ và cửa hàng thực phẩm giảm, dự tữ đang cạn kiệt, theo Saudat Salami, chủ sở hữu một nhà bán lẻ thực phẩm trực tuyến tại Lagos cho hay. Một số  nhà buôn tại các chợ thực phẩm mà bà thường thu mua cũng đang duy trì hoạt động trong sợ hãi khi virus đang lây lan nhanh, bà cho hay.

Rikotu Isah, một nông dân trồng lúa gạo tại Kebbi, bang sản xuất lúa gạo lớn nhất Nigeria, cho biết hoạt động sản xuất của ông diễn ra bình thường khi vụ thu hoạch mới chỉ bắt đầu. “Nhưng nếu các lệnh hạn chế di chuyển kéo dài và chúng tôi không thể vận chuyển ngũ cốc tới chợ thì tình hình thiếu hụt trên thị trường sẽ tác động tới giá”.

Các chính phủ đang liên tục nỗ lực để giữ giá ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát. Algeria, Thổ Nhĩ Kì và Tunisia đã tăng đặt hàng mua lúa mì trong những tuần gần đây để đảm bảo nguồn cung. Ai Cập và Saudi Arabia cho biết sẽ sớm tăng cường các kho dự trữ. Philippines đang phân bổ hơn 600 triệu USD để thu mua đủ thực phẩm và có kế hoạch dự trữ 300.000 tấn gạo.

Không một ai thực sự tin rằng việc can thiệp từ chính phủ có thể giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát. Lalatendu Rath vận hành một cửa hàng thực phẩm nhỏ ở bang miền đông Ấn Độ Odisha. Ông đóng cửa hàng để an toàn trước tình hình số ca nhiễm bệnh tăng nhanh. Các nhà chức trách địa phương đang kiểm soát giá các hàng hóa thiết yếu, bao gồm thực phẩm, nhưng ông đã mua khoảng 50kg khoai tây, tương đương nhu cầu tiêu dùng 3 tháng của nhà ông. “Không có gì đảm bảo giá thực phẩm thiết yếu sẽ duy trì ổn định”, ông nói. “Tốt nhất là mua hơn bình thường một chút để tích trữ bởi chúng tôi cần thực phẩm đầy đủ cho trẻ con”.

Giá thực phẩm nhìn chung vẫn thấp hơn nhiều so với các mức cao kỷ lục hồi năm 2008 và 2011 do tích trữ mạnh. Giá dầu lao động cũng giúp chi phí sản xuất của nông dân giảm và tác động tới giá nông sản nói chung. Nhưng các nước nhập khẩu thực phẩm đang có đồng tiền liên tục mất giá so với đồng USD, khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Đồng USD đang ở mức cao kỷ lục so với đồng dinar Algeria, và gần chạm mức cao nhất so với đồng riyal Saudi và đồng rupiah Indonesia.

Biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố lớn khi nhìn nhận triển vọng thị trường. Hạn hán dai dẳng tại Thái Lan và Việt Nam; những năm khô hạn tại Úc làm giảm diện tích trồng rau và gây ra tình trạng thiếu hụt. Nếu sản lượng lúa mì thu hoạch toàn cầu năm 2020 có diễn biến bất lợi thì sẽ càng khuyến khích nhiều nước thi hành hạn chế xuất khẩu và châm ngòi cho hàng loạt đợt tăng giá.

Virus corona có thể chưa lây lan trên diện rộng ở một sô khu vực bất ổn an ninh lương thực, đặc biệt là tại cận Sahara châu Phi. Nếu điều này xảy ra, khả năng sản lượng thu hoạch sẽ giảm, giá thực phẩm sẽ tăng vọt và thêm nhiều người lâm vào nạn đói, theo Agricultural Market Information System của G20 cảnh báo. “Tất cả tiền cược đã ở trên bàn”, theo Neil Townsend, nhà phân tích tại FarmLink ở Winnipeg, Manitoba. “An ninh lương thực sẽ là một vấn đề lớn trong thời gian tới.

Theo Bloomberg

Admin

Nguồn cung chè của Anh đối mặt với sự gián đoạn do khủng hoảng Biển Đỏ

Bài trước

Tình hình nông nghiệp – thực phẩm hậu COVID-19 tại Trung Quốc

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

  1. bài viết rất hay và bổ ích.

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Ngũ cốc