0

Chỉ số giá thực phẩm của FAO (FFPI) đạt trung bình 180,5 điểm trong tháng 2/2020, giảm 1,9 điểm (1%) so với tháng 1/2020 nhưng vẫn cao hơn 13,5 điểm (8,1%) so với cùng kỳ năm 2019. Đây là lần giảm điểm đầu tiên của chỉ số FFPI sau 4 tháng tăng liên tiếp. Mức giảm này chủ yếu do giá dầu thực vật giảm mạnh, giá thịt và giá ngũ cốc cũng giảm ở mức độ nhẹ hơn, và mức tăng giá sữa và giá đường không bù đắp được sự suy giảm trên.

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đạt trung bình 167,8 điểm trong tháng 2/2020, giảm 1,5 điểm (0,9%) so với tháng 1. Giá tất cả các loại ngũ cốc chính trên thị trường quốc tế, ngoại trừ gạo, đều giảm giá trong tháng 2. Giá lúa mỳ nói chung đều giảm, phần nào do các thị trường đều có nguồn cung dồi dào, cùng với tác động tiêu cực về nhu cầu do sự lan rộng của virus corona (Covid-19) cũng góp phần đẩy giá giảm. Giá ngô cũng giảm, chủ yếu do các dự báo nhu cầu thị trường yếu đi khi ngành sản xuất TACN suy yếu theo triển vọng kinh tế. Ngược lại, giá gạo quốc tế tăng tháng thứ 2 liên tiếp do nguồn cung khả dụng xuất khẩu từ châu Mỹ và Việt Nam giảm, cộng với nhu cầu tăng nhanh từ Viễn Đông và Đông Phi.

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đạt trung bình 158,1 điểm trong tháng 2/2020, giảm 18,2 điểm, tương đương 10,3%, so với tháng 1 và chấm dứt xu hướng tăng giá ghi nhận từ tháng 7/2019. Giá dầu cọ giảm mạnh nhất và là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ dầu thực vật nên có tác động lớn nhất. Giá dầu cọ quốc té giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019 do sản lượng cao hơn dự báo tại Malaysia, cộng với một đợt suy giảm nhu cầu nhập khẩu của Ấn Độ và nỗi lo nhu cầu kinh tế chậm lại sau sự bùng phát của dịch Covid-19. Giá dầu đậu tương, hạt hướng dương và hạt cải đều theo xu hướng giảm giá dầu cọ giữa bối cảnh COVI-19 gây ra tâm lý lo lắng cho tị trường, đồng thời tồn kho lớn hơn dự báo tại Mỹ.

Chỉ số giá sữa của FAO đạt trung bình 209,8 điểm trong tháng 2/2020, tăng 9,2 điểm (4,6%) so với tháng 1, là tháng tăng điểm thứ 4 liên tiếp và đưa chỉ số này ở mức cao hơn tới 17,4 điểm (9%) so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 2/2020, giá pho mai tăng vọt tới 20 điểm (10,6%), chủ yếu do nguồn cung xuất khẩu từ New Zealand giảm với sản lượng sữa giảm theo mùa, càng khiến tình trạng suy giảm nguồn cung khả dụng xuất khẩu thêm nghiêm trọng, đặc biệt khi sản lượng sữa niên vụ 2019/20 của Úc thấp hơn trung bình dài hạn. Ngược lại, giá sữa bột gầy và giá sữa bột nguyên kem giảm do nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc yếu – nước nhập khẩu sữa bột lớn nhất thế giới – do các hoạt động xử lý hàng tại cảng bị đình đốn vì sự bùng phát virus corona.

Chỉ số giá thịt của FAO đạt trung bình 178,6 điểm trong tháng 1, giảm 3,7 điểm (2%) so với tháng 1, sau 11 tháng tăng điểm nhẹ liên tục. Ở mức điểm này, giá trị của chỉ số này cao hơn 15,9 điểm (9,8%) so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 2/2020, giá thịt cừu giảm mạnh nhất, theo sau là thịt bò, chủ yếu do nhập khẩu tại Trung Quốc giảm, phản ánh tình trạng xử lý hàng tại các cảng của nước này ngưng trệ, dẫn tới tồn kho tăng mạnh tại các nước xuất khẩu lớn. Tình trạng giết mổ hàng loạt để đối phó với hạn hán tại New Zealand cũng gây áp lực lên giá thịt cừu trên thị trường quốc tế. Nhu cầu nhập khẩu hiện nay đối với thịt lợn đã giảm so với những tháng trước nhưng nguồn cung tại châu Âu giảm làm giá tăng nhẹ. Giá thịt gia cầm gặp áp lực giảm do nhu cầu nhập khẩu yếu đi tại châu Á.

Chỉ số giá đường của FAO đạt trung bình 209,7 điểm trong tháng 2/2020, tăng 9 điểm (4,5%) so với tháng 1, là tháng tăng điểm thứ 5 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 5/2017. Đợt tăng giá mới nhất này phản ánh triển vọng sản lượng đường giảm tại Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, cũng như tại Thái Lan do hạn hán kéo dài. Nhu cầu nhập khẩu đường trên thị trường quốc tế ở mức cao, đáng chú ý là tại Indonesia – nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới – cũng là một yếu tố hỗ trợ giá. Tuy nhiên, đồng Real Brazil liên tục yếu đi so với đồng USD kìm chế đà tăng giá đường thế giới.

Theo FAO

Admin

Tình hình nông nghiệp – thực phẩm hậu COVID-19 tại Trung Quốc

Bài trước

Dữ liệu container cho thấy kỳ vọng phục hồi nhu cầu khi Trung Quốc mở cửa và bình ổn giá vận chuyển

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc