0

Chỉ số giá thực phẩm FAO (FFPI) đạt trung bình 120,9 điểm trong tháng 4/2021, tăng 2 điểm (1,7%) so với tháng 3 và cao hơn tới 28,4 điểm (30,8%) so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tháng tăng điểm thứ 11 liên tiếp của chỉ số này và đưa FFPI lên chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2014. Mức tăng điểm trong tháng 4 chủ yếu được dẫn dắt bởi giá đường tăng mạnh nhất, tiếp theo tới các loại dầu thực vật, thịt, sữa và ngũ cốc.

Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 125,1 điểm trong tháng 4, tăng 1,5 điểm (1,2%) so với tháng 3, nối lại đà tăng sau một tháng giảm điểm vừa qua, và cao hơn cùng kỳ năm 2020 tới 25,8 điểm (26%). Áp lực tăng giá do diện tích trồng trọt tại Mỹ thấp hơn dự kiến và nỗi lo về tình hình mùa vụ tại Argentina, Brazil và Mỹ đẩy giá ngô tăng 5,7% trong tháng 4. Với nguồn cung ngô nhìn chung đang giảm, nhu cầu tiếp tục tăng mạnh đã đẩy giá ngô lên mức cao hơn cùng kỳ năm 2020 tới 66,7% và neo ở ưmcs cao nhất kể từ giữa năm 2013. Trong số các ngũ cốc thô khác, giá đại mạch và giá hạt tiêu tiếp tục giảm, với mức giảm lần lượt là 1,2% và 1% trong tháng 4, nhưng vẫn cao hơn lần lượt 26,8% và 86,5% so với cùng kỳ năm 2020. Giá lúa mỳ quốc tế duy trì ổn định trong tháng 4 nhưng cao hơn 17% so với tháng 4/2020. Trong khi giá lúa mỳ được củng cố nhờ giá ngô tăng, cùng với những lo ngại về tình hình sản xuất tại Mỹ và một số nước khác tại châu Âu, dự báo triển vọng sản xuất lúa mỳ toàn cầu tích cực được cho là sẽ giữ giá lúa mỳ nhìn chung ổn định. Ngược lại, giá gạo quốc tế tiếp tục giảm trong tháng 4, chủ yếu phản ánh các diễn biến tỷ giá và hoạt động giao dịch chậm lại khi các khó khăn logistics kéo dài dai dẳng và cước vận chuyển tiếp tục neo ở mức cao.

Chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt trung bình 162 điểm trong tháng 4/2021, tăng 2,9 điểm (1,8%) so với tháng 3, chủ yếu do giá dầu đậu nành, giá dầu hạt cải và giá dầu cọ tăng mạnh hơn mức giảm giá dầu hạt hướng dương. Giá dầu cọ trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng trong tháng 4 do lo ngại về tăng trưởng sản lượng chậm hơn dự báo tại các nước xuất khẩu lớn. Giá dầu đậu tương và dầu hạt cải tiếp tục tăng do nhu cầu toàn cầu neo ở mức cao, bao gồm nhu cầu từ các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học và nguồn cung thế giới giảm. Ngược lại, giá dầu hạt hướng dương giảm nhẹ do điều chỉnh theo diễn biến nhu cầu.

Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 118,9 điểm trong tháng 4, tăng 1,4 điểm (1,2%) so với tháng 3, ghi nhận tháng tăng điểm thứ 11 liên tiếp và đưa chỉ số này lên mức cao hơn tới 24,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 4/2021, giá bơ tăng, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu mạnh tại châu Á, trong khi nhu cầu nội khối châu Âu giảm đi. Giá sữa bột gầy tăng do nhu cầu nhập khẩu cao từ Đông Á, một phần do lo ngại khả năng giao hàng chậm trong khi nguồn cung giao ngay tại châu Âu và châu Đại dương khá hạn chế. Giá phô mai cũng tăng do nhu cầu cao tại châu Á và sản xuất thấp hơn dự báo tại chau Âu, cùng với nguồn cung suy giảm theo mùa từ châu Đại dương. Ngược lại, giá sữa bột nguyên kem giảm nhẹ, phản ánh nhu cầu nhập khẩu giảm đối với nguồn cung sẵn có, sau khi thị trường này giao dịch khối lượng rất lớn trong thời gian gần đây.

Chỉ số giá thịt* FAO đạt trung bình 101,8 điểm trong tháng 4, tăng 1,7 điểm (1,7%) so với mức chỉ số điều chỉnh trong tháng 3, đánh dấu tháng tăng điểm thứ 7 liên tiếp và đưa chỉ số này lên mức cao hơn 5,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 4/2021, giá thịt bò và thịt cừu tăng, chủ yếu do nhu cầu mạnh tại Đông Á, giữa bối cảnh nguồn cung từ châu Đại dương thấp khi khu vực này tiếp tục tái đàn chăn nuôi và tồn kho thấp. Giao thương nội khối tăng tại một số khu vực sản xuất cũng hỗ trợ giá thịt bò và thịt cừu. Giá thịt lợn tăng do nhu cầu nhập khẩu liên tục tại Đông Á, bất chấp xuất khẩu từ EU tăng, trong khi nguồn thịt lợn Đức vẫn chưa thể tiếp cận trở lại thị trường Trung Quốc do những lo ngại liên quan đến dịch tả lợn. Đồng thời, giá thịt gà duy trì ổn định, phản ánh tình hình thị trường toàn cầu đang ở trạng thái cân bằng.

Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 100 điểm trong tháng 4, tăng 3,8 điểm (3,9%) so với tháng 3 và chạm mức cao hơn gần 60% so với cùng kỳ năm 2020. Giá đường tăng trở lại trong tháng 4/2021 chủ yếu phản ánh sức mua tăng giữa bối cảnh lo ngại nugồn cung toàn cầu giảm trong niên vụ 2020/21, khi tiến độ thu hoạch tại Brazil diễn ra chậm và thiệt hại do sương giá tại Pháp. Tuy nhiên, sự mạnh lên của đồng real Brazil so với đồng USD tác động lên xuát khẩu đường từ Brazil – nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, áp lực tăng giá phần nào bị kìm chế do triển vọng xuất khẩu từ Ấn Độ ở mức cao và giá dầu thô giảm nhẹ.

*Không giống các nhóm hàng hóa khác, phần lớn giá dùng để tính toán Chỉ số giá thịt của FAO không có sẵn khi Chỉ số giá thực phẩm của FAO được tính toán và công bố nên Chỉ số giá thịt trong những tháng gần đây đến từ giá quan sát và dự báo. Vào thời điểm này, chỉ số giá này cần những điều chỉnh lớn trong giá trị Chỉ số giá thịt FAO, có thể tác động tới Chỉ số giá thực phẩm FAO nói chung.

Theo FAO

Admin

Sau bảy tháng giảm, chỉ số giá thực phẩm FAO tăng trong tháng 3/2024, chủ yếu do giá dầu thực vật thế giới tăng cao

Bài trước

Chỉ số giá thực phẩm FAO giảm trở lại trong tháng 2, chủ yếu do giá ngũ cốc thế giới giảm

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc