Ngũ cốc

Các nhà cung cấp gạo toàn cầu gặp rủi ro trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt

0

Thời tiết bất lợi ở khắp các nước cung cấp gạo hàng đầu tại châu Á, bao gồm nước xuất khẩu lớn nhất thế giới là Ấn Độ, đang đe dọa làm giảm sản lượng của loại lương thực quan trọng nhất thế giới và châm ngòi cho lạm phát thực phẩm vốn đã neo ở các mức tiệm cận kỷ lục.

Gạo là mặt hàng chống đỡ trước xu hướng giá thực phẩm ngày càng tăng nhờ sản xuất bội thu và tồn kho lớn tại các nước xuất khẩu chủ lực trong 2 năm vừa qua, ngay cả trong bối cảnh COVID-19, gián đoạn nguồn cung và gần đây nhất là cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến các lại ngũ cốc khác ngày càng đắt đỏ hơn. Nhưng thời tiết bất lợi tại các nước xuất khẩu gạo tại châu Á – chiếm khoảng 90% tổng sản lượng gạo toàn cầu – có thể thay đổi quỹ đạo giá, theo các nhà giao dịch và phân tích cho biết. “Có khả năng giá gạo sẽ tăng cùng với sản xuất giảm tại các nước xuất khẩu chính”, theo ông Phin Ziebell, nhà kinh tế kinh doanh nông nghiệp tại National Australia Bank. "Giá gạo tăng sẽ làm gia tăng thách thức về khả năng chi trả cho thực phẩm tại nhiều khu vực đang phát triển trên thế giới”.

Mưa rải rác tại vành đai ngũ cốc của Ấn Độ, một đợt nóng mạnh tại Trung Quốc, lũ lụt tại Bangladesh, chất lượng gạo giảm tại Việt Nam có thể làm giảm năng suất ở 4 trên 5 nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới, theo các nhà giao dịch và phân tích trả lời Reuters. “Gạo vẫn là mặt hàng dễ tiếp cận ngay cả khi giá thực phẩm nói chung chạm mức cao kỷ lục hồi đầu năm nay”, theo nhà kinh tế học tại FAO Shirley Mustafa. “Chúng ta hiện đang chứng kiến các rủi ro nghiêm trọng về thời tiết tại một số nước sản xuất gạo chính, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh, có thể dẫn tới giảm sản lượng nếu tình hình không cải thiện trong vài tuần tới”.

“Sản lượng chắc chắn giảm”

Các bang sản xuất gạo lớn nhất của Ấn Độ là Bihar, Jharkhand, West Bengal và Uttar Pradesh ghi nhận mức thâm hụt lượng mưa lên tới 45% tính tới thời điểm này, theo dữ liệu từ cơ quan thời tiết quốc gia Ấn Độ. Diễn biến mưa bất lợi dẫn tới giảm 13% diện tích trồng lúa, có thể khiến sản lượng giảm 10 triệu tấn, tương đương 8% so với năm ngoái, theo ông B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn. Diện tích trồng lúa giảm cũng do một số nông dân chuyển sang trồng các loại đậu và hạt có dầu, ông Rao cho hay.

Vụ lúa hè của Ấn Độ chiếm hơn 85% tổng sản lượng hàng năm, tăng vọt lên mức cao kỷ lục 129,66 triệu tấn trong niên vụ kéo dài tới tháng 6/2022. “Sản lượng chắc chắn giảm nhưng câu hỏi lớn là chính phủ Ấn Độ sẽ phản ứng ra sao”, theo một thương nhân tại Mumbai.

Tồn kho lúa và gạo tại Ấn Độ tính tới ngày 1/7 đạt tổng cộng 55 triệu tấn, so với mục tiêu chỉ 13.54 triệu tấn – số liệu giúp kéo giá gạo giảm trong suốt năm vừa qua cùng với lượng xuất khẩu gạo cao kỷ lục lên tới 21,5 triệu tấn của nước này trong năm 2021 – con số cao hơn tổng kim ngạch xuất khẩu của 4 nước xuất khẩu gạo lớn kế tiếp là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ. “Nhưng chính phủ Ấn Độ cực kỳ nhạy cảm về giá. Chỉ một mức tăng giá nhỏ cũng đủ khiến họ áp các lệnh hạn chế xuất khẩu”, theo thương nhân nói trên cho hay.

Tại Việt Nam, mưa trong suốt giai đoạn thu hoạch gây thiệt hại lớn cho chất lượng lúa. “Tôi chưa từng thấy mưa lớn như thế trong giai đoạn thu hoạch. Diễn biến này rất bất thường”, theo ông Trần Công Đăng, một nông dân 50 tuổi tại tỉnh Bạc Liêu cho hay. “Chỉ trong 10 ngày, tổng lượng mưa có vẻ như ngang bằng cả tháng trước đó”, ông Đăng ước tính thiệt hại tới 70% sản lượng trên diện tích trồng lúa 2ha ông sản xuất do lụt lội.

Nhập khẩu, giá

Trung Quốc – nước tiêu dùng và nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới – hứng chịu thiệt hại năng suất sau khi đợt nóng cực đoan xảy ra tại các khu vực trồng ngũ cốc và dự báo đẩy nhập khẩu gạo của nước này lên mức cao kỷ lục 6 triệu tấn trong năm 2022/23, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Nước tiêu dùng gạo lớn thứ 3 thế giới là Bangladesh cũng được dự báo sẽ tăng nhập khẩu gạo sau khi các khu vực sản xuất chính chịu thiệt hại do lũ. Mức độ suy giảm sản lượng ở các nước, ngoại trừ Ấn Độ, vẫn chưa được chính phủ hay các nhà phân tích ước tính do thường chỉ công bố dữ liệu sản lượng vào cuối năm.

Nhưng tác động của thời tiết bất lợi có thể trở nên rõ rêt hơn khi giá xuất khẩu từ Ấn Độ và Thái Lan tăng nhẹ. “Giá gạo trước đó vốn đã dao động ở mức đáy và chúng tôi ghi nhận thị trường đang trên đà tăng giá”, theo một nhà giao dịch tại Singapore. “Nhu cầu đang tăng lên khi các khách hàng như Philippines và các thị trường khác tại châu Phi bắt đầu tăng tốc đặt hàng”.

Theo Reuters

Admin

Sau bảy tháng giảm, chỉ số giá thực phẩm FAO tăng trong tháng 3/2024, chủ yếu do giá dầu thực vật thế giới tăng cao

Bài trước

Chỉ số giá thực phẩm FAO giảm trở lại trong tháng 2, chủ yếu do giá ngũ cốc thế giới giảm

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Ngũ cốc