0

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đạt trung bình 169,2 điểm trong tháng 1, tăng 4,8 điểm (2,9%) so với tháng 12 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2018. Giá tất cả các loại ngũ cốc chính trên thị trường quốc tế đều tăng trong tháng 1. Giá lúa mì tăng mạnh nhất, chủ yếu nhờ một số nước mua với tốc độ nhanh hơn và suy giảm tốc độ giao hàng từ Pháp – nơi diễn ra các cuộc đình công tại cảng và một báo cáo cho biết về khả năng Nga tiến hành chính sách hạn ngạch xuất khẩu cho tới 30/6/2020 do giá lúa mì nội địa cao. Giá xuất khẩu ngô cũng tăng mạnh trong tháng 1, phản ánh hoạt động thương mại sôi động và nguồn cung thấp theo mùa tại các nước xuất khẩu từ Nam bán cầu. Giá gạo quốc tế tăng nhẹ do áp lực vụ thu hoạch giảm và lo ngại về tác động của thời tiết lên sản lượng gạo của các nước xuất khẩu lớn.

Chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt trung bình 176,3 điểm trong tháng 1, tăng 11,6 điểm (7%) so với tháng 12 và chạm mốc cao nhất trong vòng 3 năm. Giá dầu cọ trên thị trường quốc tế tăng tháng thứ 6 liên tiếp, chủ yếu do triển vọng nguồn cung toàn cầu suy yếu giữa bối cảnh nhu cầu tăng từ ngành nhiên liệu sinh học. Giá dầu đậu tương và hạt hướng dương tiếp tục tăng, do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu cao trùng hợp với thời điểm nguồn cung xuất khẩu khả dụng dự báo giảm. Đồng thời, giá dầu hạt cải tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2014, phản ánh tình trạng nguồn cung toàn cầu thấp. Tuy nhiên, từ giữa tháng 1 trở đi, giá các loại dầu thực vật mất đi động lực tăng, chủ yếu do các bất ổn gia tăng liên quan đến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc và lo ngại về tác động tiềm tàng của đại dịch virus corona toàn cầu. Trong trường hợp của dầu cọ, các căng thẳng thương mại giữa Ấn Độ và Malaysia càng làm gia tăng áp lực giảm giá.

Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 200,6 điểm trong tháng 1, tăng gần 1,8 điểm (0,9%) so với tháng 12. Ở mức này, chỉ số cao hơn 18,6 điểm (10,2%) so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 1, giá bơ, phô mai và sữa bột gầy đồng loạt tăng, phản ánh nhu cầu nhập khẩu mạnh, cộng với nguồn cung khả dụng giao ngay tại châu Âu cũng như châu Đại dương đều hạn chế. Sản xuất sữa đang ở mùa thấp điểm tại châu Đại dương, càng có tác động đẩy giá. Ngược lại, giá sữa bột gầy giảm, phản ánh nhu cầu thế giới hạn chế trong nửa đầu tháng 1.

Chỉ số giá thịt FAO đạt trung bình 182,5 điểm trong tháng 1, giảm 7,5 điểm (4%) so với tháng 12, đánh dấu đợt đứt gãy đầu tiên sau chuỗi 11 tháng tăng điểm liên tục. Ở mức này, chỉ số cao hơn 22,4 điểm (14%) so với cùng kỳ năm 2019. Giá tất cả các loại thịt đều giảm trong tháng 1, với giá thịt cừu giảm mạnh nhất, tiếp theo là giá thịt bò, thịt lợn và thịt gia cầm, chủ yếu do lực mua giảm, đặc biệt là từ Trung Quốc và Viễn Đông sau hàng loạt đợt nhập khẩu lớn vào cuối năm 2019. Hơn nữa, nguồn cung khả dụng xuất khẩu lớn, đặc biệt là thịt lợn và thịt bò, gây áp lực lên giá xuất khẩu trong những tuần gần đây.

Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 200,7 điểm trong tháng 1, tăng 10,4 điểm (5,5%) so với tháng 12, là tháng thứ 4 tăng điểm liên tục và là mức cao nhất kể từ tháng 12/2017. Đợt tăng mới nhất này diễn ra chủ yếu do dự báo sản lượng đường của Ấn Độ giảm 17%, sản lượng khu vực sản xuất đường lớn nhất Brazil cũng giảm 66% và sản lượng đường Mexico giảm 25%. Tuy nhiên, đợt giảm giá dầu gần đây và sự yếu đi liên tục của đồng real Brazil so với đồng USD làm hạn chế đà tăng giá đường quốc tế.

Theo FAO

Admin

Sau bảy tháng giảm, chỉ số giá thực phẩm FAO tăng trong tháng 3/2024, chủ yếu do giá dầu thực vật thế giới tăng cao

Bài trước

Chỉ số giá thực phẩm FAO giảm trở lại trong tháng 2, chủ yếu do giá ngũ cốc thế giới giảm

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc