Theo cập nhật mới nhất của FAO, giá thực phẩm thế giới tháng 9/2018 giảm với chỉ giá đường tăng. Chỉ số giá thực phẩm FAO (FFPI) đạt trung bình 165,4 điểm trong tháng 9/2018, giảm 2,3 điểm (1,4%) so với tháng 8 và thấp hơn 13 điểm (7,4%) so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ riêng giá đường tăng trong tháng 9 vừa qua, trong khi giá ngũ cốc giảm mạnh nhất so với tháng 8.

Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình gần 164 điểm trong tháng 9, giảm 4,7 điểm (2,8%) so với tháng 8, nhưng vẫn cao hơn 12 điểm (8%) so với cùng kỳ năm 2017. Trong số các loại ngũ cốc chính, giá loại ngũ cốc giảm mạnh nhất so với tháng 8 là giá ngô xuất khẩu, giảm ít nhất 4% so với tháng 8, chủ yếu do dự báo sản lượng thu hoạch lớn tại Mỹ và triển vọng nguồn cung quốc tế dồi dào. Giá lúa mỳ, từng tăng mạnh trong tháng 8, cũng giảm trong tháng 9, chủ yếu do sản lượng và xuất khẩu lúa mỳ từ Nga tăng. Giá gạo quốc tế giảm tháng thứ ba liên tiếp, do đồng Baht mạnh lên và triển vọng bán gạo cho Philippines không thành trong tháng 9, đẩy giá gạo giảm khoảng 1%.

Chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt trung bình 134,9 điểm trong tháng 9, giảm 3,2 điểm (2,3%) so với tháng 8. Giảm liên tục 8 tháng liên tiếp, chỉ số này đã chạm mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Giá giảm ở tất cả các phân khúc dầu thực vật, với giá dầu cọ giảm mạnh nhất. Tồn kho cao tại các nước xuất khẩu lớn tiếp tục gây áp lực lên giá dầu cọ, khi giá dầu cọ tháng 9/2018 giảm tới 25% so với cùng kỳ năm 2017. Giá dầu đậu tương và dầu hạt cải trên thị trường quốc tế cũng giảm, chủ yếu là do nhu cầu trên thị trường quốc tế yếu đi, trong khi nguồn cung vụ mới dồi dào tại khu vực biển Đen gây áp lực lên giá dầu hạt hướng dương.

Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 191,5 điểm trong tháng 9 vừa qua, giảm 4,7 điểm (2,4%) so với tháng 8 và là tháng suy giảm thứ 4 liên tiếp. Tháng 9 vừa qua, giá bơ, phô mai và sữa bột nguyen kem (WMP) giảm trong khi giá sữa bột gầy (SMP) hồi phục. Khả năng nguồn cung khả dụng xuất khẩu tăng lên gây áp lực lên giá bơ, giá phô mai và WMP trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, giá SMP ghi nhận phục hồi trong tháng 9, dẫn đến tổng mức tăng 16,2% so với hồi đầu năm, chủ yếu là do nhu cầu tăng đối với sữa bột sản xuất mới.

Chỉ số giá thịt FAO đạt trung bình 166,2 điểm trong tháng 9, giảm nhẹ so với mức chỉ số giá thịt điều chỉnh trong tháng 8. Giá thịt bò và thịt lợn duy trì ổn định trong cùng kỳ so sánh, trong khi giá thịt cừu và thịt gia cầm tăng. Giá thịt cừu tăng tháng thứ 4 liên tiếp, phản ánh nguồn cung giảm từ châu Đại dương và nhu cầu nhập khẩu mạnh từ châu Á. Nhu cầu mạnh trong khi nguồn cung ngắn hạn giảm, chủ yếu là do Brazil, cũng góp phần nào khiến giá thịt gia cầm tăng. Tuy nhiên, nguồn cung khả dụng xuất khẩu dồi dào từ châu Đại dương và Mỹ giữ giá thịt bò gặp áp lực giảm; trong khi các đợt bùng phát dịch tả lợn mới gắn với các hạn chế nhập khẩu, gây áp lực lên giá thịt lợn.

Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 161,4 điểm trong tháng 9, tăng 4 điểm (2,6%) so với tháng 8, nhưng vẫn thấp hơn tới 43% so với cùng kỳ năm 2017. Giá đường tăng trong tháng 9 chủ yếu là do hoạt động thu hoạch đang diễn ra tại Brazil – nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Hạn hán tại Brazil trong giai đoạn sinh trưởng quan trọng của vụ mía đã gây tác động tiêu cực lên năng suất mía đơngf, với lượng mía thu hoạch giảm thấp hơn dự báo. Hơn nữa, lo ngại về triển vọng sản xuất khu vực Nam và Đông Nam á, đáng chú ý là tại Ấn Độ và Indonesia, do lượng mưa trong mùa mưa thấp hơn thông thường, càng đẩy giá đường quốc tế tăng.

Theo FAO
Admin

Sản lượng đường Thái Lan giảm do hạn hán

Bài trước

Sản lượng đường Việt Nam tăng gây áp lực lên giá đường thế giới

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc