Xu hướng và dự báo

La Nina có thể đe dọa đẩy sản xuất và giá thực phẩm toàn cầu biến động mạnh

0

Hệ thời tiết La Nina có thể gây ra nhiều rủi ro cho sản xuất thực phẩm toàn cầu, đẩy giá thực phẩm tăng do các đợt hạn hán và lũ lụt có thể diễn ra tại nhiều khu vực sản xuất nông sản hàng hóa trọng yếu từ Đông Nam Á tới Nam Mỹ. Trung tâm Dự báo Thời tiết Mỹ vào giữa tuần trước đã thông báo La Nina chính thức hình thành sau khi đợt La Nina mạnh gần đây nhất diễn ra vào năm 2011. Vào năm 2011, La Nina nổi lên khiến sản xuất hàng loạt nông sản khó khăn, dẫn tới giá thực phẩm thế giới tăng mạnh, với Chỉ số giá thực phẩm FAO tăng lên mức kỷ lục vào tháng 2/2011, với mức tăng 37% so với hồi cuối năm 2009.

La Nina thường có tác động sâu rộng lên hàng hoạt hàng hóa nông sản do La Nina mang đến lượng mưa mùa đông xuân cao hơn trung bình tại Úc, đặc biệt là trên khắp các khu vực miền đông, trung và bắc nước này, cũng như tại Đông Nam Á với khả năng gây ra lụt lội. Ngược lại, La Nina có thể gây ra các đợt khô dai dẳng tại miền nam nước Mỹ và nhiệt độ thấp hơn cùng những cơn bão tại miền bắc nước này trong suốt mùa đông. Tại Nam Mỹ, đất nông nghiệp tại Argentina đang ngày càng trở nên khô cằn cùng với khả năng hạn hán diễn ra tại nhiều khu vực của Brazil. “Hiện tượng thời tiết này làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp trên diện rộng, với các nông sản bị ảnh hưởng là đậu tương, ngô, hạt cải, đường, cà phê và cao su”, theo nhà phân tích Alvin Tai của Bloomberg.

Lúa mì

La Nina diễn ra vào năm 2010 – 2011 đã khiến Úc ghi nhận hai năm ẩm ướt kỷ lục liên tiếp, theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Úc, cùng với sản lượng lúa mỳ vụ đông 2011-12 ở mức cao. Theo dự báo hồi tháng 7 của USDA, sản lượng lúa mỳ Úc có thể tăng tới 78% lên 28 triệu tấn trong vụ hiện tại. “Mùa xuân ẩm ướt sẽ giúp phát triển đồng cỏ và đẩy năng suất lúa mỳ vụ đông tăng cao”, theo báo cáo kinh doanh nông nghiệp tháng 9 của Rabobank cho hay. “Tuy nhiên, nếu thời tiết ẩm ướt tiếp tục cho tới thời diểm thu hoạch thì có thể làm giảm chất lượng lúa mỳ”.

La Nina vào thời điểm cuối vụ sẽ không tác động mạnh tới vụ đông hiện tại ở Úc, theo dự báo của Abares trong báo cáo triển vọng công bố hồi tháng 6. Hoạt động thu hoạch lúa mỳ và lúa mạch sẽ bắt đàu trong vài tuần tới. La Nina cũng có thể làm trầm trọng hơn mức độ khô hạn tại Argentina, làm chệch hướng những dự báo về sản lượng lúa mỳ cao kỷ lục tại một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Đậu tương

Những người trồng đậu tương tại Mỹ có thể thoát thiệt hại do hoạt động thu hoạch thường hoàn tất vào tháng 11. Đậu tương Brazil có thể hứng chịu rủi ro lớn hơn “nếu hạn hán và nhiệt độ cao gây bất lợi cho sản xuất, vốn thường diễn ra từ giữa tháng 8 tới giữa tháng 12”, ông Tai cho hay. Mỹ, Brazil và Argentina chiếm khoảng 80% sản lượng đậu tương thế giới và sản lượng giảm có thể đẩy giá đậu tương tăng. Trong vụ 2011 – 12, sản lượng đậu tương Brazil đã giảm 12%.

Dầu cọ

Lượng mưa tăng lên tại Đông Nam Á có thể thúc đẩy sản xuất dầu cọ, trong khi ngành này đồng thời hưởng lợi từ sản lượng dầu đậu tương giảm, ông Tai nhận định. Lượng mưa tại Đông Nam Á, đặc biệt là tại Sabah và Kalimantan, đã tăng kể từ tháng 6, theo Ling Ah Hong, giám đốc công ty tư vấn trồng trọt Ganling Sdn. Tác động của La Nina lên sản xuất cọ phụ thuộc vào mức độ mạnh yếu của hiện tượng này, ông Ling cho hay. “La Nina yếu đến trung bình thường mang lại lợi ích cho sản xuất cọ trong năm tiếp theo”, ông cho biết. “Tuy nhiên, nếu diễn ra mưa lớn thì có thể gây ra gián đoạn ngắn hạn trong thu hoạch và chất lượng mùa vụ”.

Cà phê

Các hiện tượng thời tiết La Nina và El Nino có thể tác động rất khác nhau tới giá cà phê. Trong đợt La Nina mạnh gần nhất, giá cà phê Arabica tăng vọt 127% trong giai đoạn 2010 – 2012, trong khi giá cà phê Robusta tăng 105%.

Cà phê Arabica chủ yếu trồng tại Brazil, có thể chịu tác động nặng nề bởi hạn hán gây ra bởi La Nina. Trong khi đó, chênh giá cà phê Arabica và Robusta sẽ thu hẹp trong những năm El Nino do sản lượng cà phê Robusta tại Việt Nam và Indonesia giảm do hạn hán, ông Tai cho hay. Sản lượng cà phê tại Brazil, Colombia và Indonesia giảm 5-10% trong năm 2010 – 2012 trong khi diện tích trồng cà phê của Việt Nam tăng mạnh.

La Nina có xu hướng mang lượng mưa cao hơn trung bình tới nhiều khu vực của Colombia, và tác động thường bắt đầu lộ rõ từ tháng 10 – 12, theo Roberto Velez, CEO của Liên hiệp những người trồng cà phê Colombia cho hay. Trong khi đó, hiện tượng này có thể mang đến lợi ích cho những khu vực vốn có ít mưa, những ngày nhiều mây làm giảm mức độ ánh sáng xuống dưới mức cần thiết, làm giảm năng suất tiềm năng. Độ ẩm tăng cũng có thể châm ngòi cho bệnh gỉ sắt trên cây cà phê, từng diễn ra vào năm 2010 – 2012, làm giảm sản lượng. Tuy nhiên, khoảng 80% diện tích cà phê tại nước sản xuất cà phê Arabica lớn thứ hai thế giới hiện đnag kháng được bệnh gỉ sắt, so với tỷ lệ rất thấp trong đợt La Nina gần đây nhất.

Sản lượng cà phê Indonesia có thể giảm do mưa làm rụng trái hoặc làm thối trái, đặc biệt là nếu mưa kéo dài hơn 10 ngày liên tiếp, theo ông Moelyono Soesilo, lãnh đạo mảng cà phê đặc sản và chế biến cà phê tại Hiệp hội các ngành và nhà xuất khẩu cà phê Indonesia.

Đường

Sản lượng đường tại Úc, Brazil và Thái Lan có thể bị tác động, ông Tai nhận định. Hạn hán làm giảm sản lượng mía đường tại Brazil, với năng suất giảm tới 12% trong dợt La Nina mạnh gần đây nhất. Tại Úc, mưa lớn tại miền bắc có thể làm trễ thu hoạch. Hoạt động nghiền đã đi được nửa chặng đường tại các vùng sản xuất của Úc và “những năm La Nina có thể mang đến lượng nước không cần thiết trong mùa nghiền”, theo Charles Clack, nhà phân tích hàng hóa tại Rabobank trong báo cáo tháng 9 nhận định.

Bông

Đối với bông, điều kiện thời tiết khô hơn bình thường tại miền nam và miền tây Brazil cũng như miền bắc Argentina có thể gây tác động tiêu cực cho mùa bông tại các khu vực này; trong khi lượng mưa tăng có thể giúp ngành bông nước Úc hưởng lợi, theo Donald Keeney, trưởng ban khí tượng thủy văn tại Gaithersburg, Maryland.

Theo Bloomberg

Admin

Sự chuyển dịch từ El Nino sang La Nina gây mưa ở châu Á, khô hạn ở châu Mỹ

Bài trước

Sản lượng lúa Ấn Độ giảm, chính sách hạn chế xuất khẩu có thể kéo dài

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc