0

Thu nhập và tiêu chuẩn sống tăng lên, đô thị hóa và những lo ngại về an toàn thực phẩm thổi bùng nhập khẩu nông sản tại Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi nước này tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Do thu nhập tăng, khẩu phần ăn điển hình của người Trung Quốc thay đổi theo hướng tăng thịt, sữa và thực phẩm chế biến, trong khi tiêu thụ ngũ cốc giảm. Trong giai đoạn 2000 – 2019, tiêu dùng thịt gia cầm trên đầu người tăng 32%, tiêu dùng dầu đậu nành tăng gấp 4 lần và tiêu dùng sữa dạng nước tăng hơn 3 lần.

Là một nước có quỹ đất nông nghiệp tương đối khan hiếm (diện tích đất nông nghiệp trên đầu người chưa bằng 20% so với tại Mỹ), trong thập kỷ đầu tiên gia nhập WTO, các hàng hóa nông sản thâm dụng đất như đậu tương, hạt kê và bông là động lực chính cho nhập khẩu nông sản của Trung Quốc. Trung Quốc sản xuất phần lớn thịt phục vụ tiêu thụ nội địa nhưng sự thay đổi về khẩu phần ăn làm tăng tỷ trọng đất sử dụng để sản xuất TACN. Tuy nhiên, nguồn cung TACN nội địa không thể đáp ứng kịp nhu cầu tăng vọt, và nhập khẩu đậu tương cùng các nguyên liệu TACN khác cũng tăng theo.

Tuy nhiên, khoảng năm 2012, giá trị nhập khẩu nông sản lớn của nước này xảy ra bước ngoặt và ngừng tăng. Thay đổi này diễn ra trùng khớp với suy giảm mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nhập khẩu đậu tương đi ngang từ đó tới nay. Nhập khẩu bông cũng bắt đầu giảm từ mức cao kỷ lục 11,9 tỷ USD trong năm 2012 – giai đoạn Trung Quốc tích trữ bông nội địa để hỗ trợ giá và nguồn bông giá rẻ nhập khẩu tăng vọt để đáp ứng nhu cầu ngành may mặc. Chính sách của Trung Quốc nhằm hỗ trợ thu nhập cho người sản xuất thông qua cơ chế giá sàn cũng dẫn tới tăng mạnh tích trữ lúa mì, gạo và ngô trong các kho dự trữ quốc gia.

Từ năm 2014, tồn kho ngô của Trung Quốc đã chiếm hơn 60% tổng tồn kho ngô toàn cầu. Để xả kho ngô khổng lồ này, chính phủ Trung Quốc đã liên tục tổ chức các phiên đấu giá ngô và các hàng hóa thay thế ngô với nhiều chính sách khác nhằm khuyến khích sử dụng ngũ cốc nội địa. Một số biện pháp có thể đã đi quá xa, như chính sách thuế chống bán phá giá lên bã ngũ cốc khô từ Mỹ (DDGs) và lúa mạch Úc, khiến các nhà máy TACN bị hạn chế lựa chọn cho sản xuất vào thời điểm nước này đang nỗ lực tái thiết ngành chăn nuôi lợn sau thời gian dài gánh chịu dịch tả lợn (ASF) ở tốc độ nhanh hơn dự báo. Tình hình này dẫn tới nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc bật tăng mạnh từ đầu năm 2020 đến nay khi tìm cách khắc phục vấn đề gián đoạn chuỗi phân phối do COVID-19 gây ra và cam kết tăng mua nông sản Mỹ theo Thỏa thuận Giai đoạn 1.

Nhập khẩu hàng hóa trung gian sản xuất của Trung Quốc giảm từ năm 2012. Dầu cọ, dầu đậut ương và nhập khẩu da thuộc giảm mạnh nhất. Giảm nhập khẩu dầu cọ và dầu đậu tương một phần do công suất chế biến quá mức trong nước và tình trạng dư cung. Nhu cầu da thuộc thế giới giảm trong những năm gần đây nên nhập khẩu da thuộc của Trung Quốc chủ yếu sử dụng trong ngành da giày và sản xuất ô tô. Ngoài ra, một phần trong ngành da thuộc dịch chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, khiến nhu cầu da thuộc Trung Quốc giảm xuống.

Ngược lại, nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng tiếp tục tăng, dẫn đầu là thịt, sữa và rau củ quả. Tăng nhu cầu, tăng trưởng chậm nguồn cung nội địa, và chi phí tăng đối với TACN, lao động và đất, đẩy giá sữa và thịt đều tăng, khiến thịt nhập khẩu trở nên ngày càng cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc. Gần đây, dịch tả lợn gây gián đoạn nguồn cung thịt lợn nội địa và dẫn tới giá tất cả các loại protein động vật đều tăng, kéo theo giá thực phẩm tăng mạnh trong năm 2019, càng thổi bùng nhập khẩu protein. Trung Quốc là thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới với giá trị nhập khẩu đạt 6,4 tỷ USD trong năm 2019. EU và Mỹ là các nhà cung cấp thịt lợn hàng đầu cho thị trường Trung Quốc, với thị phần lần lượt là 63% và 16% về giá trị. Brazil, vốn chưa từng xuất khẩu lượng lớn các sản phẩm thịt lợn sang Trung Quốc cho tới năm 2016, đã nhanh chóng trở thành nước cung cấp thịt lợn lớn thứ 3 cho thị trường này với thị phần 9%.

Với tiêu dùng tăng và năng lực hạn chế trong sản xuất thịt bò nội địa, Trung Quốc đang ngày càng dựa vào nguồn thịt bò nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu. Nhập khẩu thịt bò và các sản phẩm từ thịt bò tăng phi mã kể từ năm 2012 với mức tăng hàng năm tới 48%, đưa Trung Quốc vượt Mỹ trở thành thị trường thịt bò lớn nhất thế giới vào năm 2019 với kim ngạch nhập khẩu đạt 8,4 tỷ USD. Các nước cung cấp thịt bò lớn nhất là Brazil, Úc, và Argentina, với thị phần lần lượt là 25%, 21% và 21%.

Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới, trị giá 12 tỷ USD trong năm 2019. Tiêu dùng các sản phẩm sữa của Trung Quốc đang tăng nhanh từ mốc thấp, đưa Trung Quốc trở thành một yếu tố chi phối thị trường sữa thế giới. Ước tính tiêu thụ sữa trên đầu người tại Trung Quốc hiện ở mức 35kg/người/năm, so với 300 kg/người/năm tại Tây Âu. Sữa tiệt trùng UHT và sữa bột nguyên kem là các sản phẩm chính trong cơ cấu nhập khẩu sữa của Trung Quốc nhưng động lực chính của tăng nhập khẩu sữa những năm gần đây là sữa công thức cho trẻ sơ sinh. Bất chấp các nỗ lực của Trung Quốc trong thắt chặt các quy định và hợp nhất ngành sau scandal melamine năm 2008, nỗi lo an toàn thực phẩm đối với sữa công thức cho trẻ sơ sinh vẫn còn và khiến người tiêu dùng ưa chuộng sữa ngoại nhập hơn. Năm 2012, Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu đối với sữa công thức cho trẻ sơ sinh từ 10% xuống còn 5%. 2 năm sau đó, chính phủ Trung Quốc cũng phê chuẩn các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới để người tiêu dùng có thể đặt hàng trực tiếp từ nước ngoài ở mức thuế thấp hơn. Nhập khẩu sữa công thức cho trẻ so sinh mở rộng từ nhiều nguồn khác nhau, trong khi nhập khẩu các sản phẩm sữa bột giảm. Năm 2008, sữa công thức cho trẻ sơ sinh chiếm 28% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sữa của Trung Quốc và tỷ trọng này trong năm 2019 tăng lên 45%. Top các nước cung cấp sữa cho Trung Quốc là EU và New Zealand. EU thống trị thị trường sữa công thức cho trẻ sơ sinh, với thị phần lên tới 45%. New Zealand đnag liên tục mở rộng thị phần nhờ thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc và hiện có thị phần 40%.

Tăng nhu cầu đối với thực phẩm lành mạnh đang thúc đẩy kinh doanh trái cây và các loại hạt. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu trái cây tươi lớn thứ 3 thế giới, với giá trị nhập khẩu 8,6 tỷ USD trong năm 2019. Sầu riêng, các loại cherry và chuối chiếm gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây tươi của Trung Quốc. Thái Lan, Chile và Việt Nam là các nước cung cấp lớn nhất. Người tiêu dùng đang ngày càng nâng cao nhận thức về lợi ích sức khỏe của các loại hạt, theo các nhà nhập khẩu tại Trung Quốc cho hay, coi đây là các thực phẩm “trung thực”, ít bị pha tạp nhất. Nhập khẩu các loại hạt của Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng 26%/năm kể từ năm 2001, đạt 2,8 tỷ USD trong năm 2019. Mỹ là nước cung cấp lớn nhất với thị phần lên tới 30%, theo sau là Úc (14%) và Việt Nam (12%).

Theo  USDA

Admin

Sự tàn phá môi trường: Ngành nuôi trồng thủy sản châu Á cần ưu tiên đô thị hóa và hiệu quả để tránh thảm họa

Bài trước

Tin vắn ngành chăn nuôi ngày 10/6

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc