Việt Nam, Thái Lan và Myanmar nằm trong khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới và chiếm gần 221 triệu dân số Đông Nam Á. Ba nước này hưởng lợi lớn từ thương mại liên khu vực và trong 2 thập kỷ qua, các nước này đã hình thành được các nền kinh tế định hướng xuất khẩu mạnh, có kinh nghiệm và tăng trưởng duy trì ổn định. Vốn là các nền kinh tế nông nghiệp, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar không còn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nội địa làm nguồn cung thực phẩm chính và chỉ năm 2018, tổng giá trị nhập khẩu nông sản của ba nước đã đạt hơn 42 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu nông sản Mỹ sang Thái Lan đạt hơn 2,1 tỷ USD, sang Việt Nam đạt hơn 4 tỷ USD và sang Myanmar đạt 126,7 triệu USD. Trong tương lai, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) khuyến nghị các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ nên tập trung vào mở rộng mối quan hệ đối tác với 3 nước này, đặc biệt bởi các nền kinh tế này tiếp tục phát triển và thu nhập đầu người tiếp tục tăng.

Xuất khẩu nông sản Mỹ sang Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 4 tỷ USD trong năm 2018, đưa Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của nông sản Mỹ. Với dân số hơn 97 triệu người, Việt Nam đang sở hữu một nền kinh tế với tăng trưởng GDP đạt 7,1% trong năm 2018. Việt Nam cũng giữ tỷ lệ thất nghiệp chỉ dưới 1,9%, lạm phát ổn định ở mức gần 3%, và hơn 90% dân số sống trên ngưỡng nghèo quốc gia. Đồng thời, Việt Nam đã chuyển dịch nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, tăng xuất khẩu và hội nhập mạnh mẽ vào thị trường toàn cầu. Dù vậy, ngành nông nghiệp vẫn chiếm 40,3% lực lượng lao động và chiếm 15,3% GDP cả nước. Đồng thời, Việt Nam cũng xuất khẩu hàng tỷ đô la các loại hạt, cà phê, gạo và các hàng hóa khác. Việt Nam nhập khẩu lượng lớn nông sản trên khắp thế giới. Là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 sang Việt Nam sau Trung Quốc, Mỹ hiện đang có vị thế vững chắc trên thị trường Việt Nam và có nhiều cơ hội tăng trưởng.

Với sự kết hợp giữa tăng trưởng GDP nhanh và tầng lớp trung lưu tiếp tục lớn mạnh, Việt Nam trở thành một thị trường quan trọng cho các sản phẩm định hướng tiêu dùng. Xuất khẩu hàng hóa định hướng tiêu dùng sang Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD trong năm 2018, tăng 5% so với năm 2017. Xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng từ Mỹ sang Việt Nam cũng đạt mức cao kỷ lục 977 triệu USD trong cùng năm, tăng 21% so với năm 2017 và dự báo đạt 1 tỷ USD trong năm 2019. Top 5 mặt hàng xuất khẩu định hướng tiêu dùng sang Việt Nam bao gồm rau tươi và chế biến, thịt bò và các sản phẩm từ thịt bò, các loại trái cây tươi, các loại hạt và các nguyên liệu thực phẩm, nhiều loại đồ uống khác nhau.

Với thu nhập khả dụng ngày càng nhanh và lo ngại về an toàn thực phẩm, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu với niềm tin là có chất lượng và tiêu chuẩn an toàn cao hơn. Các loại trái cây tươi và thực phẩm chế biến ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam với giá trị xuất khẩu từ Mỹ tăng lần lượt 42% và 15% trong năm 2018 so với năm 2017. Ngoài ra, tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bán lẻ, cơ sở hạ tầng, như chuỗi lạnh, được cải thiện, giúp duy trì chất lượng và người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm được bảo quản tốt.

Top các mặt hàng xuất khẩu nông sản Mỹ triển vọng sang Việt Nam là:

Sữa: Xuất khẩu sữa của Mỹ sang Việt Nam đạt 145 triệu USD trong năm 2018, tăng 29% so với năm 2017. Bất chấp sự cạnh tranh mạnh từ các nước có thỏa thuận ưu đãi thuế trong các FTAs với Việt Nam (như New Zealand, Úc và châu Âu), các sản phẩm sữa của Mỹ vẫn có vị thế vững chắc trên thị trường Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sữa bột gầy của Mỹ đứng đầu nhóm mặt hàng các sản phẩm sữa trong năm 2018 do lợi thế nguồn cung dồi dào. Ngoài ra, nhu cầu đối với các nguyên liệu trong ngành sữa của Việt Nam cũng tăng trưởng 10 – 12%/năm. Ngoài sữa bột, thị trường Việt Nam cũng đầy tiềm năng cho các sản phẩm chế biến như phô mai, để phục vụ ngành dịch vụ ẩm thực đang tăng trưởng tốt, với giá trị xuất khẩu các sản phẩm này tăng 25% lên 570.000 USD trong năm 2018.

Gỗ cứng: Là một sản phẩm liên quan đến nông nghiệp, nhu cầu đối với gỗ cứng tại Việt Nam đang tăng, do ngành chế biến gỗ tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và thu về ngoại tệ. Trong năm 2018, xuát khẩu nội thất và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2017. Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, ngành sản xuất nội thất Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, tăng 10% từ mức 900 triệu USD năm 2017 lên 990 triệu USD trong năm 2018. Mỹ là nước cung cấp gỗ cứng lớn nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu năm 2018 đạt 311 triệu USD, tăng 18% so với năm 2017. Các loại gỗ chiếm tỷ trọng lớn bao gồm gỗ uất kim hương và sồi trắng, đồng thời tiêu dùng gỗ óc chõ, sồi đỏ và sủi Tây đỏ cũng tăng mạnh trong năm 2018.

Các sản phẩm thịt: Tiêu dùng thịt của Việt Nam tăng mạnh trong thập kỷ qua với sự phình to của tầng lơp trung lưu. Các ngành khách sạn, nhà hàng và sản xuất công nghiệp đẩy nhu cầu đối với thịt bò, thịt lợn, thịt gà và thủy sản nhập khẩu tăng vọt tại Việt Nam. Xuất khẩu thịt bò Mỹ sang Việt Nam tăng 35% trong năm 2018 so với năm 2017 lên gần 82 triệu USD. Thịt lợn Mỹ, bất chấp đối mặt với cạnh tranh mạnh từ châu Âu, có mức tăng trưởng xuất khẩu lên tới 191% trong cùng kỳ so sánh lên 35 triệu USD. Những bước phát triển gần đây trong ngành chế biến thịt của Việt Nam, chủ yếu nhờ tăng đầu tư nội địa và nước ngoài, cũng thúc đẩy nhu cầu thịt lợn tại Việt Nam. Ngoài ngành dịch vụ ẩm thực của Việt Nam, USDA cũng khuyến nghị các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ nên để mắt với ngành chế biến thịt của Việt Nam như một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu các sản phẩm thịt lợn Mỹ. Xuất khẩu thịt gà Mỹ sang Việt Nam năm 2018 cũng ghi nhận mức cao kỷ lục 110 triệu USD và xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm 2019.

Bông: Bông nổi lên là mặt hàng nông sản Mỹ xuất khẩu hàng đầu sang Việt Nam trong 5 năm qua. Xuất khẩu bông hiện chiếm 49% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Mỹ sang Việt Nam. Xuất khẩu bông Mỹ sang Việt Nam tăng vọt từ mức 392 triệu USD năm 2014 lên mức cao kỷ lục 1,3 tỷ USD trong năm 2018, với xuất khẩu bông trong 7 tháng đầu năm 2019 sang Việt Nam đã đạt hơn 1 tỷ USD. Ngành dệt của Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới thông qua cả mở rộng các hoạt động sản xuất hiện nay lẫn đầu tư nhà máy mới.

Các nguyên liệu thực phẩm/các loại đồ uống: Nhờ lượng du khách hàng năm tăng lên và thu nhập khả dụng tại Việt Nam cũng tăng, nhu cầu của người tiêu dùng đối với thực phẩm chế biến đang tăng lên. Năm 2018, Mỹ là nước xuất khẩu nguyên liệu thực phẩm lớn thứ 7 sang Việt Nam. Nhập khẩu nguyên liệu thực phẩm và đồ uống chạm mức 1 tỷ USD trong năm 2018 nhưng dư địa thị trường dành cho các sản phẩm từ Mỹ vẫn còn rất lớn.

Các hàng hóa nổi bật khác: Nhập khẩu rau tươi của Việt Nam tăng mạnh và đạt 920 triệu USD trong năm 2018. Tuy nhiên, xuất khẩu từ Mỹ chỉ đạt 1 triệu USD, chủ yếu là khoai tây tươi. Nhập khẩu khoai tây tươi của Việt Nam năm 2018 đạt 100 triệu USD, cho thấy tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu khoai tây Mỹ. Đồng thời, nhập khẩu các loại nguyên liệu và TACN cũng tăng từ 645 triệu USD năm 2016 lên 707 triệu USD trong năm 2018. Mỹ chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc với giá trị xuất khẩu 77 triệu USD trong năm 2018 so với mức 194,4 triệu USD từ Trung Quốc. Xuất khẩu trái cây tươi Mỹ sang Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 102 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2019.

Theo USDA
Admin

Thực phẩm Việt trên đường chinh phục thị trường toàn cầu

Bài trước

Xuất khẩu nông sản ghi dấu ấn trong quý 1/2024

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc